Đừng 'đùa giỡn' với câu chữ

Vụ việc một thanh niên ở TP Hồ Chí Minh vừa bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 15 triệu đồng chỉ vì giả danh cơ quan công quyền cấp quận gửi đến người dân nội dung tin nhắn không có dấu 'Kinh de nghi ong/ba treo co tu ngay 30-4 den het ngay 3-5-2020', là bài học đắt giá cho những ai thích 'đùa giỡn' với câu chữ.

Có thể người trong cuộc lúc đầu chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, khi ai đọc tin nhắn cũng hiểu câu trên là “Kính đề nghị ông/bà treo cờ từ ngày 30-4 đến hết ngày 30-5-2020”. Tuy vậy, đó chỉ là suy nghĩ phiến diện, hời hợt. Chữ bao giờ cũng đi liền với nghĩa. Trong khi một số người hiểu câu trên chính xác là vậy, song cũng nhiều người cho rằng viết câu có nội dung không dấu là rất thiếu ý thức tôn trọng ngôn ngữ, văn phong tiếng Việt, thiếu nhạy cảm về chính trị, từ đó tác động không tốt đến người tiếp nhận thông tin và có thể gây hoang mang dư luận xã hội. Vì từ “treo co” không có dấu nên cũng có thể hiểu là “treo cờ”, hay “treo cổ”. Khi đặt trong hoàn cảnh ngôn ngữ thì câu trên không những làm biến dạng, méo mó nội dung thông tin, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Liên quan đến chuyện gửi tin nhắn tiếng Việt không dấu cũng xảy ra không ít tình huống trớ trêu, bi hài trong cuộc sống. Tôi từng chứng kiến câu chuyện về một nữ nhà giáo dạy môn Sinh học kết hôn với một kỹ sư công nghệ thông tin. Trong hôm sinh nhật của mình, anh chồng bận đi công tác xa nhà nên đã nhắn tin không dấu gửi cho chị với nội dung: “Chuc em mai la nguoi dan ba dam dang cua anh” (nghĩa là “Chúc em mãi là người đàn bà đảm đang của anh”). Vừa đọc xong tin nhắn, chị bỗng trở nên tái mày tái mặt do không nghĩ chồng mình lại gửi tin nhắn có nội dung thô thiển như vậy, vì chị hiểu chữ “nguoi dan ba dam dang” sang nghĩa khác, chứ không phải là “người đàn bà đảm đang”. Ngay lập tức, chị gọi điện thoại cho chồng rồi “xả” cơn giận vào người “đầu gối má kề” với mình mà dám có những lời lẽ chớt nhả, bỡn cợt, khinh khi đối với nhân phẩm phụ nữ. Anh chồng phải ra sức thanh minh rồi thành thật xin lỗi chị vì cái tin nhắn không dấu thiếu tế nhị này.

Nhiều từ tiếng Việt vốn đa âm, đa nghĩa. Chỉ cần sự thay đổi một dấu trong một từ cũng có thể làm biến đổi hoàn toàn ý nghĩa của từ nguyên ban đầu, có thể từ tốt thành xấu, từ tích cực thành tiêu cực, từ tế nhị, văn minh thành dung tục, phản cảm. Thường thì từ nào gắn liền với nghĩa ấy; nhưng có những từ đa nghĩa mà dùng trong các ngữ cảnh khác nhau có thể tạo ra những thông điệp chuyển tải không giống nhau. Do đó, cần biết sử dụng từ ngữ chính xác trong những hoàn cảnh phù hợp, chứ không thể tùy tiện gặp đâu nói đấy, thấy từ nào dùng từ đấy.

Mỗi khi dùng tiếng Việt nên nhớ rằng, sử dụng câu từ đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng, đúng mức độ, đúng bản chất vấn đề thì câu từ có sức mạnh vượt trội, góp phần chuyển tải, lan tỏa những thông điệp tích cực, ý nghĩa. Ngược lại, nếu quên (bỏ) dấu, gọt từ, cắt ý, xén câu một cách vô tình, vô lối, vô trách nhiệm thì có thể dẫn đến những hệ lụy ngoài mong muốn trong giao tiếp, ứng xử và chuyển tải thông tin, thông điệp, thậm chí để lại những hậu quả không thể xem thường.

BẢO NHƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/dung-dua-gion-voi-cau-chu-627057