Đụng độ Ấn - Trung có thể được dập tắt nhờ con đường chung đối phó Covid-19?
Ấn Độ đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi virus corona tại thời điểm làn sóng bài Trung Quốc tại nước này là một trở ngại để hai bên làm việc cùng nhau về vấn đề này.
Khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang trong cuộc khủng hoảng biên giới tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ, khả năng hợp tác của họ đối với đại dịch virus corona đã giảm sút dù cuộc khủng hoảng y tế này có thể là một điểm khởi đầu tiềm năng để thiết lập lại quan hệ.
Cơ hội giảm leo thang
Hai nước láng giềng hôm Chủ nhật đã đồng ý giảm quân ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya. Tuy nhiên, cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ trong các cuộc đụng độ hồi tháng trước đã thúc đẩy tình cảm chống Trung Quốc ở Ấn Độ, bao gồm phá hủy các sản phẩm của Trung Quốc và đốt cháy hình ảnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình . Những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đã khiến chính phủ Ấn Độ cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc.
Trong khi đó, Ấn Độ vào Chủ nhật đã vượt qua Nga để trở thành quốc gia báo cáo có các trường hợp Covid-19 nhiều thứ ba thế giới dù đã áp dụng các biện pháp phong tỏa kiểu Trung Quốc để phòng ngừa.
Tôi nghĩ cả hai nước cần tìm các kênh khác không mang tính chính trị và bắt đầu hợp tác, theo ông Niu Haibin, Phó giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, cho biết. "Bộ ngoại giao của cả hai quốc gia có thể kêu gọi hợp tác y tế công cộng trên tinh thần nhân đạo".
Chuyên gia Niu nói rằng các khó khăn mà Ấn Độ phải đối mặt trong việc kiểm soát Covid-19 có thể mang đến cho các nhà ngoại giao Trung Quốc một cơ hội để lèo lái các mối quan hệ láng giềng theo hướng tích cực hơn.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ có thể đưa ra một tuyên bố về cách họ theo dõi tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ và đề nghị thực hiện một số hỗ trợ, ông nói.
Theo chuyên gia Niu, hợp tác lâu dài về Covid-19 và các dịch bệnh tiềm tàng khác có thể được thực hiện trên các diễn đàn đa phương, ứng viên mạnh nhất là nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Sự hợp tác của BRICS về dịch bệnh, đặc biệt là phục hồi kinh tế sau dịch, là một cơ hội lớn, đặc biệt là khi Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào tất cả các quốc gia thành viên BRICS, ông nói.
Nhưng hợp tác trong BRICS khó có thể xảy ra trong ngắn hạn vì những quốc gia này có những ưu tiên khác, Niu nhận định.
"Ví dụ, Brazil đang ưu tiên phục hồi kinh tế trong nước và chưa quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh, ông nói.
Ba trong số năm thành viên BRICS nằm trong top năm toàn cầu về số trường hợp mắc Covid-19, Brazil thứ hai, Ấn Độ thứ ba và Nga thứ tư.
Rajan Kumar, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nhất trí rằng sự tin tưởng cao Ấn Độ đã chia sẻ với Nga, cũng như quan hệ tốt với Brazil và Nam Phi, có nghĩa là diễn đàn BRICS có tiềm năng mang lại cho Ấn Độ và Trung Quốc cơ hội hợp tác cùng nhau - nếu việc giảm căng thẳng ở biên giới của họ kéo dài.
Sức nặng làn sóng bài Trung Quốc tại Ấn Độ
"Trước đây, Ấn Độ đã từng có căng thẳng với Trung Quốc nhưng điều đó chưa bao giờ thực sự ảnh hưởng đến quan hệ thương mại hay kinh doanh", theo ông Kumar. Nhưng mọi thứ thực sự thay đổi sau khi binh lính thiệt mạng. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan này là điều tất cả các đảng chính trị đang cố gắng sử dụng".
Dư luận có thể gây áp lực cho thể chế chính trị Ấn Độ từ chối bất kỳ sự giúp đỡ nào từ Trung Quốc, theo Kumar.
"Về sự thù địch ở đây đối với Trung Quốc, tôi không nghĩ rằng hợp tác song phương là cơ chế phù hợp, ngay cả với virus corona", ông nói.
Trước tranh chấp biên giới lần này, Ấn Độ đã nhập khẩu khẩu trang, bộ dụng cụ xét nghiệm và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) từ Trung Quốc khi đại dịch lan rộng khắp thế giới.
Tuy nhiên, sau khi có khiếu nại từ nhiều bang của Ấn Độ, cơ quan y tế Ấn Độ cho biết vào tháng Tư rằng bộ dụng cụ xét nghiệm mua từ hai công ty Trung Quốc là không đáng tin cậy.
"Có rất nhiều sự phản đối đối với các sản phẩm của Trung Quốc rằng chúng không mang lại kết quả chính xác, điều này dẫn đến câu chuyện rộng hơn về làn sóng chống Trung Quốc đang nổi lên ở đây, ông Kumar nói.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhấn mạnh vào việc Ấn Độ tự mình tăng cường sản xuất khẩu trang và PPE.
Li Xing, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Aalborg ở Đan Mạch, cho biết Covid-19 có thể là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ, thay vì là một giải pháp hòa giải.
"Ấn Độ đang không có tâm trạng để nói về bất kỳ sự hợp tác nào, về bất kỳ vấn đề nào, ông nói. Một số đảng đối lập ở Ấn Độ cho biết họ muốn kiện Trung Quốc, giống như người Mỹ.
Giống như ông Donald Trump, họ muốn chuyển áp lực trong nước sang một số đối thủ nước ngoài.
Lúc này, vắc-xin Covid-19 có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc, theo Li. Nếu một loại vắc-xin Trung Quốc có thể giúp giảm bớt khủng hoảng Ấn Độ Covid-19, thì quan hệ tổng thể có thể có lợi. "Một khi Trung Quốc phát hiện hoặc sản xuất được vắc-xin thì ít nhất Ấn Độ có thể hạ thấp làn sóng căng thẳng và nghĩ tới việc hợp tác với Trung Quốc".