Đừng để ung thư khi có biểu hiện mới đi khám

Khánh kiệt về kinh tế, mệt mỏi về tinh thần, đau đớn về thể xác… là những gì mà hầu hết những người mắc ung thư đều phải trải qua. Rất nhiều người đang khỏe mạnh, chưa từng biết đến nằm viện, nhưng rồi một ngày, bỗng xuất hiện một hai triệu chứng khác thường, để rồi được bác sĩ kết luận mắc ung thư giai đoạn cuối. Chính vì thế, một trong những lời khuyên luôn được các bác sĩ đưa ra đó là phải đi khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư sớm để phát hiện bệnh kịp thời.

Bác sĩ Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên kiểm tra sức khỏe cho người bệnh đang điều trị.

Bác sĩ Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên kiểm tra sức khỏe cho người bệnh đang điều trị.

Tiến sĩ, bác sĩ Vi Trần Doanh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, chia sẻ: Ung thư là bệnh có xu hướng gia tăng nhiều trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Một số loại ung thư thường gặp hiện nay đó là ung thu gan, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư vú (ở phụ nữ).

Tại Trung tâm Ung bướu, với hơn 300 giường bệnh nhưng lúc nào cũng kín chỗ. Các bệnh nhân đến đây được điều trị bằng các phương pháp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch. Điều đáng nói là chỉ có khoảng 30% bệnh nhân được phát hiện ung thư ở giai đoạn 1-2, còn lại 70% đã ở giai đoạn 3-4. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn, thời gian kéo dài, liệu trình hóa trị có thể kéo dài hàng năm (tùy từng bệnh, phác đồ điều trị, nhưng đa số sẽ kéo dài từ 6-8 tháng, thậm chí có người phải duy trì thuốc đến hết đời). Ngoài ra, việc phát hiện muộn cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tiền bạc của bệnh nhân, gia đình và cả xã hội, trong khi hiệu quả mang lại không như mong muốn.

Cũng theo Tiến sĩ, bác sĩ Vi Trần Doanh: Nếu phát hiện sớm, ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn và việc điều trị cũng sẽ đơn giản, nhẹ nhàng và ít tốn kém hơn. Nhưng đáng tiếc là trên thực tế, số bệnh nhân khi đến viện, phần lớn đã khá muộn. Nhiều người được phát hiện là do đi khám một loại bệnh khác, chứ không phải do ung thư gây ra.

Hầu hết các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện đều cần có người thân chăm sóc.

Hầu hết các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện đều cần có người thân chăm sóc.

Ung thư thường diễn ra khá âm thầm, hầu như không có triệu chứng. Có người có triệu chứng nhưng mơ hồ, bệnh nhân lại chủ quan nên bỏ qua. Có những người khi không đừng được nữa mới đi khám. Thậm chí có người đã được chẩn đoán là ung thư nhưng vẫn không điều trị theo phác đồ của bác sĩ, mà bỏ về nhà cắt thuốc nam. Vài tháng sau, uống thuốc nam không đỡ mới quay lại. Khi này, bệnh nhân đã không còn ở giai đoạn 2, giai đoạn 3 mà đã chuyển sang giai đoạn 4.

Bà H.T.K.O, ở tổ 4, phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên, có chồng là ông N.T.G, 64 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, chia sẻ: Bình thường, ông nhà tôi rất khỏe mạnh, không có bệnh tật gì, mặc dù ông ấy hút thuốc lá khá nhiều. Cách đây hơn 1 năm (tháng 11-2023), sáng ngủ dậy, mặt ông ấy tự nhiên bị phù nên đến viện khám. Sau khi chụp chiếu, làm các xét nghiệm thì bác sĩ kết luận, bị u phổi phế quản. Khi này đã di căn vào xương và lên não. Đến nay, ông ấy đã 1 lần xạ não, 3 lần xạ lồng ngực.

Cũng theo bà O.: Vợ chồng tôi rất ít khi đi khám sức khỏe. Nếu có đi khám cũng phải là do có dấu hiệu bệnh mới đi. Lần khám gần đây nhất là hơn 5 năm về trước, được con cho đi Hà Nội khám tổng quát. Trước đó, ông ấy thỉnh thoảng húng hắng ho nhưng rồi tự hết nên gia đình cũng chủ quan.

Cũng giống với ông G., ông L.V.Q, 60 tuổi, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, cũng là người hút nhiều thuốc lá. Tuy nhiên, căn bệnh mà ông mắc phải lại là ung thư lưỡi. Ban đầu, ông thấy xuất hiện vết loét ở lưỡi và nghĩ là bị nhiệt. Một thời gian sau, vết loét nặng và đau hơn nên đi khám mới biết bị ung thư lưỡi, giai đoạn 2.

Người dân xếp hàng để khám tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Người dân xếp hàng để khám tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Tính đến nay, ông đã điều trị được 4 năm. Sức khỏe của ông ngày càng suy kiệt. Trước đây, cứ 3 tháng, ông mới phải xuống viện khám, điều trị một lần. Nhưng nay, chỉ được 5-10 ngày đã phải nhập viện. Vợ ông Q. chia sẻ: Ngoài hút thuốc, ông Q còn uống rượu khá nhiều. Từ khi mắc bệnh, ông đã bỏ rượu, nhưng vẫn hút 1-2 điếu thuốc mỗi ngày, vì nếu không, ông ấy sẽ thấy mệt mỏi hơn. Mỗi đợt điều trị hiện nay của ông thường kéo dài từ 10-15 ngày… Vợ ông Q. chia sẻ trong nước mắt.

Còn rất nhiều trường hợp mắc ung thư khác nhưng không xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Do đó, một lời khuyên luôn được các bác sĩ đưa ra cho tất cả mọi người đó là khi đang còn khỏe mạnh, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, không có triệu chứng gì thì vẫn cần khám sức khỏe nói chung, khám sàng lọc phát hiện ung thư sớm nói riêng, theo định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần. Tùy theo độ tuổi, giới, tình trạng sức khỏe khác nhau mà bác sĩ đưa ra lời khuyên cụ thể.

Một vấn đề khác cũng rất đáng được quan tâm đó là bệnh nhân mắc ung thư ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Bên cạnh phần lớn người mắc ung thư đều trên 40 tuổi, thì gần đây, có bệnh nhân chỉ mới ngoài 20 tuổi, thậm chí trẻ hơn. Ngoài yếu tố di truyền và nội tiết, thì nguyên nhân chủ yếu gây ung thư vẫn là môi trường sống. Do đó, việc thực hiện lối sống lành mạnh trong ăn uống, nghỉ ngơi, rèn luyện sức khỏe… vẫn là điều cần thiết trong phòng chống bệnh tật nói chung, ung thư nói riêng.

Theo ước tính, năm 2024, số ca mắc ung thư mới tại nước ta khoảng 200.000 người và số ca tử vong là gần 140.000 người. Dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 230.000 ca mới mắc và 166.000 ca tử vong vào năm 2030.

Việt Bắc

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202504/dung-de-ung-thu-khi-co-bieu-hien-moi-di-kham-b12108f/