Đừng lơ là tiêm vaccine
Lợi ích của việc tiêm chủng vaccine đang ngày càng mở rộng đến thanh thiếu niên và người lớn, bảo vệ con người chống lại những bệnh nguy hiểm như cúm, viêm màng não và các loại ung thư, thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành.
Cùng với việc phòng, chống dịch bệnh, vaccine cũng giúp hạn chế sự lan rộng của tình trạng kháng thuốc kháng sinh, bởi lẽ khi được tiêm vaccine, người được tiêm sẽ giảm được nguy cơ nhiễm bệnh, do đó giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh, điều này góp phần hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp, Bộ Y tế nhận định: “Việc nghiên cứu ra vaccine phòng bệnh cho trẻ em và cả người lớn là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của y học. Nhờ có vaccine mà nhiều dịch bệnh đã được khống chế, loại trừ và thanh toán, đặc biệt là các bệnh cúm, đậu mùa, uốn ván, bại liệt… Đặc biệt, với trẻ em, người già, người mắc bệnh mạn tính có hệ miễn dịch suy yếu, nếu không được tiêm vaccine phòng bệnh sẽ dễ mắc bệnh, để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong”.
Đặc biệt, trong hơn 3 năm qua, khi cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, chúng ta càng nhận thấy được tầm quan trọng của vaccine. Bằng chứng là sau khi các chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 được thực hiện rộng rãi ở các quốc gia, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong đã giảm đáng kể.
Mặc dù vậy, cũng chính do 3 năm phòng, chống Covid-19 vừa qua, rất nhiều trẻ em đã không được tiêm phòng vaccine đầy đủ và đúng lịch. Điều này dẫn đến nguy cơ rất lớn bùng phát trở lại các dịch bệnh, nhất là khi gần đây dịch bệnh truyền nhiễm có những diễn biến phức tạp.
Trong năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em trên toàn cầu tiếp tục có mức sụt giảm cao nhất trong khoảng 30 năm qua. Theo đó, tỷ lệ trẻ em được tiêm đủ 3 liều vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà - thước đo để đánh dấu tỷ lệ bao phủ vaccine giữa các quốc gia đã giảm 5% từ năm 2019 đến năm 2021, xuống còn 81%.
Bà Lesley Miller - Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, khi đại dịch bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn ở hầu hết các quốc gia, kể cả ở Việt Nam. Đặc biệt, do nhu cầu tăng cao đối với hệ thống y tế, điều chuyển nguồn lực tiêm chủng thường xuyên sang tiêm chủng chiến dịch vaccine Covid-19, sự thiếu hụt nhân viên y tế và thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà. Một nguyên nhân nữa là sự chậm trễ trong công tác mua sắm cung ứng vaccine hiện nay.
PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khẳng định: Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm, dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ.
Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng. “Chính vì vậy các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và cả những vaccine chưa có trong chương trình. Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội” - ông Dương nhấn mạnh.
Theo bà Lesley Miller - Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam, UNICEF rất quan ngại về khả năng bùng phát các dịch bệnh đáng ra có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng, đặc biệt là bệnh sởi. Điều này cho thấy sự cần thiết phải hành động một cách nhanh chóng, cấp thiết để kịp thời tiêm phòng cho những trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh có thể gây chết người.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dung-lo-la-tiem-vaccine-5716370.html