Đừng làm sai lệch sự thật để bênh vực cho nhóm 'Báo Sạch'

Ngày 29-10 vừa qua, sau khi tòa án ở Việt Nam xét xử công khai và tuyên án 5 đối tượng thuộc nhóm 'Báo Sạch', thông cáo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu ra những ý kiến thiếu khách quan, sai lệch về tự do báo chí ở Việt Nam để bênh vực cho những đối tượng vi phạm pháp luật.

Những lập luận thiếu khách quan, thiếu thiện chí

Bản thông cáo có đoạn viết: “Một tòa án Việt Nam đã kết án các nhà báo liên kết với nhóm "Báo Sạch" (Clean Journalism), Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng, kết án họ nhiều năm tù về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự”.

Lạ lùng hơn, bản thông cáo còn nêu: “Chúng tôi hiểu nhóm nhà báo này tập trung đưa tin điều tra về tham nhũng, tất nhiên, không phải là tội phạm” để rồi “kêu gọi trả tự do cho 5 nhà báo này và tất cả những người bị giam giữ vô cớ”.

Cái gọi là Tổ chức Phóng viên không biên giới cũng đã ra thông báo phản đối các bản án đối với “các nhà báo” của nhóm "Báo Sạch", vu cáo Việt Nam “gia tăng đàn áp truyền thông độc lập”. Còn cái gọi là Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ngày hôm qua 1-11 cũng ra thông cáo có nội dung sai sự thật khi yêu cầu Việt Nam "ngưng đàn áp các nhà báo".

Cái gọi là Sáng kiến pháp lý Việt Nam do hai đối tượng Trịnh Hữu Long và Trần Quỳnh Vi - những kẻ có quan hệ mật thiết với Voice ngoại vi của Việt Tân trước đó cũng ra tuyên bố, cho rằng việc điều tra, bắt giam và truy tố, xét xử đối với các thành viên nhóm “Báo Sạch” là vi phạm quyền tự do ngôn luận.

 Xét xử Trương Châu Hữu Danh và nhóm "Báo Sạch". Ảnh: thanhnien.com.vn

Xét xử Trương Châu Hữu Danh và nhóm "Báo Sạch". Ảnh: thanhnien.com.vn

Dư luận và người dân Việt Nam chẳng ai xa lạ gì luận điệu bổn cũ soạn lại của những tổ chức như Phóng viên không biên giới, Sáng kiến pháp lý Việt Nam hay những đối tượng như Trịnh Hữu Long và Trần Quỳnh Vi hay Phạm Đoan Trang. Đây là những tổ chức, cá nhân thường xuyên lợi dụng, xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận để chống phá Đảng, nhà nước Việt Nam.

Cũng không lạ khi Trịnh Hữu Long bênh vực Báo Sạch bởi Long nằm trong bộ 3 với Nguyễn Anh Tuấn và Phạm Đoan Trang được Voice đào tạo để chống phá đất nước. Trong chuỗi hoạt động của những đối tượng này mấy năm qua, có nhiều sự việc từng được một vài thành viên nhóm "Báo Sạch" tham gia hoặc cổ xúy.

“Tim đen” của họ thì đã rõ nhưng quả là đáng thất vọng khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một cơ quan có đầy đủ thông tin hơn, nắm rõ hơn về sự phát triển của tự do báo chí ở Việt Nam lại có thể đưa ra những lập luận thiếu khách quan, thiếu thiện chí như vậy.

Xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

Trong vụ việc này, TAND huyện Thới Lai (Cần Thơ) đã tuyên phạt các bị cáo là thành viên nhóm “Báo Sạch” tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2, Điều 331 Bộ Luật Hình sự.

Quá trình xét xử, tranh tụng công khai, dân chủ. Chính các luật sư cũng cho rằng, việc truy tố các bị cáo là không oan sai vì có nhiều bài viết đã xâm phạm đến các cá nhân, tổ chức.Các bị cáo cũng đã nhận tội và tỏ ra ăn năn, ân hận.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam được bảo đảm theo đúng pháp luật quốc tế và Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Ở Việt Nam, không có cái gọi là nhà báo độc lập, nhà báo công dân như lập luận của một số tổ chức thiếu thiện chí.

Còn xét về luật pháp quốc tế, theo những giá trị phổ quát nhất, tự do báo chí luôn mang tính lịch sử, cụ thể gắn với hoàn cảnh phát triển, văn hóa của mỗi quốc gia; không thể có tự do báo chí vô hạn độ đến mức có thể xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm hại nhân phẩm, danh dự của người khác.

Không nên để thông tin xấu “gây nhiễu”

Trong bối cảnh quan hệ Việt - Mỹ đang được tăng cường, phát triển tốt đẹp. Trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam luôn nỗ lực nghiêm túc thực hiện cam kết, nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng như các cơ chế nhân quyền quốc tế. Trong đó, đặc biệt coi trọng Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Phát biểu vào tháng 9 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: Thực tế, những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao tại Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc qua các chu kỳ.

Trên thực tế, những thành tựu mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước là những bằng chứng không thể phủ nhận cho các nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm thực thi quyền con người. Việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người luôn được Ðảng, Nhà nước ta thể chế hóa cũng như thực thi nghiêm túc trong thực tiễn. Việc thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam luôn được tuân thủ nghiêm túc theo những cam kết, nghĩa vụ trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như các cơ chế nhân quyền quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia điển hình trong tiến trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, tiếp tục triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Hội thảo quốc tế về xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc do Bộ Ngoại giao phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 14-7-2021 với sự tham dự của hơn 150 đại biểu trong nước và quốc tế, thành tựu của Việt Nam về công tác nhân quyền tiếp tục được ghi nhận. Ông Kamal Malhotra - Ðiều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, hoan nghênh Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương và bảo vệ quyền con người mà minh chứng là quyết định thực hiện Báo cáo giữa kỳ tự nguyện. Liên hiệp quốc đánh giá cao Việt Nam.

Thiết nghĩ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên thay đổi cách tiếp cận và khách quan hơn, toàn diện hơn khi đề cập vấn đề liên quan đến nhóm "Báo Sạch"; không để những thông tin gây nhiễu dẫn đến những bình luận sai lệch; không chỉ đối với vụ án nhóm "Báo Sạch" mà trong nhiều vụ án, vụ việc khác.

CHÍNH NGHĨA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/dung-lam-sai-lech-su-that-de-benh-vuc-cho-nhom-bao-sach-676181