Đừng làm xấu hình ảnh doanh nhân, doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, điểm yếu của doanh nghiệp hiện nay là hiểu luật pháp chưa sâu, một bộ phận doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh; chưa chú trọng xây dựng văn hóa kinh doanh.

Chắc hẳn mọi người còn nhớ kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng Phú Yên về tình hình sử dụng nhà ở tại dự án Nhà ở xã hội Nam Hùng Vương, khiến nhiều người hoang mang. Mặc dù chưa đủ điều kiện bán và cho thuê 217 căn ở khu B của dự án, nhưng chủ đầu tư đã thỏa thuận ký hợp đồng mua bán và bàn giao nhà cho người dân. Đặc biệt, đối với 78 căn chỉ được cho thuê, chủ đầu tư làm trái với quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, không cho thuê mà bán tất cả. Với hành vi nêu trên, Sở Xây dựng cho rằng, việc bán 139 căn hộ chưa đủ điều kiện để hình thành nhà ở trong tương lai của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội này là không đúng quy định, vi phạm điểm a khoản 3 Điều 57 Nghị định 139 của Chính phủ.

Hay như bà Hoàng Thu Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xây lắp điện Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) sử dụng chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng giả để tham gia dự thầu và thi công dự án ở tỉnh Phú Yên, bị cơ quan chức năng phát hiện, kiến nghị UBND tỉnh cấm tham gia đấu thầu các dự án do tỉnh đầu tư trong thời gian 3 năm; đề nghị Bộ KH-ĐT cấm công ty này tham gia đấu thầu dự án trên phạm vi cả nước.

Chưa hết, những ngày qua, cộng đồng doanh nghiệp xôn xao việc tranh giành thị trường giữa hai công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở Phú Yên, dẫn đến khiếu nại nhiều lần, nhờ các cơ quan chức năng can thiệp. Công ty này cho rằng sản phẩm của công ty kia sản xuất ra chỉ để phục vụ một dự án ở TP Tuy Hòa, không được phép bán rộng rãi ra thị trường, việc doanh nghiệp“xé rào”, cố tình bán sản phẩm ra thị trường là vi phạm quy định của tỉnh. Sự việc kéo dài nhiều tháng qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Có thể nói, việc doanh nghiệp vi phạm pháp luật, làm trái với chỉ đạo của chính quyền địa phương là mặt trái của cơ chế thị trường, vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Trước thực trạng này đòi hỏi công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước phải đặc biệt lưu tâm nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các doanh nhân, doanh nghiệp trong việc tìm hiểu và tuân thủ pháp luật. Có thể trong ngắn hạn, việc tuân thủ pháp luật không giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao, nhưng lại phát triển bền vững. Về lâu dài, khi thể chế của nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, công tác thực thi pháp luật của Nhà nước ngày càng tiến bộ thì việc thiếu hiểu biết và không tuân thủ pháp luật sẽ dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc cho doanh nghiệp.

Một vấn đề khác hết sức quan trọng là việc tuân thủ pháp luật sẽ là nền tảng để xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp. Hoạt động trong nền kinh tế thị trường ngày càng đi vào chiều sâu, cạnh tranh và rủi ro đi cùng doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp nào am hiểu và tuân thủ pháp luật, xây dựng được văn hóa kinh doanh thì sẽ tiến xa, còn ngược lại nguy cơ bị đào thải luôn rình rập.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, doanh nghiệp đang đồng thời vừa hợp tác vừa cạnh tranh gay gắt. Doanh nghiệp đứng trước những cơ hội cũng như những thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm mà còn bằng uy tín và đạo đức kinh doanh.

Việc tuân thủ pháp luật, xây dựng và thực hành đạo đức kinh doanh đang ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người tiêu dùng và toàn xã hội. Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp tất cả, làm xấu hình ảnh doanh nhân, doanh nghiệp.

MINH ĐĂNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/228915/dung-lam-xau-hinh-anh-doanh-nhan-doanh-nghiep.html