Dùng liệu pháp hormone điều trị dậy thì muộn sao cho đúng?
Dậy thì muộn là chưa có biểu hiện dậy thì trước 14 tuổi, điều này phổ biến hơn ở các trẻ trai, để lại những nguy cơ như kém phát triển chiều cao, ảnh hưởng tâm lý hay thậm chí là vô sinh khi trưởng thành...
1. Liệu pháp hormone điều trị dậy thì muộn ở trẻ trai
Nếu các bé trai không có dấu hiệu phát triển tuổi dậy thì hoặc sự trưởng thành của xương ngoài 11 đến 12 tuổi, thì ở độ tuổi 13 hoặc 14, trẻ có thể được điều trị bằng testosterone enanthate hoặc testosterone cypionate liều thấp, trong 4 tháng đến 6 tháng, mỗi tháng một lần.
NỘI DUNG::
1. Liệu pháp hormone điều trị dậy thì muộn ở trẻ trai
2. Liệu pháp hormone điều trị dậy thì muộn ở trẻ gái
3. Lưu ý khi điều trị dậy thì muộn
Những liều thấp này gây dậy thì với mức độ nam tính và không gây nguy hiểm cho tiềm năng chiều cao của người lớn. Sau khi kết thúc liệu trình, ngừng điều trị và đo nồng độ testosterone vài tuần hoặc vài tháng sau đó để phân biệt tình trạng thiếu hụt tạm thời và vĩnh viễn...
Nếu nồng độ testosterone không cao hơn giá trị ban đầu và/hoặc sự phát triển của tuổi dậy thì không tiếp tục sau khi hoàn thành điều trị, thì có thể điều trị đợt thứ hai với liều thấp. Nếu tuổi dậy thì nội sinh chưa bắt đầu sau 2 đợt điều trị, thì khả năng bị thiếu hụt vĩnh viễn sẽ cao hơn và bệnh nhân cần được đánh giá lại để tìm các nguyên nhân khác gây suy sinh dục.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng gel bôi testosterone. Thuốc được bôi trên vùng da khô, sạch và không có vết thương hở ở hai vai, hai tay hoặc vùng bụng. Cho toàn bộ thuốc trong gói lên da và xoa nhẹ thành một lớp mỏng để khô trước khi mặc quần áo. Thuốc thấm và khô rất nhanh trong vòng 3 -5 phút, không bôi thuốc lên vùng sinh dục do nguy cơ gây kích ứng da.
Cần phải mang găng tay khi một người khác, đặc biệt là nữ giới, bôi thuốc cho người bệnh do thuốc thấm rất nhanh qua da, có thể gây những tác dụng không mong muốn như rậm lông, tóc, thay đổi giọng nói hoặc thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.
Tác dụng phụ thường gặp nhất là phản ứng tại nơi bôi thuốc như nổi hồng ban, mụn trứng cá, khô da... Các triệu chứng này thường sẽ tự khỏi sau khi ngừng thuốc. Thuốc cũng có thể gây ra đau đầu, cảm giác yếu mệt, mất ngủ, thay đổi cảm xúc... do xáo trộn nội tiết tố. Trẻ có bệnh tim mạch sẵn có cần thông báo với bác sĩ, bởi thuốc có thể gây tăng huyết áp và làm xấu đi tình trạng bệnh.
2. Liệu pháp hormone điều trị dậy thì muộn ở trẻ gái
Tùy thuộc vào nguyên nhân, liệu pháp hormone có thể được sử dụng để gây dậy thì hoặc trong một số trường hợp (ví dụ hội chứng Turner), có thể cần thiết để thay thế lâu dài.
Estrogen thay thế được cho dùng dưới dạng thuốc viên hoặc miếng dán và liều lượng sẽ tăng lên trong khoảng thời gian từ 18 tháng đến 24 tháng. Liều thấp hơn liều dùng ở người lớn và các miếng dán thẩm thấu qua da thường được ưa chuộng hơn thuốc viên.
Các bé gái có thể được chuyển sang miếng dán estrogen thấm qua da có progestin tuần hoàn (thường được dùng theo đường uống vào các ngày từ 1 đến ngày 10 của tháng dương lịch, dưới dạng medroxyprogesterone hoặc progesterone micronized) hoặc sang các chế phẩm tránh thai đường uống phối hợp estrogen-progestin để điều trị lâu dài.
3. Lưu ý khi điều trị dậy thì muộn
Để điều trị dậy thì muộn hiệu quả, cần dùng đúng liều chỉ định, không được tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc mà không có quyết định của bác sĩ điều trị.
Ngoài ra, dậy thì đánh dấu sự trưởng thành quan trọng đối với trẻ, nên dậy thì muộn có thể dẫn đến tâm lý mặc cảm, tự ti so với bạn bè đồng trang lứa. Lúc này, cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ với trẻ nhiều hơn, có thể động viên bằng những thế mạnh của trẻ để giúp bé tự tin hơn.
Ngoài ra, nếu thấy trẻ dậy thì chậm, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để khám sức khỏe và tâm lý. Trong suốt quá trình điều trị, trẻ cần được theo dõi sát sao bởi cha mẹ và bác sĩ điều trị. Nếu có dấu hiệu bất thường, hãy thông báo với bác sĩ điều trị để được hỗ trợ.