Đừng để thành câu chuyện 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi'

Thời gian qua, chất lượng không khí tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội vẫn có những diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy các ngành chức năng đã và đang có những nỗ lực để hạn chế sự ô nhiễm này. Tuy nhiên, để giảm thiểu các nguồn ô nhiễm vẫn cần thêm các biện pháp quyết liệt và đồng bộ hơn…

Bài toán nan giải

Dù đã diễn biến suốt một thời gian dài song câu chuyện ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Chỉ số ô nhiễm thường xuyên ở mức cao, không có lợi cho sức khỏe luôn là mối lo của người dân đô thị. Một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí được các ngành chức năng xác định là do khí thải từ phương tiện cơ giới đường bộ. Đặc biệt, các phương tiện không bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn. Xe máy là ví dụ.

Nếu như với phương tiện ô tô, sự kiểm soát được quy định chặt chẽ thì hiện xe máy dường như vẫn “thả nổi”. Nói cách khác, hiện xe máy chưa có sự kiểm soát, kiểm tra định kỳ về khí thải. Hệ lụy nhãn tiền là xe càng cũ nát thì lượng phát thải khói càng cao, trực tiếp gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Tại Hà Nội, không khí luôn ngột ngạt vì khói xe. Ảnh: Giang Nam

Tại Hà Nội, không khí luôn ngột ngạt vì khói xe. Ảnh: Giang Nam

Được biết, hiện việc kiểm soát khí thải với loại phương tiện này đến nay mới kiểm soát đối với “đầu vào” là xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Cụ thể, từ năm 2007, xe máy sản xuất mới phải đạt mức tương ứng tiêu chuẩn khí thải Euro2 mới được bán ra thị trường; từ năm 2017, phải đạt tiêu chuẩn tương ứng mức Euro3.

Việc nâng tiêu chuẩn xe sản xuất, nhập khẩu từ Euro2 lên Euro3 giúp nâng cao chất lượng động cơ, hạn chế thành phần chất gây ô nhiễm có trong khí thải xe máy. Tuy nhiên, số lượng xe máy gia tăng nhanh chóng dẫn đến tổng lượng phát thải tăng, trong khi bất cập là luật chưa quy định về kiểm tra khí thải đối với xe đang lưu hành nên mức độ gây ô nhiễm tăng hơn từ loại xe cũ nát, chất lượng kém.

Cần thêm những giải pháp

Thực tế, tại các đô thị lớn như Hà Nội chính quyền thành phố đã có một số biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí như trồng cây xanh; tăng quy chuẩn lượng ôtô; tăng cường các xe buýt công cộng, kiểm soát các nguồn xả thải sản xuất... Sự nỗ lực vào cuộc trên là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, để giảm thiểu ô nhiễm cải thiện chất lượng không khí đô thị thì cần phải kiểm soát các nguồn ô nhiễm.

Ở câu chuyện xe máy cũng vậy, khi xác định rõ những hệ lụy mà xe máy “lười” bảo dưỡng định kỳ gây ra thì việc sớm tìm ra giải pháp là cần thiết. Tại tọa đàm Xe máy: Câu chuyện từ Hà Nội ra thế giới, ThS. Vũ Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Giao thông vận tải cho biết, về mức độ phát thải từ các phương tiện giao thông thì xe máy đang “đóng góp” nhiều nhất. Bởi nhu cầu đi lại của người dân chủ yếu vẫn dựa vào xe máy.

Sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân là một trong những giải pháp chung tay giảm ô nhiễm môi trường không khí. Ảnh: Giang Nam

Sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân là một trong những giải pháp chung tay giảm ô nhiễm môi trường không khí. Ảnh: Giang Nam

Cụ thể, ở bức tranh toàn cảnh có thể thấy mỗi năm ngành giao thông vận tải đóng góp khoảng hơn 30 triệu tấn khí thải CO2, chưa kể đến những khí thải độc hại hơn như CO, HC… Trong đó, xe máy gây ra 80 – 90% khí phát thải. “Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn vào một con số tương đối, chẳng hạn chúng ta chia lượng phát thải đó trên 1 chuyến đi thì xe máy vẫn là phương tiện có lượng phát thải ít hơn so với ô tô, nhưng xét theo các khí thải khác như CO, HC… thì mỗi chuyến đi bằng xe máy sẽ phát thải nhiều hơn. Lý do thì có nhiều nhưng chủ yếu liên quan nhiều đến công nghệ và phương tiện” - ThS. Vũ Anh Tuấn chia sẻ.

Bàn sâu về giải pháp, ThS. Trịnh Thị Bích Thủy, Chuyên gia tư vấn môi trường và phát triển bền vững cho rằng, trên thế giới cũng có nhiều quốc gia gặp phải tình trạng tương tự như ở Việt Nam. Tuy nhiên, do có chính sách phù hợp, vấn đề ô nhiễm không khí đã được cải thiện đáng kể.

Lấy ví dụ từ Đài Loan, ThS. Trịnh Thị Bích Thủy cho biết, năm 1999 có tới khoảng 11 triệu xe máy được sử dụng, chủ yếu là xe động cơ hai thì, làm khí thải phát sinh tăng cao đột biến. Nhận thức được tình trạng trên, chính phủ Đài Loan đã thực hiện chính sách nhằm quản lý khí thải xe máy. Chính sách của quốc gia này được triển khai trên một số phương diện như: Thu hồi xe quá cũ, không đủ điều kiện về phát thải; tổ chức kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ; khuyến khích kinh tế để thực hiện chuyển đổi phương tiện và giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân…

Ở “bức tranh” toàn cảnh là khắc phục ô nhiễm không khí tại đô thị lớn TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng các cơ quan chính quyền phải có thêm những biện pháp quyết liệt, cụ thể để giảm thiểu tình trạng này.

Cụ thể cần phải tăng cường các phương tiện giao thông công cộng, cần có những chính sách kinh tế để khuyến khích người dân tham gia, đầu tư vào hệ thống xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch. Ngoài ra, phải kiểm soát chặt chẽ khí thải của các làng nghề. Cần thanh tra, kiểm tra, có những biện pháp để hạn chế, yêu cầu phải lắp đặt thiết bị xử lý trước khi xả thải ra môi trường. Chính quyền cần quyết liệt trong việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô…

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dung-de-thanh-cau-chuyen-biet-roi-kho-lam-noi-mai-113085.html