Dùng mỡ động vật cho con đang ăn dặm có được không?
Với trẻ dưới 1 tuổi, tỉ lệ mỡ động vật - dầu động vật nên là 70-30. Trên 1 tuổi, tỉ lệ này có thể là 50-50.
Ảnh minh họa
Mỡ động vật có nhiều cholesterol, với trẻ em cholesterol cũng cần thiết vì nó có nhiều vai trò đối với cơ thể trẻ. Tuy nhiên việc ăn mỡ động vật có những lợi ích và tác hại như thế nào thì không phải tất cả các bậc cha mẹ đều biết.
Với vấn đề: "Con đang ăn dặm có được dùng mỡ động vật để nấu đồ ăn cho bé không", ThS.BS Ngô Thị Hương - Chuyên khoa Nhi ở Hải Phòng cho biết: "Rất nên bố mẹ ạ. Ngày nay, nhiều bố mẹ nhất là ở thành phố thường quên bổ sung mỡ động vật trong khẩu phần ăn của con, chủ yếu chỉ dùng dầu thực vật.
Sở dĩ như vậy là bởi mỡ động vật đem lại nhiều lợi ích:
- Mỡ động vật chứa nhiều chất béo không bão hòa hơn dầu thực vật: Đây là loại chất béo tốt cho cơ thể ở cả người lớn và trẻ em.
- Mỡ động vật chứa vitamin D giúp con phát triển khỏe mạnh.
- Mỡ động vật tham gia vào cấu tạo màng tế bào thần kinh.
Mẹ nên bổ sung mỡ động vật vào khẩu phẩn ăn của con. Mẹ có thể sử dụng các loại mỡ như mỡ lợn, mỡ cá. Với trẻ dưới 1 tuổi, tỉ lệ mỡ động vật - dầu động vật nên là 70-30. Trên 1 tuổi, tỉ lệ này có thể là 50-50".
Trẻ nên ăn bao nhiêu mỡ động vật?
Mỡ động vật có nhiều cholesterol cần thiết vì nó có nhiều vai trò đối với cơ thể trẻ. Mỡ động vật có nhiều vitamin A, D và axit arachidonic. Vì vậy, trẻ cần được ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật (mỡ gà, mỡ heo, mỡ cá,...), với tỷ lệ tốt nhất là tỷ lệ 1:1. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, mỗi bữa cần cho 2,5ml dầu/mỡ, đối với trẻ từ 8 tháng trở lên cần cho 5ml, trẻ gần 1 tuổi trở lên cần từ 7,5-10ml/bữa ăn theo nguyên tắc một bữa dầu, một bữa mỡ.
Sử dụng mỡ động vật từ thực phẩm cho trẻ thế nào?
Cha mẹ có thể thắng mỡ heo để nấu ăn cho trẻ. Tuy nhiên, mỡ sử dụng cho chiên, rán còn thừa tốt nhất là nên bỏ đi, bởi vì sau khi qua nhiệt độ cao trong thời gian dài, các vitamin có trong mỡ sẽ bị phá hủy, sẽ giảm chất dinh dưỡng. Mặt khác, dưới tác động của nhiệt độ cao (trên 180 độ C), các chất trong mỡ sẽ gây ra phản ứng phân giải hoặc tổng hợp và sản sinh các chất an-đê-hít, axít béo tự do... là những chất rất có hại cho cơ thể trẻ.
Trong quá trình sử dụng, nên để mỡ đã thắng ở những nơi thoáng mát, khô ráo, không để ở nơi quá nóng, tránh ánh sáng và đậy kín chai sau mỗi lần sử dụng. Muốn sử dụng lâu hơn thì để trong ngăn mát tủ lạnh. Để nhận biết mỡ đã hư thì điều đầu tiên là mỡ có mùi hôi gắt khó chịu, nổi mốc.
Cách nhận biết một em bé đang bị thiếu chất béo?
- Da trẻ mất đi độ ẩm cần thiết, dẫn đến cảm giác ngứa ngáy, da khô, dễ bong tróc, thậm chí còn bị đóng vảy.
- Chất béo có vai trò sản sinh nhiệt và giữ ấm cho cơ thể. Thiếu chất béo trẻ thường xuyên cảm thấy lạnh và rùng mình ngay cả ở nhiệt độ bình thường.
- Thân tóc có 3% là chất béo, nhằm giúp bảo vệ da dầu và tóc không bị khô. Thiếu chất béo và các vitamin sẽ khiến tóc trẻ bị xơ, khô cứng và dễ gãy rụng.
- Thiếu hụt chất béo khiến các tế bào não hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy.
- Chất béo là nguồn dự trữ sinh năng lượng quan trọng, giúp cơ thể không bị mất nước. Thiếu chất béo này khiến trẻ thường có cảm giác mệt mỏi, thường hay quấy khóc.
Dấu hiệu trẻ bị thừa chất béo
- Chất béo tập trung nhiều ở bụng gây béo bụng thừa cân.
- Theo dõi chỉ số BMI nên theo dõi thêm tỷ số vòng bụng/vòng mông, khi chỉ số này cao hơn 0,8 thì dư chất béo.
BMI = Cân nặng (kg)/(chiều cao (m) x chiều cao (m).