Đừng lắp trạm cân khoáng sản chỉ để đối phó
Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân, camera để giám sát; cấp có thẩm quyền phải dành lượng kinh phí thỏa đáng thu được từ hoạt động khoáng sản để đầu tư trở lại cho địa phương. Nhưng việc thực hiện quy định chưa nghiêm, có khi chỉ để đối phó, làm cho người dân sinh sống ở vùng khai thác khoáng sản, trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số, vùng xa thiệt thòi nhiều mặt.
Nghị định 158/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/7/2017 quy định, các mỏ khoáng sản phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, lắp đặt camera giám sát tại kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan, làm cơ sở thống kê, tính toán, cập nhật số liệu gửi cơ quan nhà nước quản lý.
Nhưng trên thực tế, nhiều mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa kịp thời thực hiện các quy định nêu trên, vì các tổ chức, đơn vị khai thác khoáng sản không tự giác; cơ quan quản lý, chính quyền địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ, trên địa bàn có 24 mỏ khai thác đá, cát sỏi, các loại vật liệu khác. Đây là địa phương thuộc diện nhiều mỏ hoạt động nhất tỉnh Thái Nguyên, đến đầu năm 2024 số mỏ lắp đặt trạm cân, camera giám sát chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ Nguyễn Thế Hoàn cho biết: “Sau nhiều lần chúng tôi tổ chức kiểm tra, đôn đốc, thậm chí ra ‘tối hậu thư’, đến cuối tháng 6/2024 có 24/24 mỏ đã lắp camera giám sát, 20/24 mỏ đã lắp đặt trạm cân. 4 mỏ chưa lắp trạm cân bị phạt tiền và cảnh cáo, nếu trong tháng 7/2024 vẫn chưa lắp thì chúng tôi sẽ báo cáo cấp thẩm quyền xem xét dừng hoạt động”.
Với mức đầu tư 400-500 triệu đồng mỗi trạm cân, hầu hết các chủ mỏ khai thác khoáng sản đều lắp đặt trạm cân là nỗ lực lớn của chính quyền huyện Đồng Hỷ và các doanh nghiệp.
Theo quy định, các doanh nghiệp, đơn vị khai thác khoáng sản đều phải xuất hóa đơn tương ứng với lượng khoáng sản bán ra để làm cơ sở cho cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý sản lượng được cấp phép khai thác hằng năm, cơ sở để tính các loại thuế, phí. Tuy nhiên, có đơn vị khai báo sản lượng khai thác không trung thực, chở quá tải trọng cho phép làm hư hỏng hạ tầng giao thông.
Điển hình như tại xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn chỉ rộng vài km2 mà có đến 4 mỏ đá hoạt động; trên địa bàn xã Quang Sơn có hàng chục mỏ đá, ô-tô ra vào vận chuyển đá suốt ngày, băm nát các tuyến đường trên địa bàn xã. Việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát để kiểm soát khoáng sản vận chuyển ra bên ngoài, kiểm soát tải trọng để bảo vệ hạ tầng giao thông là cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, có doanh nghiệp, đơn vị lại không vận hành trạm cân thường xuyên, nhiều thời điểm tắt camera giám sát.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ Nguyễn Thế Hoàn, việc lắp đặt trạm cân và camera để theo dõi, lưu trữ thông tin, là cơ sở để doanh nghiệp làm báo cáo, kiểm tra của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có vận hành trạm cân và camera thường xuyên, liên tục, cân 100% ô-tô vận chuyển khoáng sản ra bên ngoài hay không thì không thể kiểm soát được, vì chưa có quy định kết nối trạm cân và camera trực tiếp với cơ quan nhà nước để theo dõi.
Trong khi đó, cơ quản quản lý, chính quyền địa phương không có người giám sát trực tiếp tại trạm cân.
Người dân sinh sống ở vùng khai thác khoáng sản đang hứng chịu nhiều hệ lụy, như tại xóm Lân Đăm, một xóm vùng xa, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong cảnh nổ mìn phá đá ậm ùm suốt ngày, khu vực mỏ và dọc đường giao thông phủ bụi trắng xóa, đường giao thông gần như bị băm nát.
Người dân phàn nàn, địa phương có nhiều mỏ khai thác đá phục vụ các công trình xây dựng, phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng nhiều năm qua người dân sở tại gần như chưa được hưởng lợi ích gì từ khoáng sản.
Quy định của pháp luật về khoáng sản nêu rõ, hằng năm ngân sách phải trích một phần thu được từ các hoạt động khoáng sản để đầu tư trở lại cho các địa phương có khoáng sản xây dựng hạ tầng, các thiết chế văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống người dân, nhất là vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vốn còn nhiều khó khăn.
Trên thực tế, người dân tại các vùng có khoáng sản ở huyện Đồng Hỷ dường như chưa được hưởng lợi gì từ khai thác khoáng sản, trong khi hệ lụy phải gánh chịu hằng ngày.
Người dân mong chờ cấp có thẩm quyền trích ngân sách thỏa đáng thu được từ hoạt động khoáng sản theo quy định để đầu tư trở lại cho địa phương nhằm cải thiện đời sống, tạo sinh kế cho người dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số.
Để lắp đặt trạm cân, camera không phải là để đối phó, mà cần bổ sung quy định kết nối trạm cân, camera trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước với ý nghĩa là công cụ để theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục nhằm chống thất thoát khoáng sản, chống quá tải để bảo vệ hạ tầng giao thông và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dung-lap-tram-can-khoang-san-chi-de-doi-pho-post816755.html