Đừng đổ lỗi cho nhà khoa học!
Gần đây, báo chí lẫn các diễn đàn trên mạng xã hội không ngừng thảo luận về hiện tượng một số trường đại học ở Việt Nam 'mua' các công bố khoa học của các nhà nghiên cứu với giá cao nhằm được thăng tiến trên các bảng xếp hạng đại học quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, trường hợp PGS. TS. Đinh Công Hướng vừa qua đã phải xin rút lui khỏi vị trí thành viên của Hội đồng ngành Toán, quỹ NAFOSTED do bị 'tố' bán nhiều bài nghiên cứu cho một số trường đại học đã dấy lên các luồng ý kiến trái chiều: liệu hành vi 'bán' bài nghiên cứu của nhà khoa học có vi phạm liêm chính học thuật?
“Bán bài” là cách nói phổ biến hiện nay trên truyền thông khi đề cập đến hiện tượng các nhà khoa học được một đơn vị không phải nơi họ công tác trả một khoản tiền, đổi lại nhà khoa học sẽ ghi tên đơn vị đó vào mục “liên kết tác giả” (author affiliation) trên các bài báo khoa học của mình.
Vậy “liên kết tác giả” là gì và tại sao lại quan trọng đến vậy?
Theo Chính sách Liên kết tác giả của Cambridge (Cambridge’s author affiliation policy), “liên kết tác giả” trong công bố khoa học là các thông tin chỉ đến cơ sở/đơn vị nơi nghiên cứu được thực hiện/hoặc được hỗ trợ/hoặc được phê duyệt. Như vậy, nơi công tác không phải là nơi duy nhất được phép ghi nhận là nơi liên kết với tác giả trên bài báo. Vì ngoài nơi này ra, nếu một nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở nhận sự hỗ trợ về kinh phí/cơ sở vật chất từ một đơn vị khác thì tác giả không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ ghi nhận đơn vị đã hỗ trợ theo cam kết giữa tác giả và họ.
Hơn nữa, nếu tạp chí công bố bài có chính sách này thì đây cũng là hành vi tuân thủ chính sách của chính tạp chí. Theo Cambridge, một trong những lý do mà các nghiên cứu khoa học nên có thông tin về “liên kết tác giả” là để minh bạch nguồn hỗ trợ mà tác giả nhận được để thực hiện việc nghiên cứu cũng như thể hiện trách nhiệm của đơn vị đó đối với nghiên cứu được công bố.
Ngày nay, một trong các tiêu chí quan trọng mà các tổ chức sử dụng để xếp hạng các trường đại học chính là năng lực nghiên cứu của đội ngũ các nhà khoa học của trường. Và “liên kết tác giả” chính là cơ sở để các tổ chức thống kê số lượng công trình nghiên cứu khoa học của một cơ sở học thuật. Vì vậy, để tăng thứ hạng trên các bảng xếp hạng danh giá, các trường đại học không ngại chi các khoản tiền lớn “đặt hàng” các nghiên cứu, và một trong các lợi ích họ được hưởng là tên của mình được nêu trong “liên kết tác giả”.
Có thể có lo ngại rằng, cách làm này của các đại học mang tính “ăn xổi ở thì”, không phản ánh được khả năng nghiên cứu thực chất của trường. Tuy nhiên, ở góc độ nhà nghiên cứu, khi tác giả ký kết các hợp đồng nghiên cứu như vậy, họ có vi phạm liêm chính học thuật hay không?
Liêm chính học thuật (academic integrity) được hiểu phổ biến là các quy tắc đạo đức thực hiện các hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học. Theo Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng giáo dục đại học của Úc (TEQSA – Tertiary Education Quality Standards Agency) các hoạt động học thuật nên được thực hiện trên cơ sở tuân thủ các giá trị cốt lõi gồm: tính trung thực, độ tin cậy, sự công bằng, sự tôn trọng và tinh thần trách nhiệm. Đây cũng là quan điểm được thừa nhận rộng rãi trong giới học thuật hiện nay. Thông thường, liêm chính học thuật được viện dẫn để lên án các hành vi gian lận, “đạo văn” trong học tập và nghiên cứu khoa học.
Vậy việc một nhà khoa học ký hợp đồng nghiên cứu với một cơ sở đào tạo để nhận được sự hỗ trợ kinh phí nhằm thực hiện các nghiên cứu của mình mà không vi phạm hợp đồng lao động, nghĩa vụ cá nhân đối với đơn vị nơi mình công tác hoàn toàn không xâm phạm bất cứ một giá trị nào trong số các giá trị cốt lõi của liêm chính học thuật được nêu ở trên.
Lấy trường hợp PGS. TS. Đinh Công Hướng làm ví dụ. PGS. TS. Đinh Công Hướng là giảng viên cơ hữu của Đại học Quy Nhơn, nhưng nếu (1). hợp đồng giữa ông và trường cũng như quy chế của trường không cấm ông ký kết hợp đồng hợp tác với các bên khác, (2). ông đã hoàn thành mọi nhiệm vụ theo quy định với nhà trường, và (3). ông không sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường để thực hiện những bài nghiên cứu ông ghi đơn vị liên kết là nơi khác thì việc ông ký hợp đồng nghiên cứu và nhận được sự hỗ trợ tài chính từ nơi đó để có điều kiện thực hiện nghiên cứu của mình không có gì là vi phạm liêm chính.
Việc ghi nhận đơn vị hỗ trợ trong liên kết tác giả phù hợp với chính sách của tạp chí công bố thì vừa không vi phạm pháp luật, cũng không vi phạm bất cứ một giá trị cốt lõi nào trong liêm chính học thuật đã nêu, lại thể hiện tính minh bạch khi công khai nguồn hỗ trợ cho nghiên cứu mà Cambridge đã đề cập ở trên.
Chính cách dán nhãn “bán bài” khiến cho chúng ta lạc ra xa khỏi bản chất của vấn đề: suy cho cùng, nguồn kinh phí mà nhà khoa học nhận được chính là cơ sở tài chính để nghiên cứu được tiến hành mà nếu không có nguồn lực này, nghiên cứu có lẽ đã không được thực hiện. Thực chất, đây là cơ chế thực hiện hoạt động sáng tạo phổ biến hiện nay, xét cả dưới khía cạnh pháp lý.
Pháp luật sở hữu trí tuệ trao tư cách chủ sở hữu cho ai đầu tư tài chính để tạo ra tài sản trí tuệ: một công ty ký hợp đồng thuê kỹ sư chế tạo sáng chế để được hưởng quyền đăng ký sáng chế ấy hay một cá nhân thuê nhiếp ảnh gia chụp ảnh để được sở hữu tác quyền đối với một bức ảnh đẹp.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, việc một nhà khoa học được một tổ chức nghiên cứu cấp kinh phí để thực hiện công trình nghiên cứu là hoàn toàn bình thường. Các hoạt động này chẳng phải đều xuất phát từ bản chất nêu trên: nhận lợi ích tài chính từ một bên để thực hiện hoạt động sáng tạo vì lợi ích của bên đó hay sao? Tại sao chúng ta cho rằng đúng đắn khi một nhà khoa học nhận nguồn kinh phí từ một quỹ nghiên cứu để thực hiện hoạt động nghiên cứu nhân danh tổ chức đó nhưng lại là thiếu liêm chính nếu nhận kinh phí từ một trường đại học như Tôn Đức Thắng? Sự khác biệt ở đây là gì?
Lỗi hệ thống: quýt làm nhưng cam có phải chịu?
Có thể có quan điểm cho rằng hoạt động của các quỹ nghiên cứu mang tính thực chất, không nhằm “kiếm danh” như động cơ của các trường đại học. Quan điểm này có nhiều điều bất cập. Thứ nhất, động cơ là điều mà chúng ta – người bên ngoài – suy đoán, chứ hoàn toàn không có một chứng cứ khách quan nào để kiểm chứng chính xác. Và những suy đoán chủ quan này sẽ bị coi là võ đoán. Thứ hai, ngay cả khi suy đoán này có đúng thì đó là vấn đề của trường đại học, không phải của nhà nghiên cứu nên không thể “đổ” mọi trách nhiệm lên nhà nghiên cứu, điều đó là không công bằng.
Cũng có quan điểm khác cho rằng, việc các nhà khoa học chấp nhận các hợp đồng nghiên cứu trên là “tiếp tay” cho hoạt động kiếm danh ảo của các trường đại học trên bảng xếp hạng, từ đó ảnh hưởng đến các quyết định của bên thứ ba khi lựa chọn học tập hay hợp tác với các trường này. Một lần nữa, chúng ta hãy công bằng. Nếu phương pháp dựa vào “liên kết tác giả” để đánh giá năng lực nghiên cứu của một cơ sở giáo dục đại học là sai lầm thì liệu đó là vấn đề của bản thân các tổ chức xếp hạng hay của nhà nghiên cứu? Tại sao nhà nghiên cứu lại phải gánh chịu hậu quả từ sai lầm của một bên khác?
Nếu cho rằng cơ chế đánh giá chất lượng đại học hiện nay có nhiều lỗ hổng, thiếu độ tin cậy, cơ chế quản lý tạo ra các khoảng trống để các đại học chạy theo thành tích không manh tính thực chất, thì đó là lỗi của hệ thống đánh giá, của cơ chế quản lý, của các nhà hoạch định chính sách, thậm chí là lỗi của xã hội khi trao nhầm niềm tin cho các bảng xếp hạng. Nhưng tuyệt nhiên, đó không phải là lỗi của các nhà khoa học chỉ bởi vì họ ghi tên đơn vị đã hỗ trợ kinh phí cho mình nghiên cứu trong công bố khoa học của bản thân. Nhà nghiên cứu chỉ chịu trách nhiệm đối với chất lượng nghiên cứu, tính liêm chính trong hoạt động nghiên cứu của mình, chịu trách nhiệm cả với bên đã đầu tư kinh phí để mình thực hiện nghiên cứu chứ không chịu trách nhiệm đối với sự thất bại của hệ thống, nếu có.
(*) Giảng dạy môn Luật Sở hữu trí tuệ, khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế – Luật
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dung-do-loi-cho-nha-khoa-hoc/