Đừng mắc sai lầm này nếu không muốn tước cơ hội cứu sống người đuối nước
Theo các bác sỹ, một số cách sơ cứu đuối nước được nhiều người hay áp dụng hiện nay thực ra sai lầm, có thể làm mất cơ hội cứu sống nạn nhân
Theo Bs. Trần Văn Trung, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, việc làm đầu tiên đối với một nạn nhân đuối nước là phải giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân. Theo đó, nếu nạn nhân còn tỉnh, giãy giụa dưới nước cần ném cho nạn nhân một cái phao, một khúc gỗ, một sợi dây… để giúp họ lên bờ. Không nên nhảy xuống nước nếu không biết bơi hoặc không được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ. Bởi nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì vớ được, kể cả người cứu nạn.
Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở. Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi), gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu. Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ.
Các bước để cấp cứu người đuối nước gồm:
Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
Bước 2: Đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng, khô ráo, thoáng khí.
Bước 3: Trường hợp nạn nhân còn tự thở, cho nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.
Trong trường hợp nạn nhân bất tỉnh, hãy quan sát lồng ngực nạn nhân có di động hay không. Nếu lồng ngực không di động, tức là nạn nhân ngừng thở, cần phải nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách: đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái; lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi nạn nhân; Thực hiện hà hơi thổi ngạt bằng miệng ngay lập tức.
Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim nạn nhân còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không. Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim nạn nhân đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực. Sau đó, vừa làm vừa đưa nạn nhân đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.
Lưu ý, nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì sẽ làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Đồng thời, khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi nạn nhân thở trở lại.
Việc không kịp thời hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não nếu nạn nhân còn sống. Điều này là do thiếu oxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.
Có bờ biển trải dọc theo chiều dài đất nước, lại có rất nhiều sông ngòi, ao hồ, hằng năm Việt Nam có rất nhiều cái chết thương tâm do đuối nước, đặc biệt là với trẻ em.
Chỉ riêng tại tỉnh Bình Thuận, chưa đầy một tháng qua, liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước tập thể thương tâm khiến dư luận không khỏi lo lắng, xót xa.
Gần nhất, chiều 22/8, nhóm du khách khoảng 7 người xuống tắm biển thuộc phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết (Bình Thuận). Tuy nhiên, trong lúc tắm, cả nhóm đã bị sóng cuốn ra xa khiến 4 người tử vong.
Trước đó, vào chiều 10/8, một nhóm du khách đều làm ở một công ty tại tỉnh Bình Dương đến nghỉ dưỡng tại một resort ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi (Bình Thuận) xuống biển tắm, mặc dù biển động mạnh. Trong lúc tắm biển, nhóm người này đã bị sóng biển cuốn trôi ra xa khiến 6 người tử vong trong đó có 2 nạn nhân được tìm thấy cách hiện trường nhiều cây số.
Cũng trong sáng cùng ngày, hai nam du khách khác xuống bãi biển Đá ông Địa thuộc phường Phú Hài (TP Phan Thiết) để tắm và bất ngờ bị sóng lớn cuốn trôi. Những người gần đó phát hiện đã dùng dây và phao cứu sinh cứu được một người, kéo vào bờ đưa đi cấp cứu. Nạn nhân còn lại bị nước cuốn ra xa sau đó dạt vào bờ, dù được cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.