Đừng 'giăng' áp lực trên đầu con cái

Sau kỳ thi THPT quốc gia, nhiều bạn học sinh đi chơi để thư giãn cho khuây khỏa đầu óc. Nhưng cũng không ít bạn không màng đến giải trí, lại kèm theo tâm lý hoang mang, lo lắng như trước kỳ thi với nhiều lý do chủ quan, mà nguyên nhân bắt nguồn từ cha mẹ.

Chỉ vì muốn nở mày nở mặt với bạn bè, đồng nghiệp, xóm giềng, họ hàng mà có nhiều phụ huynh bắt con mình học ngày học đêm, không giao lưu với bạn bè, tịch thu điện thoại, cấm túc, thậm chí là không được xem tivi hay lên mạng đọc tin tức, trò chuyện cùng bạn bè. Rồi sau khi thi xong, họ bắt đầu hỏi con dồn dập bằng những câu: “Con làm bài có được không? Nhắm có đạt điểm cao không? Có vào được trường đại học X, Y, Z không?”. Rồi họ "đe dọa" con mình: “Con mà thi trượt chắc ba (mẹ) ra đường phải úp thúng vô mặt”, “Con mà không đỗ là ba (mẹ) cho con về quê chăn trâu, chăn vịt chứ không học hành gì nữa”...

Với những áp lực như thế dẫn đến tâm lý con cái rơi vào trạng thái hoang mang, căng thẳng. Cứ tưởng khi kết thúc mùa thi sẽ được cùng bạn bè đi chơi đâu đó, hay ba mẹ sẽ dẫn đi du lịch xa nhà đổi gió nhưng nào ngờ tâm trạng không khá hơn trước mùa thi. Các em lo lắng vì sợ bị điểm kém, không vào được trường đại học như cha mẹ mong muốn. Có em chỉ vì sự “uy hiếp” của ba mẹ dẫn đến chứng trầm cảm, tự kỷ, hoặc người lúc nào cũng ngây ngây, dại dại, cứ như kẻ mất hồn.

Tất nhiên ai không mong muốn con mình đạt điểm cao trong một kỳ thi quan trọng như thế. Và càng không có phụ huynh nào muốn thấy con mình phải chờ đến năm sau để thi lại... Nhưng không phải vì thế mà kỳ vọng quá nhiều vào con cái. Việc học như một cuộc dạo chơi. Trên con đường rong chơi ấy không lúc nào cũng trải thảm đỏ, đầy hoa thơm cỏ lạ mà đôi khi gập ghềnh, chông gai, trắc trở. Ông bà xưa nói “Học tài thi phận” không phải là không có cái lý. Dù rằng chúng ta không phải vin vào cớ đó để đổ lỗi cho sự “trượt vỏ chuối” của mình. Nhưng tình cảnh cho thấy, rất nhiều em học giỏi nhưng khi thi vẫn đạt điểm thấp, thậm chí là không đỗ. Cạnh nhà tôi có một gia đình nhà giáo, trong kỳ thi năm ngoái, cô bé dù không rớt nhưng số điểm không được phụ huynh hài lòng.

Thay vì gây áp lực cho con, hãy là một người bạn thực sự của con, để hiểu được trẻ đang muốn gì, nghĩ gì và cần gì. Từ đó sát cánh cùng con, giúp con vượt qua một kỳ thi căng thẳng. Sau khi thi, nên trấn an con bằng những câu: “Con đừng quá lo lắng, đậu hay rớt không quan trọng, ít ra con đã làm hết khả năng của mình. Như thế là tốt lắm rồi”. Nên thưởng cho trẻ một chuyến du lịch xa (nếu điều kiện cho phép), một món quà tượng trưng, hoặc dẫn con đi chơi đâu đó để trẻ giải tỏa căng thẳng. Với vai trò là một người bạn lớn tâm lý, tuyệt vời như thế, trẻ sẽ thoải mái, tự tin vào bản thân mình trong mọi hoàn cảnh.

TRẦN THÁI HỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/dung-giang-ap-luc-tren-dau-con-cai-57934.html