Đứng giữa 'mê hồn trận' mạng xã hội, giới trẻ nên làm gì?
Mạng xã hội như một công cụ bạn chia sẻ cảm xúc của mình, nhưng làm sao để các bạn thật sự hiểu được những gì mà bạn đang làm mới là vấn đề. Khi dùng mạng xã hội chúng ta sẽ đứng trước những thách thức về nhiễu loạn thông tin, tự huyễn hoặc mình, không làm chủ được bản thân... Và để đứng vững trước 'mê hồn trận' của mạng xã hội, giới trẻ phải làm gì?
Đó là những nội dung được các diễn giả bàn luận sôi nổi tại tọa đàm với chủ đề “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội” do Trường ĐH Mở TPHCM và Báo Tiền Phong tổ chức.
Tham gia mạng xã hội có cần quy tắc?
Mở đầu buổi tọa đàm, Thiếu tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm, Giảng viên Trường ĐH An ninh cho biết: Qua nghiên cứu hiện nay trên mạng xã hội có 3 nhóm người sử dụng mạng xã hội. Trong đó, nhóm 1 là nhóm có ý thức tốt trong việc sử dụng mạng xã hội; nhóm 2 là nhóm cố tình hiểu sai, cố tình bóp méo, bôi đen… xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; nhóm thứ 3 là nhóm bị lôi theo, hùa theo những ý kiến phản động của nhóm 2.
Vậy khi tham gia mạng xã hội cần tuân thủ những quy tắc nào? Theo TS Lê Hoàng Việt Lâm có 10 quy tắc cơ bản, trong đó, nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng; tế nhị tôn trọng người khác; hãy nhớ rằng những gì chia sẻ trên mạng xã hội là một sự phản ánh của con người bạn hay tính cách, lối sống của bạn; không nên và không cần thiết phải đăng tải hình ảnh của bản thân lên mạng xã hội; tuyệt đối không nên tham gia vào các cuộc tranh luận trên mạng; nhận diện và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải; thể hiện quan điểm, chính kiến trong việc xây dựng xã hội, đất nước; chú trọng chia sẻ những điều hay. Ngoài ra, TS Lâm cũng nêu lên một số kỹ năng về việc kiểm soát bản thân để không bị nghiện mạng xã hội…
TS Tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết: Tốc độ sử dụng của mạng xã hội rất nhanh nên đòi hỏi người sử dụng cần có những kỹ năng xử lý thông tin và đánh giá những tác động của mạng xã hội lên bản thân. Nhu cầu thể hiện bản sắc cá nhân của người trẻ rất lớn nhưng khả năng của bản thân thì không đáp ứng được. Do đó, các bạn trẻ đã tìm những cách thể hiện một cách lệch lạc trên mạng xã hội như: "đủ like sẽ cởi", "đủ like sẽ nhảy cầu", "đủ like sẽ đốt trường"... Thế nhưng thực tế like không phải vì thích mà là "like cho chết" là điều rất nguy hiểm trên mạng xã hội. Vì vậy, nên có mục đích, mục tiêu sử dụng mạng xã hội cho bản thân trong tương lai. Đồng thời chú ý chất lượng like hơn là số lượng like là ở chỗ đó.
Cần chia sẻ những điều tốt, tích cực
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM cho biết: Cả nước có gần 270 mạng xã hội đã được cấp phép hoạt động, số người dùng là hơn 64 triệu. Việt Nam đã vươn lên đứng top trên thế giới về sử dụng mạng xã hội, trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao. Việc xem mạng xã hội như một công cụ chia sẻ thông tin, thông qua mạng xã hội đã kết nối giữa nhà trường với sinh viên là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội còn có những tiêu cực. Buổi tọa đàm có nhiều chuyên gia sẽ gợi mở và chia sẻ những giải pháp để hướng giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên có những kỹ năng sử dụng mạng xã tích cực hơn.
Th.S Tâm lý Lê Thị Hằng, Trưởng bộ môn Tâm lý, Khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: Mạng xã hội là nơi để chúng ta kết nối quan hệ, cũng là yếu tố giúp con người xích lại gần nhau hơn trong nhịp sống hối hả với sự bận rộn cùng xu thế của nền kinh tế thị trường. Mạng xã hội là nơi cho bạn rất nhiều thông tin, hỗ trợ bạn truy cập một khối lượng kiến thức khổng lồ phục vụ cho công việc và cuộc sống. Dường như kinh doanh truyền thống với việc tốn quá nhiều chi phí và công sức thì mạng xã hội lại là sự lựa chọn ưu việt cho việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Bạn buồn, bạn vui bạn muốn lưu giữ những ký ức hạnh phúc của tuổi trẻ, mạng xã hội là kênh thông tin hữu ích nhất mà giới trẻ lựa chọn. Có thể nói, mạng xã hội mang lại một xu hướng sống mới, xu hướng của công nghệ số của một thế giới mở...
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mạng xã hội mang lại, chúng ta cũng phải nhìn nhận và tự đặt câu hỏi với những điều chúng ta đã và đang chứng kiến khi có một bộ phận giới trẻ đang sử dụng mạng xã hội có phù hợp với văn hóa ứng xử của lứa tuổi các em hay không và nó ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý và sự phát triển nhân cách của các em?
Theo bà Hằng, mỗi click chuột là thể hiện xu hướng cũng như động cơ của mỗi các bạn trẻ dựa trên xu hướng sống của họ. Tại sao bạn like câu chuyện này mà không like vấn đề kia, tại sao giới trẻ quan tâm quá nhiều vấn đề này mà quên đi những giá trị khác vì họ đang thể hiện xu hướng giá trị của bản thân. Mạng ảo và thế giới nội tâm của bản thân giới trẻ luôn có sự gắn kết với nhau, nếu bạn không quan tâm đến vấn đề đó, nếu giới trẻ không chú trọng đến những hình tượng ấy thì sẽ không có những cơn bão like và chia sẻ như một làn sóng trên mạng xã hội. Giới trẻ thể hiện xu hướng của cá nhân rất rõ thông qua văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.
Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội vô tình trở thành con dao hai lưỡi có thể giết chết hay nâng đỡ một người nào đó về thể chất lẫn tinh thần. Một lời chê bai, một lời bình luận vô tình có thể làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của một người nào đó mà chúng ta không hề quen biết. Những lời khen ngợi, động viên, cổ vũ cũng có thể là một liều thuốc tinh thần giúp cho giới trẻ thấy tự tin và sống lạc quan hơn, Th.S Lê Thị Hằng nhấn mạnh.
Phải có lối sống tích cực
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có 35 năm chuyên viết phóng sự, 20 năm giảng dạy chia sẻ: Khi tôi hỏi sinh viên bao nhiêu bạn đọc báo điện tử, báo mạng thì 100% giơ tay, còn đọc báo in thì chưa tới 10 bạn, nhưng kêu nhắc 1 bài báo nào đã đọc thì không một ai nói được. Đa số các bạn lên mạng đọc báo điện tử mục giải trí là chủ yếu. Rồi một bạn hỏi tôi hồi xưa làm báo khó khăn là gì? Tôi trả lời hồi đó không có internet, tất cả phải làm bằng tay nên rất khó khăn. Còn giờ chỉ cần ngồi phòng lạnh là có tất cả. Thế bây giờ khó ở chỗ nào? Tôi trả lời khó là do có internet. Cái gì người ta cũng đi trước mình, báo mạng chỉ cần 5 phút là đăng rồi. Giữa mạng xã hội và báo chí đang chạy đua. Theo tôi, báo in không thể chạy đua tốc độ nhanh với mạng xã hội được và phải chấp nhận sự thật này. Chúng ta phải đua bằng đột phá, loạt bài điều tra. Tôi cho rằng, sự thật là trọng tài cho cuộc đua giữa mạng xã hội và báo chí.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khẳng định, chúng ta đứng giữa “mê hồn trận” của mạng xã hội nên phải tỉnh táo trước mọi thông tin. Không tận dụng mạng xã hội để trở thành người sống bi quan, mà phải trở thành người tử tế.
Bác sĩ Hồ Nhật Quang, Giám đốc Công ty Đào tạo Huấn luyện Thân Tâm Trí cho biết: Đối với nhiều bạn trẻ đăng facebook nhiều vấn đề rất tiêu cực. Nếu bạn không “like”, share” thật sự thì không biết người đăng tin ấy có đang bị tổn thương hay không. Rất nhiều bệnh nhân tôi điều trị, khi xem các nội dung họ đăng tải có thể biết được họ đang gặp vấn đề gì. Mạng xã hội như một công cụ bạn chia sẻ cảm xúc của mình, nhưng làm sao để các bạn thật sự hiểu được những gì mà bạn đang làm mới là vấn đề. Khi chia sẻ thì bạn cảm thấy thỏa mãn cảm xúc cá nhân. Bạn cần xây dựng cho mình một lối sống tích cực, lạc quan ngay lúc này thì mới chia sẻ những điều tích cực lên đó. Khi dùng mạng xã hội nhiều dễ mắc bệnh hoang tưởng. Muốn trị liệu thì phải quay lại giá trị thực, tạm dừng 1 thời gian để tìm lại suy nghĩ, nhận thức trong cuộc sống thực tế của mình.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dung-giua-me-hon-tran-mang-xa-hoi-gioi-tre-nen-lam-gi-625361.html