Đừng đùa với… ù tai
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ cho biết, các bác sĩ ở đây vừa điều trị thành công một trường hợp bị điếc do khối cholesteatoma bẩm sinh trong tai giữa ăn mòn chuỗi xương con.
Theo đó, tháng 4/2020, bệnh nhi N.T.T.H. (13 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ khám do bị điếc tai trái.
Qua thăm khám và khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết cách đây một năm, bé bắt đầu bị ù tai, nghe kém tai trái và ngày càng nặng dần. Kết quả chụp cắt lớp vi tính phát hiện khối u cholesteatoma to bất thường lan rộng và hình ảnh mất liên tục hệ thống xương con trong tai giữa bên trái. Nhận định có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu bệnh nhân không được can thiệp sớm. Ngày 4/11, bệnh nhi tái khám và được các bác sĩ xác nhận khối u cholesteatoma đã không còn. Hệ thống xương con được tạo hình cho kết quả tốt. Sức nghe được cải thiện gần như bình thường.
Theo BS Ông Thanh Huy - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, đây là một ca u biểu bì lạc chỗ bẩm sinh hiếm gặp, triệu chứng mơ hồ nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác nếu không đủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại và tay nghề bác sĩ cao. Người mắc bệnh này có thể đối diện với nguy cơ tử vong hoặc các hậu quả nặng nề về sức khỏe do khối cholesteatoma phá hủy xương lan rộng gây liệt mặt, chóng mặt và điếc tai trong không hồi phục, viêm màng não, áp xe não…
Khối cholesteatoma hình thành là do quá trình dị nhập của lớp biểu bì ống tai và màng nhĩ vào trong hòm tai qua lỗ thủng hoặc túi co kéo hình thành trong quá trình viêm tai. Khối cholesteatoma phát triển như một khối u bọc, bên ngoài là một lớp màng với túi biểu mô có khả năng tiết ra các men gây tình trạng ăn mòn, phá hủy xương xung quanh. Bên trong khối u là một khối mềm và trắng như bã đậu bao gồm các tế bào biểu mô lẫn với các tế bào mỡ và các tinh thể cholesterin. Ban đầu khối cholesteatoma thường có kích thước nhỏ và có hình ảnh u bọc. Khi phát triển, khối này sẽ vỡ ra dưới áp lực của các thành phần bên trong và bị nhiễm trùng khiến có biểu hiện xuất tiết ra ngoài chất bẩn lổn nhổn như chất bã đậu và có mùi hôi thối.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy con em mình có các triệu chứng như chảy mủ tai có mùi hôi, nghe kém, chóng mặt…, phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dung-dua-voi-u-tai-522957.html