Đừng để trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục
Trong nhiều mục tiêu cụ thể đề ra về công tác bảo vệ trẻ em như giảm vi phạm pháp luật, giảm bị thương tích bạo hành,… đã nhấn mạnh đến hạn chế tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD).
Trẻ bị cả người thân xâm hại tình dục
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnhcó 4 trẻ em bị XHTD. Tuy nhiên, gần đây nhất vào ngày 03/8, dư luận bức xúc khi bắt quả tang ông Đoàn Văn Nhị (66 tuổi, ngụ xã Bình Tâm, Tp.Tân An) đang khỏa thân với bé gái 13 tuổi ở một căn nhà.
Người thân gia đình bé gái đã khống chế Nhị và giao cho Công an xã Bình Tâm. Theo thông tin từ UBND xã Bình Tâm, đối tượng Nhị quen bé gái vì trước đó có biết chị của bé gái qua việc mua, bán đất. Bé gái kể từng bị ông Nhị dụ dỗ và quan hệ tình dục nhiều lần.
“Theo đó, lần này khi thấy đối tượng dụ dỗ và chở bé gái đi, gia đình đã bám theo và bắt quả tang ông ta đang khỏa thân cùng bé gái. Sau vụ việc, đối tượng Nhị bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Tân An tạm giữ hình sự để điều tra, làm rõ” - Chủ tịch UBND xã Bình Tâm - Lê Phú Huyền cho biết.
Cũng theo thống kê, những năm qua, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra những vụ XHTD trẻ em. Năm 2015, xảy ra 23 trường hợp; năm 2016 là 13 trường hợp, năm 2017 có 19 trường hợp. Trong khi đó, năm 2018, tội phạm trên địa bàn tỉnh nổi lên có tội XHTD trẻ em khi có đến 32 vụ trẻ em bị xâm hại, trong đó có 1 vụ giết trẻ em, 8 vụ hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi, 2 vụ cố ý gây thương tích cho trẻ em, 4 vụ dâm ô người dưới 16 tuổi.
Điều lo lắng và gây phẫn nộ trong dư luận là có những vụ việc XHTD trẻ em lại chính từ người quen, thân thích, ruột thịt, có trường hợp bé gái bị chính cha ruột xâm hại nhiều lần.
Theo Công an tỉnh, có nhiều nguyên nhân xảy ra xâm hại trẻ em, trong đó, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao; nhiều gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc trẻ em; trẻ thiếu kỹ năng tự vệ. Với các vụ tố cáo XHTD trẻ em thì công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, chứng cứ còn nhiều khó khăn. Nạn nhân bị xâm hại và người thân còn tâm lý muốn giấu kín, không tố giác,...
Chung tay bảo vệ trẻ em
Chủ tịch UBND xã Bình Tâm, TP.Tân An - Lê Phú Huyền cho rằng, để ngăn ngừa XHTD trẻ em, ngoài sự vào cuộc của chính quyền, ngành chức năng thì vai trò của gia đình vô cùng quan trọng, là lá chắn đầu tiên. Bởi từ sự thờ ơ, thiếu quan tâm, mất cảnh giác của gia đình, trẻ dễ rơi vào nguy cơ bị XHTD, trong đó có đối tượng xâm hại lại chính là người thân, quen biết.
Phóng viên đã gặp trường hợp trẻ vị thành niên có hành vi XHTD trẻ em, trong đó có sự lơ là, thiếu quan tâm của gia đình. Trường hợp em N.V.C, ở huyện Đức Hòa chính là bài học. Cha mẹ C. mải lo làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống nên ít dành thời gian quan tâm đến em. Nhiều lần, biết chuyện C. trộm vặt trong xóm nhưng cha mẹ cũng phớt lờ, thậm chí ngó lơ khi thấy C. tiếp xúc với những phim ảnh có nội dung không lành mạnh. Chính sự thờ ơ của cha mẹ vô tình đẩy con trẻ từ sai lầm này đến sai lầm khác và cuối cùng là XHTD với bé gái gần nhà mà không hề biết đó là vi phạm pháp luật.
“Gia đình phải luôn quan tâm chăm sóc, yêu thương trẻ; quan tâm giáo dục con em mình ngay từ nhỏ, trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết về giới tính, tình dục, giáo dục tâm sinh lý cho trẻ, theo dõi sự phát triển về mặt tâm sinh lý của trẻ để hướng dẫn, định hướng cho trẻ kịp thời. Trẻ em trong độ tuổi dậy thì, gia đình phải quản lý, theo dõi sát việc học tập, vui chơi, giải trí, sử dụng mạng xã hội, mối quan hệ bạn bè. Song song đó, gia đình cần mạnh dạn tố cáo hành vi XHTD trẻ em với cơ quan chức năng,...” - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới - Phan Thị Nguyệt chia sẻ.
Ngoài ra, chính quyền, các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Phối hợp cơ quan báo chí tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể, gia đình và mỗi người dân trong việc phát hiện, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Theo Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới - Phan Thị Nguyệt, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cũng kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bảo đảm cho các em được sống trong môi trường an toàn, được chăm sóc phục hồi, hòa nhập với gia đình và cộng đồng.
Hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, số điện thoại của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (02723.513.663) và văn phòng tư vấn (157 điểm tư vấn ở trường và 24 điểm tư vấn tại cộng đồng) để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em.
Các ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ, can thiệp kịp thời các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tuyên truyền, tập huấn, tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề cho cán bộ làm công tác trẻ em cấp cơ sở, lực lượng cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về các nguyên tắc phòng tránh nguy cơ bị bạo lực, xâm hại; quy trình hỗ trợ can thiệp khi trẻ em bị xâm hại,… Khi xảy ra sự việc, tiến hành tư vấn, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/dung-de-tre-em-la-nan-nhan-cua-xam-hai-tinh-duc-a80968.html