Đừng lãng phí 'của Giời' cho
Than đá hay còn gọi là vàng đen, từ lâu đã là nguồn nguyên liệu chính dùng cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.
Nguồn nguyên liệu hóa thạch có hạn
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa hoạc kỹ thuật, các nước tiên tiến trên thế giới đã hạn chế và dần đi đến việc ngừng khai thác năng lượng hóa thạch mà thay vào đó là sử dụng năng lượng tái tạo.
Than đã được chuyển hướng dùng vào những mục tiêu tích cực hơn để loại trừ việc tận khai khoáng, tránh gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, hủy hoại tài nguyên và đặc biệt là không hoài phí kho báu “năng - gió” vô tận mà tạo hóa đã ban cho nhân loại.
Nhìn ra các nước trên thế giới, Vương quốc Anh thời nữ Thủ tướng Margaret Thatcher đã đóng cửa các mỏ than trong nước. Nhật Bản, Trung Quốc và các cường quốc khác cũng đều nhập khẩu than thay vì đẩy mạnh khai thác trong nước để tránh ảnh hưởng tới môi trường.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng cực đoan hơn khi diễn biến mưa lũ bất thường tại Trung Quốc trong thời gian gần đây là ví dụ điển hình. Hiện tượng trái đất ấm dần lên, hạn hán, băng tan, nước biển dâng, xâm nhập mặn, bão lụt, triều cường… ở khắp nơi khiến cho sự bất an luôn thường trực.
Với biến đổi trên, cùng với xu hướng sử dụng năng lượng xanh đang lên ngôi, năng lượng tái tạo trở thành ứng cử viên đắt giá thay thế nguồn năng lượng hóa thạch đã bắt đầu cạn kiệt.
Không chi phí sản xuất, lại mang tính ổn định cao, điện được tạo ra từ ánh mặt trời, từ gió sẽ đóng góp quan trọng vào việc chống biến đổi khí hậu, giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính... khi nguồn nguyên liệu này luôn hiện hữu và có sẵn trong tự nhiên.
Kiến thiết ngành năng lượng sạch
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn năm 2030, tính toán tổng công suất phát triển điện mặt trời đến năm 2025 khoảng 14.450 MW và năm 2030 khoảng 20.050 MW.
Hiện, Việt Nam đã có 82 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia, chiếm khoảng 8,28% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, còn có khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian tới.
Khai thác năng lượng sạch là định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là chiến lược thông minh, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên quốc gia và vừa chống lãng phí năng lượng tái tạo, năng lượng hóa thạch.
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ra đời được ví như “ngọn hải đăng” cho ngành năng lượng Việt Nam phát triển. Riêng đối với năng lượng tái tạo, theo các doanh nghiệp, Nghị quyết 55 cần cụ thể hóa hơn về các chính sách: vốn ưu đãi, chính sách thuế phải hợp lý đối với nhà đầu tư năng lượng tái tạo, cơ chế giá điện thương phẩm và đặc biệt là phải có sự vận hành nhất quán từ Trung ương đến các doanh nghiệp.
Cũng như các lĩnh vực khác, dịch Covid-19 tái bùng phát khiến hàng loạt dự án điện mặt trời đang chịu áp lực về tiến độ triển khai, bởi công tác triển khai quỹ đất bị đình trệ.
Các chuyến bay quốc tế bị tạm dừng nên các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài cũng không thể đến Việt Nam xử lý công việc có liên quan.
Ngoài ra, lộ trình vận chuyển thiết bị lắp đặt gián đoạn do ảnh hưởng lũ lụt và dịch bệnh từ phía Trung Quốc - nơi cung cấp đến 80% linh kiện điện mặt trời cho toàn cầu.
Tất cả các yếu tố trên làm đảo lộn hoàn toàn kế hoạch kinh doanh của nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng, bởi phát sinh nhiều khoản kinh phí “nằm chờ”.
Việt Nam có lợi thế rất lớn vị trí địa lý gần đường xích đạo, gần biển, địa hình cao so với mực nước biển. Nắng nóng không sử dụng thì cũng vẫn là nắng nóng và bản chất chẳng có gì ngoài nắng nóng. Gió không được tận dụng thì cũng vẫn là ngọn cỏ gió đùa trêu ngươi.
Trong khi, khoa học kỹ thuật và công nghệ luôn hướng đến đỉnh cao thì cuộc cách mạng về năng lượng nằm trong lòng bàn tay. Do vậy, biến nắng - gió trở thành nguồn điện hữu ích cho cuộc sống thì bản thân nhà đầu tư cũng lực bất tòng tâm khi Chính phủ không “cởi mở”.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/dung-lang-phi-cua-gioi-cho-338694.html