'Đừng kể tên tôi' và những nỗi buồn chiến tranh
'Tôi sinh năm 1979, lớn lên đã nhìn thấy các chú, các bác và ông bà mình sớm trưa chiều tối trên cánh đồng. Câu chuyện họ nói với nhau là mùa vụ. Sát khu vườn nhà tôi đang ở từng là một kho đạn lớn. Một quả bom từ trường đã rơi xuống giữa nhà bà Nhin ở bên cạnh kho đạn, giết chết 4 người.
Trong giấc ngủ em thơ thời cha mẹ tôi là chập chờn hình ảnh máy bay thả bom rơi là là trên cánh đồng, trên đường làng, trên nương bãi. Đi làm đồng ban đêm ngụy trang ngang thắt lưng, ngụy trang trên đầu. Hôm nay kể tới sự kiện nào, nói tới ngôi nhà ai, nhắc chuyện quá khứ một người làng...; tôi như người từ nơi xa đến tìm hiểu...”. Đó là một tự sự của chính tác giả Phan Thúy Hà, một người sinh ra sau chiến tranh và là tác giả của cuốn sách “Đừng kể tên tôi”.
“Đừng kể tên tôi” là những câu chuyện chiến tranh, đồng thời cũng là yêu cầu, là điều kiện để các nhân vật kể về đời lính của mình. Vì hơn ai hết họ biết đồng đội của họ còn rất nhiều và không ít trong số đó đã ra đi. “Xin đừng kể tên tôi, vì so với đồng đội mười tám, hai mươi, mình được sống đến hôm nay, có con cháu vậy là may mắn rồi”. Nỗi buồn chiến tranh là vậy, nỗi đau chiến tranh cũng là vậy. "Họ không kể ra thì họ chỉ là muôn vàn người bình thường. Nhưng họ đã kể thì sự thật bỗng nặng trĩu, quằn quại, đau đớn" (Thái Kế Toại). Vì thế, sau khi kể ra tất cả, họ lại đồng ý để tên của mình và địa chỉ rõ ràng. Không phải với mục đích nhắc nhớ mà họ muốn gánh lấy trách nhiệm của người trong cuộc, kể về sự thật bộ mặt chiến tranh.
“Tôi” trong cuốn sách này là 21 người với hơn 21 câu chuyện, những dòng hồi ức đan xen nhau. “Tôi” của ngày ấy là những chàng trai, cô gái còn hồn nhiên và nhiều lý tưởng. Tôi của ngày hôm nay kể lại “những góc khuất của chiến tranh và cả những chuyện đau lòng còn giấu kín”.
Để được vào bộ đội, họ phải khai sinh tăng tuổi, “tôi đi dép lốp, nói với anh y tá cân đo rằng cứ tính cho em cả dép. Trên đường đi nhặt hai cục đá cho vào hai túi quần”. Cái “mưu mẹo của những đứa trẻ mới lớn khao khát ra trận” là thế. Nhưng hơn hết là tinh thần chiến đấu “cứ đi tập luyện cho quen. Vài năm nữa cứng cáp chiến đấu trực tiếp là vừa...”. Đi chiến trận "bom tránh người chứ người sao tránh được bom. Tắt mặt trời biết là hôm nay mình còn sống", mà vẫn cần phải làm quen? Cái lý do đó có vẻ lạc quan tếu, nhưng lại là tâm trạng chung của những thanh niên khát khao hòa bình.
Chiến tranh khắc nghiệt và ngoài sức tưởng tượng của con người. Đó là câu chuyện viết về người lính Nguyễn Văn Tranh, tiểu đoàn phó đã bị một mảnh pháo cắt đôi ống tay trái. “Cánh tay dính vào cơ thể chỉ bằng một mảnh da và cụm gân. Trong lúc đó, tổ liên lạc đang cố gắng băng bó cho anh thì anh ra lệnh cho liên lạc tiểu đoàn là anh Kiều Duy Tý chặt đứt ngay phần lủng lẳng băng bó cho tiện”.
Thậm chí có người “nghe rõ tiếng máu mình đang chảy re re sau lưng. Áo mới mặc chưa thấm mồ hôi lần nào, máu chưa ngấm được vào sợi vải nên trôi theo lưng đọng thành cục nằm giữa và một bên thắt lưng”.
Song, điều nghiệt ngã nơi chiến trường không chỉ có những cái chết vì bom đạn mà họ chết vì đói, vì bệnh sốt rét và cả những con thú ăn thịt.
Dẫu thế nào thì trong những giây phút cận kề của cái chết, đối diện với những hiểm nguy ấy, người lính lại chỉ mơ đến những giấc mơ vô cùng bình dị. Đó là được về nhà ăn với mẹ và em gái một bữa cơm, được về lại hít thở không khí thân thuộc của quê nhà... Nhưng, giấc mơ giản dị ấy lại không dễ dàng để thực hiện, bởi có những người lính chưa kịp về thì đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc.
Đi qua chiến tranh, trong mỗi câu chuyện của các nhân vật, mỗi trận đánh có thể giống nhau về tính chất, về sự khốc liệt, nhưng vết thương sau chiến tranh gim lại trong mỗi người, di chứng để lại là hoàn toàn khác nhau.
Có người may mắn sống sót trở về. “Thoát chết" rồi. Bọn mình là gạo ở trên sàng. Quần đi quần lại vẫn trên sàng. Phải ăn mừng. Mừng hôm nay được ngồi với nhau lành lặn thế này. Nhưng còn có biết bao người mang nỗi đau, bệnh tật... đeo đẳng không chỉ với cuộc đời họ mà còn tồn tại ở thế hệ con, cháu.
Đọc câu chuyện “Hầm tránh bom Mỹ. Và giờ hầm là nơi tôi trốn chạy khi chồng lên cơn” có ai mà không xúc động. Đó là chuyện về một người lính, mười bốn tuổi bị cướp công bắn rớt máy bay và bắt được phi công Mỹ. Sau đó thì đi bộ đội. Trong trận đánh đêm mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, anh bị một mảnh đạn ghim sâu vào thái dương, khiến ảnh hưởng đến thần kinh sau này. Hòa bình rồi, thỉnh thoảng anh lại lên cơn, cứ hô xung phong rồi chạy, thấy vợ con là đánh, có khi đốt luôn cả nhà mình.
Trớ trêu, người con trai của hai vợ chồng cũng mắc bệnh như anh. Đứa con dâu lại gánh nỗi cay cực như người mẹ. Và, căn hầm ngày xưa tránh bom Mỹ giờ là nơi hai người đàn bà ôm con ẩn nấp mỗi khi chồng họ lên cơn.
Có người thì thân tàn ma dại trở về, vợ ba lần có thai rồi sảy. “Lần thứ tư sinh đứa con không có miệng. Nó chào cuộc đời một ngày tuổi rồi đi cho cha mẹ đỡ dằn vặt. Lần sinh thứ năm là đứa con thiếu một ngón tay thiếu một ngón chân (bàn tay này đã thu nhặt bao nhiêu xác lính).
Chiến tranh là vậy, mất mát nhiều, đau đớn lắm, hậu quả khôn cùng. Cũng không có nghề đánh giặc bởi “Thanh niên lớn lên trong thời đại đó hầu hết ai cũng như các ông. Nếu cháu sinh ra ở thời của ông, sống ở làng quê ông thì cháu cũng vậy thôi”. Nhưng khi đất nước cần, họ vẫn sẽ lên đường. “Bác, nếu chiến tranh lại xảy ra bác có cho các con mình ra trận không? - Có chứ. - Nhưng bác đã trải qua những năm tháng như vậy. Nằm viện triền miên vì những bệnh nặng. Mỗi tháng chỉ dựa vào một triệu sáu tiền bệnh binh” - Phải chấp nhận. Giặc đến là đánh. Không đánh để mất nước à. Chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì thời đại nào cũng vinh dự”.
Cái quan trọng là sau bao nhiêu đau đớn và nước mắt, song, những người lính Cụ Hồ vẫn nhân ái khi nghĩ về “đối phương”. Tôi thích cách dùng chữ “đối phương” mà không phải là “kẻ thù” của Phan Thúy Hà. Đó cũng chính là tâm sự của chú Ngọc (nhân vật trong câu chuyện Người bên sông Ngàn Sâu: “Giờ mà có cách gì gặp được hai thằng lính dìu mình trong trận Đồng Dù thì quý biết bao. Sẽ lên tàu xe đi thăm nhau ngay”.
Tôi đọc cuốn sách hơn 300 trang với không biết bao nhiêu lần nước mắt rơi, và không ít lần phải gấp trang sách lại. Bởi chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nay nhưng vết thương thì vẫn ở đó, những câu chuyện còn in hằn trong trí não, trên da thịt của họ, của con họ... đau đớn mà cũng đầy tự hào, những con người ấy đã khiến thế hệ chúng tôi không chỉ ngưỡng mộ mà thực sự biết ơn.
Tác giả Phan Thúy Hà đã bộc bạch: “Tôi chưa biết sẽ viết như thế nào cho đến khi gặp nhân vật. Nhân vật tạo ra giọng điệu, tạo ra cốt truyện. Nhân vật dẫn dắt tôi đúng theo nghĩa đen. Mỗi khi đi gặp nhân vật tôi khá hồi hộp, không biết hôm nay mình được nghe chuyện gì. Tôi hoàn toàn không hình dung ra được”. Cái cảm giác “không thể hình dung được” là có thật. Chúng tôi sinh ra ở thời hậu chiến, không còn nghe mùi thuốc súng, không biết được lằn ranh sống - chết... nhưng qua những câu chuyện mộc mạc, được “ghi chép, ghi như một cái máy, trung thực đến tận cùng, không thêm bớt, không hư cấu, không đỏ hơn mà cũng không đen hơn, sù sì như sự thật, như cuộc đời” (Trần Huy Quang) chúng tôi hiểu phần nào sự hy sinhh của họ.
Bởi ai có thể hư cấu đến độ khốc liệt như vậy? Sự thật trần trụi của chiến tranh và con người ở trong giai đoạn ấy “đâu phải chuyện đùa”. Hơn hết, điều tác giả muốn gửi đến những người trong cuộc, đến độc giả là thông điệp: “Không ai, không điều gì bị lãng quên”.