Dùng lưới đuổi bắt cá của nông dân miền Tây
Vùng nước ngập mặn ở miền Tây, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào vuông tôm, trong thời gian chờ thủy sản lớn, nhiều nông dân nơi đây còn kiếm thêm thu nhập bằng việc sử dụng lưới giăng xuống vuông rồi đuổi bắt cá rô phi.
Chiều 12.3, tôi có lịch hẹn trước với anh Trần Hoàng Giao (40 tuổi), ngụ xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau để cùng anh đi giăng lưới, đuổi bắt cá rô phi.
Theo chân anh Giao, chúng tôi di chuyển bằng xe gắn máy men theo con đường nhỏ ven kênh xáng Lương Thế Trân (dòng sông chảy qua địa phận của TP.Cà Mau và các huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau – PV) một đoạn, rồi chúng tôi dừng lại để gửi xe ở một nhà dân. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi bộ hơn 300m nữa là tới vuông tôm của gia đình anh Giao.
“Ở đây, người ta làm vuông xa nhà lắm, bởi vậy phải dựng chòi để canh giữ, phòng trộm cắp. Cứ đến ngày thu hoạch là người dân đi vuông đặt lú, rồi vô chòi canh ngủ giữ đến sáng mới về. Vuông anh vậy là gần lắm rồi”, anh Giao nói.
Rồi anh cầm đoạn lưới dài hàng chục mét nhảy ùm xuống vuông để giăng. Dưới dòng nước mát, từng đàn cá rô phi lượn lờ chạy quanh quẩn, chỉ tay về phía đàn cá, anh Giao nói: “Tí giăng xong, anh đuổi là nó chạy vào mắc lưới, mình tha hồ mà gỡ”.
Giăng lưới xong, tôi cùng anh Giao mỗi người một bên dùng tay, chân đá nước, dí cho đàn cá rô phi chạy về nơi có đoạn lưới đã giăng trước đó.
Bị rượt đuổi, từng đàn cá thi nhau chạy, rồi lao thẳng vào bẫy lưới được giăng sẵn. Mắc lưới, những chú cá rô phi tươi rói ngọ nguậy để tìm cách thoát thân. “Thăm lưới nhé em, thấy vậy chứ không dưới 5kg đâu”, nói xong, anh Giao xách thùng đi gỡ cá.
Anh Giao từng có thời gian dài đi lao động ở tỉnh Đồng Nai, gần đây, tình hình kinh tế khó khăn, công ty ít đơn hàng, thu nhập bấp bênh nên anh Giao xin nghỉ việc về quê bám vuông tôm để mưu sinh.
“Mình về quê, tuy thu nhập thấp hơn nhưng đổi lại nguồn thức ăn như rau cải, cá mắm…, chỉ cần xách lưới ra vuông giăng chút là có cái ăn, không phải mất tiền mua. Coi vậy chớ hằng ngày anh đuổi cá rô phi bán kiếm tầm 200.000 đồng là chuyện bình thường”, anh Giao cho biết.
Ở vùng đất mặn của TP.Cà Mau, cá rô phi có nhiều ở mỗi vuông tôm. Loài cá này tự sinh sản, chứ nông dân không nuôi. Hằng năm, cứ đến mùa cải tạo (khoảng tháng 6 – 7 dương lịch) là bà con nông dân thuốc cá.
“Nhiều quá mình phải thuốc diệt, chứ để nhiều quá nuôi tôm không hiệu quả, vì cá rô phi ăn tôm con. Thấy vậy chứ chúng sinh sản nhanh lắm, mình thuốc xong, khoảng 1 tháng sau là có lớp cá khác lớn lên nữa rồi. Cá nhiều, mình nuôi cua là hiệu quả, tạo nguồn thức ăn cho cua. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng giăng lưới bắt cá lớn bán kiếm thêm thu nhập”, anh Giao chia sẻ.
Sau gần 1 giờ đuổi lưới, thành quả của anh Giao thu được khoảng 5kg cá rô phi no tròn, béo ngậy. “Về thôi em, vậy là đủ sống rồi. Ở quê dễ sống lắm. Cá nầy lát nữa nấu lẩu mắm, lai rai vài xị rượu đế là hết sẩy”.
Cá rô phi là loại cá có giá rất bình dân, cá thường chế biến các món ăn như kho tương, kho mắm, kho trái giác, làm khô, xay chả…, theo anh Giao, khô và chả cá phi hiện rất được thị trường ưa chuộng. Trong thời gian tới, anh Giao dự tính sẽ phát triển mặt hàng này để kinh doanh kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dung-luoi-duoi-bat-ca-cua-nong-dan-mien-tay-194186.html