Đúng là không thể chậm trễ được nữa

Những ngày này, cả nước đang 'sôi sục' khí thế phải cải tổ bộ máy hành chính các cấp; phải thay đổi lề lối làm việc; sắp xếp lại bộ máy theo hướng 'tinh - gọn - hiệu quả'; phải chấm dứt ngay tư duy 'cái gì không quản được thì cấm'. Và, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói trong Kết luận Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 và một số nội dung quan trọng: 'Chúng ta đã đủ điều kiện để triển khai việc sắp xếp lại bộ máy hành chính; và không thể chậm trễ được nữa'.

1. Bộ máy hành chính mà ngốn đến gần 70% ngân sách quốc gia. Làm được 10 đồng thì 7 đồng nuôi bộ máy, 2 đồng để trả nợ và chỉ còn 1 đồng cho đầu tư phát triển kinh tế... Muốn làm gì lớn, lại phải đi vay nợ. Thế thì làm gì còn tiền mà đầu tư cho những việc quốc kế dân sinh, cho an ninh quốc phòng, cho giáo dục, y tế?

Làm gì có bộ máy hành chính nào mà "đẻ" ra đến 16.000 các văn bản dưới luật. Hệ thống văn bản này là một "rừng luật" đang "trói tay trói chân" doanh nghiệp; đang "hành hạ" người dân đến khốn khổ khi phải giải quyết các thủ tục hành chính. Bộ máy hành chính của chúng ta đang chiếm tỷ lệ vào loại cao nhất thế giới với 43 công chức/1.000 dân, cao gấp gần 4 lần Philippines, gấp 3 lần Ấn Độ...

Và, bộ máy hành chính của chúng ta cồng kềnh đến mức đã "đẻ ra" một tầng lớp cán bộ công chức không làm mà vẫn có lương; "sáng cắp ô đi, tối cắp về". Rồi, sinh ra rất nhiều cán bộ không viết nổi một bài phát biểu cho ra hồn, đứng trước đông người thì "ăn không nên đọi, nói không nên lời". Đang tồn tại rất rất nhiều cán bộ mà họ làm cái gì, họ nói cái gì cũng phải nhờ các trợ lý, các cán bộ cấp dưới tham mưu, còn bản thân họ thì chỉ thuộc mỗi chữ "Phải". Cái gì cũng "phải", nào là "phải tuân theo pháp luật", "phải kiên định", "phải gần dân", "phải năng động", "phải tự chủ"... Nghĩa là họ nói như những con vẹt mà không hiểu nội hàm của các khái niệm đó.
Họ coi việc được vào biên chế nhà nước, được giữ chức vụ là nơi "trú ẩn an toàn"... Họ không phải làm gì cũng có lương, cũng được giữ chức vụ lớn nhỏ. Đây thực sự là điều cực kỳ nguy hiểm.

Nâng cao chất lượng công chức sẽ giúp bộ máy hành chính tinh, gọn, mạnh.

Nâng cao chất lượng công chức sẽ giúp bộ máy hành chính tinh, gọn, mạnh.

Chính vì vậy, cuộc sắp xếp lại bộ máy lần này là một cuộc "đại cách mạng" chưa từng có trong lịch sử gần 80 năm từ ngày lập nước và gần 100 năm ngày thành lập Đảng.

2. Thật ra, trước đây chúng ta cũng đã có những cuộc sắp xếp lại bộ máy từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Điển hình như việc sáp nhập Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công nghiệp nặng thành Bộ Công nghiệp; Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương thành Bộ Thương mại. Sau đó sáp nhập Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công thương như hiện nay. Rồi, việc sáp nhập nhiều tỉnh, thành...

Nhưng, đến năm 1990, việc sáp nhập các địa giới hành chính theo hướng "đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa" đã thất bại. Các tỉnh lại "nơi nào trở về nơi ấy" và bên cạnh những mặt tích cực thì hệ lụy của nó thật khủng khiếp, nó đã kìm hãm sự phát triển của rất nhiều tỉnh, thành phố.
Bây giờ, chúng ta sắp xếp lại bộ máy hành chính thì cần phải nghiên cứu và tìm ra những bài học kinh nghiệm trong việc sáp nhập các tỉnh, thành trước đây. Nếu chúng ta không tìm ra được nguyên nhân thì không khéo sẽ "giẫm chân vào vết xe đổ". Việc sáp nhập lần này đòi hỏi sự hi sinh rất lớn của rất nhiều cán bộ, đảng viên, vì họ đang có chức có quyền, nay bị xuống hoặc phải phụ trách công việc mà mình kém chuyên môn hoặc ít "bổng lộc" hơn.

Người Việt có đặc tính văn hóa là rất duy tình, chính vì thế mới có câu "giọt máu đào hơn ao nước lã", "vì cây dây cuốn", "trăm cái lý không bằng một tí cái tình"... Tính duy tình cũng có mặt hay, đó là tạo được sự gắn kết của cộng đồng mỗi khi có thiên tai, địch họa; nhưng nó lại tạo ra tính cục bộ địa phương cực lớn, bóp méo các quy định của pháp luật; và vì chữ "tình", họ sẵn sàng chà đạp lên pháp luật.

Cho nên, trong việc sắp xếp lại bộ máy lần này, nếu như không làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nếu như không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc rằng: "Cuộc cách mạng này là không thể chậm trễ", và thậm chí, nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước, thì không khéo lại "đầu voi đuôi chuột"!

Hơn lúc nào hết, nó đòi hỏi tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên và cán bộ càng cao cấp thì càng phải gương mẫu, càng phải biết hi sinh vì sự nghiệp chung.

Bên cạnh đó, cũng cần phải có những chính sách thỏa đáng để hỗ trợ những người buộc phải rời khỏi chức vụ do sự sắp xếp tổ chức. Nói gì thì nói, việc giải quyết hàng ngàn, hàng vạn lao động khi không còn việc làm thì chỉ có mỗi cách dùng tiền; còn nếu lạnh lùng đẩy họ ra đường thì chắc chắn đó không phải là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: "Câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là: Đã đủ".

"Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa".

Mới đây nhất, tại Hưng Yên, khi trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo. Trước mắt, Tổng Bí thư cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2024 và năm 2025.

Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ (bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12/2024); hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I/2025.

Theo Tổng Bí thư, tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.

Từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không để phát sinh phức tạp. Tinh gọn bộ máy đòi hỏi sự hy sinh của cán bộ, đảng viên.

3. Sở dĩ Tổng Bí thư Tô Lâm có những sự chỉ đạo quyết đoán, quyết liệt và tự tin như vậy chính là vì ông đã có được những bài học kinh nghiệm về tinh giản bộ máy ở Bộ Công an. Khi Bộ Công an xây dựng đề án cải tổ bộ máy, xóa bỏ cấp tổng cục và nhập các đơn vị có chức năng tương đồng vào, lúc đầu, đã có không ít ý kiến nghi ngờ tính hiệu quả. Ngay việc đưa công an chính quy về xã lúc đầu cũng vấp phải một số phản ứng trái chiều.

Mà, chủ trương đưa công an chính quy về xã có phải mấy năm qua, dưới thời Bộ trưởng Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư) mới có đâu? Đã có từ hơn 20 năm trước rồi, ngày ấy gọi là "tăng cường lực lượng công an về cơ sở".

Người viết bài này còn ghi chép được rất cẩn thận buổi làm việc của Bộ trưởng Lê Minh Hương với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và Công an tỉnh Đồng Nai vào năm 2001. Giám đốc Công an tỉnh báo cáo với Bộ trưởng rằng việc đưa công an tăng cường cho xã gặp rất nhiều khó khăn bởi 2 lý do: thứ nhất là anh em công an không muốn về vì không có chế độ gì thêm, điều kiện nơi ăn ở, làm việc cực kỳ khó khăn. Thứ hai là chính quyền các xã cũng không muốn có công an chính quy về ở cạnh mình...

Nhưng, dưới thời Bộ trưởng Tô Lâm, việc đưa công an chính quy về xã đã thực hiện và đang thu được kết quả rất tốt trong việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tại cuộc gặp gỡ cử tri ở đơn vị bầu cử số 1 của TP Hà Nội vào sáng 3/12/2024, khi đề cập đến tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, Tổng Bí thư cho biết, đây không phải yêu cầu mới và nhiều nhiệm kỳ Đại hội đã chỉ ra các tồn tại đó. Song, còn lý do, điều kiện chưa thực hiện được.
"Bây giờ là thời cơ, là cơ hội, chúng ta muốn phát triển phải nhẹ đi mới bay được cao. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đụng đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi, lợi ích, cuộc sống hằng ngày của cán bộ, đảng viên", Tổng Bí thư nhìn nhận.

Từ đó, ông đặt vấn đề, chúng ta phải vượt qua chính mình, thấy được lợi cho đất nước, dân tộc, nhân dân và từng người cần xem đóng góp của mình có phù hợp với đồng lương của nhân dân, Chính phủ trả không.

"Hay, mình đứng ở đây nhận lương, duy trì cuộc sống. Phải xem mình đóng góp gì cho xã hội, đất nước, nhân dân, mang lại gì cho cuộc sống của bản thân, gia đình, vợ con, bố mẹ, anh em họ hàng", Tổng Bí thư bày tỏ.

Người đứng đầu Đảng ta cho rằng, phải chấp nhận hy sinh. Hy sinh để có được vẻ vang, có được những vinh quang. Hy sinh quyền lợi cá nhân để đất nước phát triển.

Đã thực hiện một cuộc cách mạng thì dứt khoát phải có sự hy sinh - ở đây không phải tính mạng mà là hy sinh đi "cái tôi" và quyền lợi cá nhân của một số ít người; nhưng sẽ mang lại cái được, cái lợi cho số đông, cho đất nước.

Đó là việc phải làm!

Nguyễn Như Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/dung-la-khong-the-cham-tre-duoc-nua-i752798/