Đừng để xuất khẩu mặt hàng lợi thế rơi vào thế bất lợi
Các doanh nghiệp nội địa chế biến xuất khẩu cà phê, hồ tiêu và hạt điều đang gặp nhiều bất lợi do nguồn cung nguyên liệu vừa thiếu hụt vừa tăng giá cao, chưa kể sức ép về lãi suất, khó tiếp cận vốn vay, mất cơ hội xuất khẩu, bất cập trong chính sách nhập khẩu… Điều này đang đòi hỏi cần có sự gỡ khó từ khâu chính sách nếu không muốn doanh nghiệp rơi vào vào cảnh 'chết lâm sàng'.
Báo cáo mới cập nhật từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu (XK) cà phê nửa đầu tháng 4/2023 chỉ đạt 81.348 tấn, lũy kế từ đầu năm đạt 634.023 tấn, giảm 4,32% so với cùng kỳ năm trước.
Lao đao với cà phê giá cao
Riêng quý 1/2023, XK cà phê đã giảm 5% về lượng và 5,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022, đạt 552.613 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD.
Qua tìm hiểu của VnBusiness được biết, các doanh nghiệp (DN) trong nước đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn hàng do vốn mỏng trong khi giá cà phê nội địa tăng cao, do đó lợi thế thu mua đang thuộc về các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Các DN xuất khẩu cà phê không dám ký thêm các hợp đồng giao xa vì lo sợ ảnh hưởng của sự tăng giá nội địa trong thời gian tới.
Ghi nhận vào ngày 20/4 cho thấy, giá cà phê trong nước duy trì xu hướng tăng do lo ngại nguồn cung thiếu hụt trong ngắn hạn. Đơn cử như giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 100 – 200 đồng, lên dao động trong khung 50.700 – 51.200 đồng/kg.
Lượng cà phê Robusta của Việt Nam thu hoạch niên vụ 2022/2023 trong nhà nông được giới quan sát cho rằng đã cạn kiệt, hầu hết lượng hàng dành cho XK đã nằm trong tay doanh nghiệp FDI và họ đang chờ giá cao mới tung ra.
Còn theo ghi nhận của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, do giá cà phê có xu hướng tăng, nông dân đang giữ hàng không bán ra khiến cho nguồn cung trong nước thiếu, các DN XK gặp khó khăn để mua nguyên liệu.
Các DN XK cà phê không dám ký thêm các hợp đồng giao xa vì lo sợ ảnh hưởng của sự tăng giá nội địa trong thời gian tới. Chưa kể, sức ép về lãi suất và khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng cũng gây khó khăn cho các DN XK vừa và nhỏ trong nước.
Trong khi đó, sức mua của đa số DN XK cà phê yếu là do nguồn vốn eo hẹp trong bối cảnh lãi suất khá cao và biến động tỷ giá thất thường. Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động hiện đã giảm khá mạnh, nhưng các DN e ngại lãi suất cho vay vẫn chưa về mức tại thời điểm trước tháng 9/2022.
Trên thực tế, tuy lãi suất điều hành đã hạ, nhưng lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng vẫn trên 10%/năm. Với lãi suất này, các DN XK cà phê không có lãi. Hơn nữa, điều kiện vay vốn của ngân hàng rất khắt khe.
Vì vậy, để tránh bất lợi cho các DN nội trong mảng XK cà phê, giới chuyên gia cho rằng nếu không “mềm hóa” quy định về thế chấp, định giá tài sản, thì DN nội sẽ rất khó tiếp cận vốn vay để thu mua cà phê.
Ông Thành, giám đốc một DN trong ngành cà phê ở tỉnh Gia Lai chia sẻ, vốn tín dụng được cấp không đủ, không kịp thời thì DN sẽ không nắm bắt kịp thời cơ hội XK trong ngắn hạn. Nhất là khi niên vụ cà phê 2022-2023, DN nội địa bị thiếu nguồn vốn do tín dụng không cung ứng kịp thời thì đối tượng bị ảnh hưởng, bị thiệt thòi không chỉ với DN mà còn với nông dân.
Tiêu, điều khó “nở mày nở mặt”
Còn với ngành hồ tiêu, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, trong tháng 3/2023 vừa qua, thu hoạch tiêu chậm, tính trung bình cả nước mới chỉ thu hoạch 50 - 60% lượng tiêu của niên vụ 2022 - 2023.
Bên cạnh đó, giá nhân công thu hái năm nay cao hơn rất nhiều so với trước đây do thiếu nguồn lao động thu hoạch, vì vậy tốc độ hàng ra thị trường “nhỏ giọt”. Điều này ảnh hưởng đến nguồn cung đầu vào của các DN XK hồ tiêu. Khi có đơn hàng lớn, DN cũng khó để mua số lượng lớn.
Trong khi đó, theo dự báo của Bộ NN&PTNT, thị trường hồ tiêu toàn cầu có xu hướng phục hồi, do đó các nhà XK hồ tiêu cần ổn định vùng nguyên liệu, bà con nông dân thận trọng trong việc trồng mới mà chú trọng chăm sóc, phục dưỡng những diện tích tiêu đang cho năng suất ổn định, nhằm phát triển bền vững cây hồ tiêu.
Đáng chú ý, trong báo cáo tháng 4/2023 vừa được công bố, Nedspice Group cho rằng những năm tới sẽ chứng kiến xu hướng tiêu cực về diện tích và sản lượng tiêu nội địa của Việt Nam. Nhất là khi hầu như không có diện tích trồng mới nào trong những năm gần đây ở Việt Nam. Nông dân đang chuyển sang các loại cây trồng có lợi hơn như sầu riêng và chanh leo.
Số liệu cho thấy XK hồ tiêu trong quý 1/2023 tăng 47,8% về sản lượng so cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng lại giảm 3,8% về giá trị. Sản lượng XK tăng chủ yếu do Trung Quốc mở cửa nên mua bù cho lượng hàng thiếu hụt trước đó, trong khi XK sang Mỹ và EU giảm do khủng hoảng kinh tế. Một số dự báo cho rằng thời gian tới, XK hồ tiêu sẽ giảm trở lại do tiếp tục chịu ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine cũng như Trung Quốc đã mua đủ hàng.
Riêng với ngành điều, theo giới phân tích, các DN nội trong ngành hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như lạm phát, suy thoái, chính sách thắt chặt tín dụng, biến động tỷ giá USD/VND, tiêu dùng giảm sút, chi phí chế biến ngày càng tăng.
Trong quý 1 vừa qua, dù XK điều tăng tăng 16,6% về lượng và tăng 14,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, nhưng nông dân và các DN chế biến, XK hạt điều không thể “nở mày nở mặt” vì giá bán ở mức thấp (giá XK bình quân hạt điều trong quý 1/2023 ước đạt 5.826 USD/tấn, giảm 2,1% so cùng kỳ).
Đặc biệt là tình trạng nhiều DN ngành điều đang lao đao cầm cự trước lãi suất ngân hàng, chi phí đầu tư nhà máy, kho bãi, cước phí vận chuyển, nhân công... Nhìn bề ngoài thì không ít DN vẫn còn hoạt động, song bên trong đã “chết lâm sàng”. Chưa kể, nhiều DN trong ngành đang đứng trước nguy cơ phá sản do lỗ hổng từ chính sách xuất nhập khẩu khiến cho điều nhân của châu Phi vào Việt Nam tăng mạnh.
Nhìn chung, để hoạt động XK cà phê, tiêu, điều của các DN nội địa không phải rơi vào thế bất lợi đang đòi hỏi các cơ quan quản lý và khâu chính sách cần xác định rõ những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này và sớm có giải pháp gỡ khó kịp thời.