Đứng đơn đề nghị ly hôn bắt buộc phải ra tòa
Bạn đọc hỏi: Tôi hiện ở TP.HCM, còn vợ tôi vẫn ở Hà Nội. Nay tôi muốn ly hôn nhưng không muốn phải ra tòa. Xin hỏi luật sư, tôi có thể ủy quyền cho người khác giải quyết việc ly hôn của mình được không? Hoàng Văn Thành (TP.HCM)
Luật sư trả lời:
Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh; Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)
Về vấn đề của bạn thì khoản 4, Điều 85 (về người đại diện) - Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2, Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện”.
Như vậy, bạn không thể ủy quyền cho người khác để giải quyết việc ly hôn của bạn mà bạn phải trực tiếp thực hiện. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải giữa các bên. Việc hòa giải có thể được thực hiện nhiều lần.
Cụ thể, Điều 10 (Hòa giải trong tố tụng dân sự) của bộ luật này quy định: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”.
Tiếp đến là về nguyên tắc hòa giải (Điều 205) nêu: “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn”.
Ly hôn, tham gia tố tụng phải có mặt tại tòa án theo giấy triệu tập (Ảnh minh họa)
Và việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc: “Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình; Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Điều này đồng nghĩa với việc khi Tòa án tiến hành hòa giải, bắt buộc bạn phải có mặt vì bạn không thể ủy quyền được cho người khác. Nếu bạn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, Tòa án có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Tóm lại, trong trường hợp bạn muốn ly hôn, bạn cần phải trực tiếp tham gia tố tụng và phải có mặt tại tòa án theo giấy triệu tập. Nếu hai vợ chồng thuận tình ly hôn, nghĩa là thống nhất được về vấn đề hôn nhân, vấn đề con chung, vấn đề tài sản thì quá trình giải quyết vụ việc sẽ khá nhanh chóng, không mất nhiều thời gian của hai người.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/dung-don-de-nghi-ly-hon-bat-buoc-phai-ra-toa/861369.antd