'Đừng để trên nóng, dưới lạnh!'
TP HCM sẽ thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án trên địa bàn do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình đảm trách
Chiều 11-5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội tháng 4-2021, 4 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 5-2021. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến.
Rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết sẽ lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở các dự án trên địa bàn, do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình chịu trách nhiệm, có đại diện ngân hàng, thuế, môi trường... tham gia. TP HCM sẽ hệ thống hóa tất cả dự án đang gặp vướng mắc về đất đai, thủ tục và sẽ tập trung giải quyết theo từng nhóm vấn đề.
"Tổ công tác làm việc với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, bởi sự phát triển của doanh nghiệp đóng góp rất lớn vào sự phát triển của TP. Có thể họp liên tục hằng tuần để xử lý, còn vấn đề nào liên quan đến trung ương thì hệ thống lại, đăng ký làm việc với Chính phủ để tháo gỡ" - ông Nguyễn Thành Phong nhìn nhận. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh các sở, ngành, quận, huyện không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu thủ trưởng từng đơn vị chịu trách nhiệm nếu để sụt giảm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). TP HCM sẽ trao giải thưởng cho đơn vị nào thực hiện tốt.
"Trước hết phải nỗ lực. PCI năm 2016 ở hạng 8, nay hạng 14. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) thì ngày càng sụt giảm. Dù nói đã cố gắng nhưng điểm số vẫn là đánh giá cuối cùng. Như học bài đi thi thôi, thức suốt đêm mà điểm thấp thì làm sao nói ta nỗ lực?" - ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cơ quan chức năng phải rút ngắn khoảng cách giữa lời nói và việc làm. Từng công việc phải đặt ra thời gian cụ thể, công bố rộng rãi cho người dân biết và giám sát. Với các cơ quan, văn bản gửi xin ý kiến trong 15 ngày làm việc mà không trả lời thì coi như đồng ý và phải chịu trách nhiệm. Lãnh đạo TP HCM cũng yêu cầu thành lập thêm tổ công tác kiểm tra kết luận của các phó chủ tịch UBND TP HCM.
Kinh tế khởi sắc
Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP HCM, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết trong 4 tháng đầu năm, sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các ngành quan trọng của TP dần hoạt động lại, nền kinh tế từng bước phục hồi và phát triển. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn TP ước đạt trên 366.000 tỉ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Trong đó, các dịch vụ bán lẻ, lưu trú, ăn uống hay sản phẩm công nghệ cao đều tăng, dấu hiệu phục hồi rõ nét. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ước đạt trên 15 tỉ USD (tăng 13,9%).
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn, không có lượt khách quốc tế nào trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, với những chương trình kích cầu du lịch nội địa được áp dụng, TP HCM đón hơn 6 triệu lượt khách nội địa trong 4 tháng đầu năm, thu về hơn 29.000 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cũng có những tín hiệu tích cực.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá trong 4 tháng đầu năm, mặc dù diễn biến dịch phức tạp nhưng sự tăng trưởng của các ngành kinh tế rất phấn khởi.
"Trong điều kiện dịch mà chúng ta bảo đảm được tốc độ tăng của các ngành công nghiệp chủ lực là điều đáng mừng. Chính vì vậy, phòng chống dịch là trách nhiệm hết sức nặng nề, nếu không thực hiện tốt sẽ làm gãy đổ những nỗ lực phục hồi kinh tế" - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Chuẩn bị phương án nếu dịch bệnh lan rộng
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đã chỉ đạo Sở Y tế chuẩn bị phương án phòng chống nếu dịch bệnh lan rộng. Hiện có 6 nhóm nguy cơ bùng phát dịch. Thứ nhất, lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Thứ hai, nguy cơ từ những người bệnh dương tính sau khi kết thúc 14 ngày cách ly tập trung nhưng không tuân thủ việc theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày. Thứ ba, TP HCM có nhiều bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận nhiều bệnh nhân, thân nhân từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Thứ tư, nguy cơ từ người nhập cảnh trái phép. Thứ năm, từ các địa phương có chuỗi lây nhiễm. Thứ sáu, TP HCM là cửa ngõ giao lưu trong nước và quốc tế với nhiều sân bay, cảng hàng hải lớn, nhỏ. TP Yêu cầu kích hoạt toàn bộ chỉ số an toàn và tổ chức hậu kiểm; tăng cường giải pháp kiểm soát dịch bệnh từ đường hàng không, đường thủy, đường bộ; tái lập chốt kiểm soát và khai báo bệnh ở tất cả cửa ngõ vào TP. Sở Y tế triển khai thêm 4 khu cách ly tập trung để nâng công suất lên 10.000 giường, triển khai phương án điều trị 50-100 bệnh nhân cùng lúc.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dung-de-tren-nong-duoi-lanh-20210511222915105.htm