Dựng lại niềm tin - kỳ 3: Tiếng kèn dân sự

Năm 2017 xảy ra nhiều cuộc va chạm liên quan đến vấn đề môi trường. Đà Nẵng trở thành điểm nóng sau khi bản Quy hoạch tổng thể Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà được công bố. Âm mưu trục lợi đại ngàn vô hình trung thúc đẩy sự hình thành một thế lực mới ở khu vực dân sự với mục tiêu có hành động cụ thể là bảo vệ Sơn Trà trong bối cảnh cả hệ thống Đảng bộ lẫn chính quyền địa phương nhiều chuyện lùm xùm.

Thành viên trẻ nhất trong danh sách khách mời là chị Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều). Dường như nhà hoạt động xã hội này có niềm tin “đủ xài”. Bằng không, chị và các cộng sự, đều tham gia dự án bán thời gian, khó thể dựng được 523 căn nhà sau 4 năm triển khai.

“Nhà chống lũ (NCL) không xây nhà tình thương”, chị Giang nhập cuộc. Đối tượng hỗ trợ hướng tới là những hộ trong diện nghèo, có nhà bị sập do bão lụt. Trước khi khởi công, bốn bên gồm NCL, hộ dân, đại diện chính quyền cơ sở và nhà thầu cung ứng vật liệu tại địa phương cùng ký vào một bản cam kết. Ở mỗi tỉnh, NCL sẽ thương thảo với một nhà thầu để được cung ứng vật liệu có mức chiết khấu dành cho tổng đại lý. Tiền mua vật liệu NCL thanh toán trực tiếp cho nhà thầu, định kỳ hằng tháng một lần.

Phạm Thị Hương Giang gặp lại cụ bà Hồ Thị Nga sau nửa năm xây nhà cho cụ. Ảnh: TL

Bản cam kết đầu tiên ký ở Hà Tĩnh. Đấy là một ngôi nhà gỗ xiêu vẹo nằm ngay vùng rốn lũ. Bà cụ chủ nhà sống một mình. Trên gác xép để sẵn một chiếc quan tài. Bà cụ giải thích trước đó ba năm, ông bà trốn lũ trên xép. Ông qua đời giữa mênh mông biển nước. Bà không luộc được trứng, chỉ kịp nấu chén cơm nhét vào miệng chồng. Hơn 10 ngày sau, lũ rút. Bà cuộn xác chồng trong manh chiếu, mang đi chôn.

Dành dụm tiền hoa lợi và con cháu biếu trong ba năm, bà mua sẵn quan tài, phòng xa. Nếu kịch bản của người chồng xấu số lặp lại với mình, hàng xóm giúp cho cái huyệt. Đến cái chết cũng chông chênh. NCL hỗ trợ 25 triệu đồng. Xác nhà bán được 8 triệu đồng. Vẫn thiếu tối thiểu 17 triệu đồng. Chị Giang điện thoại cho ba cô con gái của bà cụ, thuyết phục mỗi người góp 6 triệu đồng. Túng thiếu thì đi vay. “Vẫn có thể dựng nhà mới từ con số 0”, chị Giang nhấn mạnh.

Làm việc tử tế vô cùng gian nan. Chẳng hạn như chương trình xây dựng nhà phao ở rốn lũ Quảng Bình. Khi dựng xong 45 căn nhà, nhóm vận động tài trợ phao từ một doanh nghiệp nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, số lượng đợt đó chỉ đủ cung cấp cho 20 căn. Nhóm đề xuất với người dân trang bị trước cho 20 gia đình khó khăn nhất. Người dân phản đối gay gắt. Họ yêu cầu chia đều số phao cho từng nhà. Lũ không phân biệt hộ nghèo hay cận nghèo. Chết thì cùng chết mới công bằng. “Những thành viên của NCL sống trong sợ hãi suốt mùa lũ năm ấy. Chỉ cần một ngôi nhà sập, chúng tôi sẽ mất sạch uy tín, không còn cơ hội để dựng thêm nhà mới”, chị Giang giãy bày.

Chưa kể còn rất nhiều “những ngôi nhà bước vào rồi lại bước ra” vì gia chủ không trung thực. Nước mắt rơi lã chã nhưng các thành viên NCL không được phép ngã lòng. Sẽ không làm được gì khi đánh mất niềm tin. Không ai làm gì xã hội sẽ không chuyển động.

Câu chuyện cuối cùng là một trường hợp ở Vũ Quang, Hà Tĩnh. Chủ nhà, áng chừng hơn chị Giang khoảng 20 tuổi, kêu chị Giang bằng “bác”, xưng “con”. Động viên mãi anh mới dám xây. Trong một chuyến khảo sát của NCL tại xã bên, ông ấy hay tin, chạy qua thăm. “Dúi cho tôi củ khoai luộc, ông nói Giang ơi, anh làm xong nhà rồi. Ít hôm nữa anh sẽ đón bố về phụng dưỡng”, chị Giang kể. Tâm thế dúm dó trong lần tiếp xúc đầu tiên không còn nữa. Trong thâm tâm người sáng lập, ngôi nhà là cánh cửa, khơi dậy niềm tin để những người thụ hưởng dựng đời mới.

523 ngôi nhà là 523 bản thiết kế. Nhiều kiến trúc sư tên tuổi chung tay cùng NCL phải dẹp bỏ “cái tôi” tôi để thực hiện yêu cầu thiết kế: đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí và có thể mở rộng không gian. Quyền quyết định cuối cùng vẫn là gia chủ. Thế nên mới có những ngôi nhà bôi màu xanh, đỏ, tím, hường. Bạn bè chất vấn người sáng lập NCL: “Là người duy mỹ, tại sao Giang chấp nhận những phương án thiết kế kỳ cục đến thế?”. Trả lời: “Mình không ở. Những người thụ hưởng ở”. Mỹ cảm mỗi người mỗi khác. Áp đặt chắc chắn thất bại. Nhưng đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản giữa khu vực dân sự và Nhà nước mà đại diện là quỹ xây dựng nhà chống bão lụt mà Nhà nước giao cho Bộ Xây dựng quản lý 7.600 tỉ đồng. Duy ý chí khiến chương trình này không tiêu hết được tiền. Thiết kế trăm cái như một, không quan tâm đến nhu cầu sử dụng, yếu tố văn hóa, khả năng tài chính… của người thụ hưởng.

Nguyên tắc của NCL là chỉ đóng góp 50% chi phí xây dựng tối thiểu mỗi căn nhà, tương ứng 25-35 triệu đồng. Muốn làm nhà lớn hơn, gia chủ tự bỏ thêm tiền. Đến nay, những nhà hảo tâm đã chuyển vào tài khoản cá nhân của chị Giang khoảng hơn 25 tỉ đồng. Nhưng tổng chi phí xây dựng 523 căn nhà lên đến gần 80 tỉ đồng. Rõ ràng, niềm tin then chốt không đến từ những mạnh thường quân, mà chính là những người thụ hưởng. “Nếu người dân không tin NCL sẵn sàng chung tay với họ xây nhà mới, nhiều tiền cũng chẳng có ý nghĩa gì”, chị Giang nói. Cách làm của NCL là tiến hành khảo sát thực địa, làm cơ sở để xây dựng chương trình hành động khả thi rồi mới tổ chức huy động tài trợ.

Con số 523 căn nhà khá khiêm tốn so với 150.000 căn nhà bị bão, lũ cuốn trôi, chưa kể hằng năm thiên tai đưa thêm năm, bảy ngàn căn nhà vào danh sách bị trôi hoặc sập đổ hoàn toàn. Thừa hiểu không bao giờ có thể đáp ứng hết được nhu cầu thực tế, nhưng NCL vẫn không ngừng chuyển động. Ngoài lòng hảo tâm của những cá nhân, NCL dần có thêm nhiều bạn đồng hành từ khu vực doanh nghiệp, sự phối hợp của chính quyền địa phương. Bởi việc tử tế có thể lan tỏa từ những nhóm rất nhỏ. Bởi niềm tin rằng xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Xây nhà mới là cấu phần trong chương trình hành động thứ nhất hướng tới mục tiêu tổng thể là cộng đồng bền vững. Tiếp đến là ánh sáng, vệ sinh, nước sạch. Chương trình hành động thứ hai là môi trường bền vững, tập trung giáo dục, khuyến khích trồng, chăm sóc cây xanh. Sau cùng là nâng cao năng lực con người, trang bị những kỹ năng ứng phó với thiên tai và sống hài hòa với thiên nhiên và môi trường.

Hành trình của NCL là một hoạt động dân sự thuần túy xứng đáng, chủ động tập hợp những thành viên có khát vọng thiện nguyện, tham gia giải quyết những trục trặc của cộng đồng mà Nhà nước và thị trường chưa thể hoặc không có động cơ vươn tới.

Ông Huỳnh Tấn Vinh kể chuyện về hành trình bảo vệ Sơn Trà tại buổi giao lưu sáng 23.11 ở đường sách Sài Gònvới chủ đề “Giá trị Sơn Trà - Đà Nẵng” nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Ảnh TL: Trung Dũng

Năm 2017 xảy ra nhiều cuộc va chạm liên quan đến vấn đề môi trường. Đà Nẵng trở thành điểm nóng sau khi bản Quy hoạch tổng thể Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà được công bố. Âm mưu trục lợi đại ngàn vô hình trung thúc đẩy sự hình thành một thế lực mới ở khu vực dân sự với mục tiêu có hành động cụ thể là bảo vệ Sơn Trà trong bối cảnh cả hệ thống Đảng bộ lẫn chính quyền địa phương nhiều chuyện lùm xùm. Hạt nhân của lực lượng này là ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.

Việc công bố bản quy hoạch này trở thành lá bùa để người ta tăng tốc, xây dựng ồ ạt trên lá phổi xanh của người dân Đà Nẵng. Tình thế vô cùng cấp bách. “Ba ở đâu mà không giữ Sơn Trà cho con?” - câu hỏi thảng thốt của cô con gái đè nặng lên vai ông Vinh. Nếu mình không nói thì ai nói? Hỏi cũng là trả lời. Tiếng kèn đơn lẻ nhưng dõng dạc từ mặt trận Đà Nẵng tạo ra làn sóng ủng hộ với hơn 14 ngàn chữ ký của người dân trong và ngoài nước. Dung môi tạo nên cuộc hòa nhịp tự phát là niềm tin vào chính nghĩa. Đốm lửa thắp lên từ một que diêm tạo thành đám cháy, lan đến cả nghị trường. Sơn Trà không còn là câu chuyện của riêng Đà Nẵng.

Một góc Sơn Trà bị Công ty Cổ phần Du lịch Biển Tiên Sa đào xới để xây biệt thự. Ảnh: Zing

Theo ông Vinh, cái gọi là công trình khách sạn phục vụ du lịch trên bán đảo Sơn Trà thực chất là khoảng 2000 căn biệt thự nghỉ dưỡng, được rao bán với mức giá dao động từ 75 tỉ đồng đến 115 tỉ đồng/căn. Từ hơn 10 năm trước, người ta đã muốn biến Sơn Trà thành của riêng. Làm được thì ăn được. Câu nói truyền khẩu trong dân gian tác động, chi phối niềm tin xã hội, nhưng đồng thời cũng biểu hiện tâm trạng bất lực. “Ở Đà Nẵng có những cây đa cây đề tán phủ rất rộng. Dù đã khuất núi nhưng cái bóng vẫn còn”, ông Vinh đụng đến “vấn đề lịch sử để lại”. Có dự án gần trăm hécta mà người ta chỉ cần hai đêm là hoàn tất thủ tục từ khâu trình đến phê duyệt. Bất chấp dư luận xã hội, bước qua các quy định pháp lý cũng bởi niềm tin về khả năng khuynh loát. Nếu cộng đồng im lặng, có lẽ mặt trời đã bị che lấp bằng một bàn tay.

Hiệu ứng xã hội đụng chạm đến miếng mồi của những nhóm lợi ích. Ông Vinh trở thành cái gai mà người ta muốn nhổ bỏ. Hăm dọa có. Tác động có. Sức ép đến từ nhiều phía. Bị đặt vấn đề nghỉ làm hiệp hội, ông đáp trả chuyện làm hay nghỉ là do tập thể quyết định. Trong môi trường doanh nghiệp (ông Vinh là CEO của một resort 5 sao tại Đà Nẵng - PV) cũng có ý kiến e ngại những phát biểu của ông có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với lãnh đạo địa phương. Khẳng định ưu tiên cho Sơn Trà, ông Vinh chấp nhận khả năng thôi việc. Quan điểm bảo vệ Sơn Trà tiếp tục được thể hiện nhất quán tại hội thảo ở Hà Nội do Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức.

Một hoạt động kêu gọi cộng đồng bảo vệ Sơn Trà diễn ra ở Đà Nẵng. Ảnh TL: T.Ngọc/ictdanang

Đối thoại với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Vinh phản đối bê tông hóa Sơn Trà. Bình luận về quan điểm “giữ nguyên Sơn Trà chỉ để ngắm thì quá uổng” của một sĩ quan biên phòng, ông Vinh khẳng định “không cực đoan đến mức rào lại, không đụng đến”. “Khai thác du lịch cần thông minh hơn, đảm bảo tuân thủ Thông báo chung Cape Town- Nam Phi về phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm với môi trường, tự nhiên và xã hội mà Việt Nam đã ký cách đây hơn hai thập niên”, ông Vinh đánh giá cao vai trò của mạng xã hội. Minh bạch thông tin tạo sức ép lên chính quyền các cấp. Sơn Trà tạm yên sau khi Chính phủ yêu cầu ngưng mọi hoạt động xây dựng, tiến hành thanh tra toàn diện.

Trong một ý kiến khác, liên quan đến chủ đề thảo luận, ông Huỳnh Tấn Vinh cho rằng: Năm 2017 với những thông điệp và hành động phần nào quyết liệt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, "Người đốt lò của năm" đã nhen nhóm một tia lửa hy vọng, niềm tin vào công cuộc chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng CSVN. Tuy nhiên, tôi nghĩ bên cạnh điều đó, vấn đề là phải xây dựng một định chế kiểm soát quyền lực để những cán bộ thi hành công vụ không thể lạm dụng quyền lực để mưu lợi cho cá nhân, gia đình và phe cánh của mình. Định chế đó phải công khai, minh bạch và có sự giám sát của cộng đồng xã hội. Hãy dụng nhân như dụng mộc, giữ để gỗ đừng biến thành củi hơn là tập trung đưa củi vào lò.

Nếu làm được điều đó là góp một phần quyết định để “dựng lại niềm tin”.

Thượng Tùng lược thuật

____________

Kỳ cuối: Tháo chuông phải từ người buộc

“Niềm tin bền vững phải đến từ hai phía”, ông Tự Anh chuyển sang mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, chủ đề mà ông đặc biệt quan tâm trong công tác nghiên cứu. Sau hơn ba thập niên Đổi mới, Nhà nước vẫn chưa thực tâm tin thị trường cũng như khu vực tư nhân. Bằng chứng là mỗi khi không kiểm soát được, mỗi khi lúng túng thì Nhà nước lập tức quay trở lại hệ điều hành cũ.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dung-lai-niem-tin-ky-3-tieng-ken-dan-su-12749.html