Dùng địa chỉ 'ma' để nhập phế liệu về cảng biển
Tình trạng buôn lậu phế liệu vẫn diễn ra phức tạp với khối lượng ngày càng lớn với nhiều thủ đoạn, cách thức mới gây ra không ít khó khăn cho cơ quan chức năng và những hệ lụy xấu đến kinh tế - môi trường. Đáng chú ý, kể từ khi Chính phủ siết chặt việc nhập khẩu phế liệu qua đường cảng biển thì các đối tượng chuyển hướng sang đường biên giới đất liền.
Buôn lậu phế liệu "nóng" trên đường biên giới đất liền
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, mặt hàng phế liệu nhập vào Việt Nam chủ yếu là các loại phế liệu nhựa, sắt, giấy, lon nhôm ép thành khối... Đây là mặt hàng đặc thù nên cơ quan hải quan rất khó khăn trong việc phát hiện thủ đoạn gian lận của các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu.
Đáng chú ý, kể từ khi Chính phủ siết chặt việc nhập khẩu phế liệu qua đường cảng biển thì các đối tượng chuyển hướng sang đường biên giới đất liền. Đặc biệt, ở dọc tuyến vành đai biên giới Tây Nam giáp với Campuchia, tình hình buôn lậu mặt hàng phế liệu có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn cả, nhất là trong mùa nước nổi. Các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng bên kia cửa khẩu phía Campuchia, sau đó vận chuyển bằng nhiều phương tiện để đưa vào Việt Nam tiêu thụ cho các cơ sở sản xuất, tái chế.
Thời gian qua, lực lượng hải quan đã phối hợp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển phế liệu từ Campuchia vào nội địa tiêu thụ. Cục Hải quan Đồng Tháp cho hay, cơ quan này vừa chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá một vụ tập kết 5,1 tấn phế liệu sắt thép tại địa điểm bãi đất trống đối diện cầu Kênh Sườn 2 thuộc ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự. Lô hàng gồm, sắt, thép, phế liệu các loại được tháo rời từ các chi tiết máy tuốt lúa, máy kéo nông nghiệp. Khi phát hiện Tổ tuần tra kiểm soát từ xa, các đối tượng vận chuyển hàng lậu bỏ trốn về phía Campuchia.
Trước đó, ngày 15/11/2021, tại đoạn sông thuộc xã Vĩnh Phú (huyện Giang Thành), lực lượng trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Kiên Giang phát hiện 2 chiếc ghe tải nghi chở hàng hóa nhập lậu, nên tiến hành kiểm tra. Trên 2 phương tiện chở khoảng 50 tấn phế liệu, trong đó khoảng 4 tấn pin điện thoại di động đã qua sử dụng (là chất thải nguy hại) và khoảng 46 tấn nhựa phế liệu chứa trong các bao tải.
Tại thời điểm kiểm tra có 3 người trên ghe, gồm Trương Minh Cửu (SN 1973, ngụ huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang); Đào Văn Phước (SN 1988) và Võ Văn Phấn (SN 1987, cùng ngụ huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), cả 3 không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Bước đầu 3 người này khai nhận chở thuê số hàng trên cho Nguyễn Vũ Linh (chủ vựa phế liệu) từ huyện Giang Thành (Kiên Giang) đến huyện Tịnh Biên (An Giang) để giao lại cho Nguyễn Vũ Luân. Làm việc với cơ quan chức năng, Luân thừa nhận đã thỏa thuận mua số phế liệu trên của Linh với giá trên 150 triệu đồng.
Về thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu phế liệu, Cục Điều tra chống buôn lậu cho rằng, các đối tượng buôn lậu thường thực hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận trong nhập khẩu phế liệu như: Làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ; khai sai tên hàng, mã số hàng hóa khác với tên hàng, mã số hàng hóa là phế liệu; lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách để nhập khẩu số lượng lớn phế liệu không đủ điều kiện, quy chuẩn; dùng địa chỉ "ma" để nhập phế liệu về các cảng biển; sử dụng kết quả giám định hợp thức hóa, chứng minh hàng hóa nhập khẩu không phải phế liệu để "né" các chính sách quản lý đối với phế liệu; nhập khẩu các lô hàng rác thải sau đó từ chối nhận hàng nhằm thu lợi từ các đối tượng ở nước ngoài...
Kiên quyết xử lý
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, bắt đầu từ cuối tháng 3/2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) đã thực hiện tiêu hủy phế liệu trong tổng số hơn 350 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường. Số phế liệu trên do 10 hãng tàu vận chuyển về Việt Nam từ nhiều năm nay.
Kết quả kiểm tra, giám định cho thấy, số phế liệu tồn đọng này không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường. Để thực hiện tiêu hủy số phế liệu này, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phân công 4 tổ công tác thực hiện giám sát việc tiêu hủy. Các hãng tàu đã ký hợp đồng trực tiếp với các công ty xử lý rác thải, môi trường và phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy theo quy định. Thời gian tiêu hủy dự kiến đến tháng 11/2022 mới thực hiện xong.
Liên quan đến công tác xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển TP Hồ Chí Minh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghiệp cho hay, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc các hãng tàu tiêu hủy phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, cơ quan Hải quan yêu cầu các hãng tàu phải thuê đơn vị tiêu hủy hàng hóa vi phạm đủ năng lực, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do các hãng tàu vi phạm chi trả. Nếu quá thời hạn quy định hãng tàu không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Với sự cương quyết xử lý của cơ quan Hải quan, 10 hãng tàu vận chuyển trên 350 container phế liệu đã nhận quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy tang vật, thực hiện yêu cầu của cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 6 hãng tàu vận chuyển 17 container phế liệu nhựa nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường vẫn không thực hiện quyết định của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh.
Mới đây, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Cảng vụ Hàng hải TPHCM căn cứ Khoản 1, Khoản 3 Điều 8 Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam đối với 6 hãng tàu cho đến khi các hãng tàu nêu trên chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Hải quan theo quy định.
Tuy nhiên, việc cưỡng chế chưa thực hiện được do Cục Hàng hải TP Hồ Chí Minh cho rằng, đơn vị không có thẩm quyền dừng việc cấp phép ra vào cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh đối với tàu thuyền thuộc các hãng tàu nêu trên. Cục Hàng hải TP Hồ Chí Minh đề nghị Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh căn cứ các quy định hiện hành báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải để được chỉ đạo giải quyết.
Để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận trong nhập khẩu phế liệu, kiên quyết không để Việt Nam trở thành "bãi rác" của thế giới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng siết chặt kiểm soát cửa khẩu, biên giới, kiểm tra địa điểm tập kết, thu gom… để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/dung-dia-chi-ma-de-nhap-phe-lieu-ve-cang-bien-i651815/