Đừng mù quáng theo cổ phiếu không có dấu hiệu hồi phục

Đối với một cổ phiếu hoặc quỹ đã khiến bạn mất quá nhiều và không có dấu hiệu hồi phục trong thời gian ngắn, tốt nhất đừng mù quáng theo nó để đổi lấy chờ đợi vô nghĩa.

 Ảnh: Shutter Stock.

Ảnh: Shutter Stock.

Trong đầu tư và quản lý tài chính, chúng ta cũng cần tránh hiểu lầm về “chi phí chìm”, cách tốt nhất là hãy tự hỏi bản thân: Nếu không có cổ phiếu/quỹ này trong tay, hoặc được cho một khoản tiền khác, mình vẫn sẽ mua nó chứ?

Nếu câu trả lời là không thì bạn nên bán nó đi. Đừng chỉ vì đã rơi vào bẫy và để tránh trường hợp những tổn thất trên giấy thành hiện thực mà đưa ra những quyết định sai lầm chồng chất.

Tuy nhiên, ám ảnh mất mát luôn dẫn dắt quyết định đầu tư của chúng ta đi theo hướng hoàn toàn ngược lại. Ví dụ: Bạn đang nắm giữ hai loại cổ phiếu, một loại đã tăng thêm 100 tệ, một loại lại giảm 100 tệ. Bây giờ bạn có việc gấp cần tiền, phải bán một loại thì bạn sẽ chọn bán loại nào?

Khảo sát cho thấy phần lớn mọi người đều lựa chọn bán cổ phiếu đang tăng giá. Bởi vì cổ phiếu tăng giá nghĩa là có lợi nhuận, không kiếm thì mất nên phải giải quyết nó trước, ít ai nghĩ rằng nó còn có thể tăng nữa. Trong khi cổ phiếu hạ giá là tổn thất, nhiều người hy vọng nó sẽ tăng trở lại để tránh tổn thất, nếu bán nó đi thì tổn thất đó không bao giờ có thể thu hồi.

Trên thực tế, việc làm đúng đắn là cân nhắc xem cổ phiếu nào có thể tiếp tục tăng giá và giữ lại nó, bán đi cổ phiếu không còn khả năng tăng hoặc tăng không đáng kể. Vì vậy xác suất lớn cổ phiếu đang giúp bạn kiếm tiền sẽ tiếp tục giúp bạn kiếm nhiều tiền hơn nữa và bạn nên giữ nó, còn cổ phiếu đang hạ giá có thể sẽ tiếp tục khiến bạn tổn thất nặng nề hơn, do đó bạn nên kịp thời bán nó.

Điều này cho thấy đối với một cổ phiếu hoặc quỹ đã khiến bạn mất quá nhiều và không có dấu hiệu hồi phục trong thời gian ngắn, tốt nhất đừng mù quáng theo nó để đổi lấy chờ đợi vô nghĩa. Thay vì vậy, hãy nhanh chóng loại bỏ nó, chấp nhận chi phí chìm và tìm kiếm mục tiêu mới, bắt đầu trải nghiệm đầu tư mới.

Bởi vì tồn tại tâm lý sợ mất mát nên không phải lúc nào người tiêu dùng cũng đủ lý trí, thậm chí có thể nói rằng phần lớn thời gian đều thiếu lý trí. Vì vậy, tâm lý lo sợ mất mát cũng được ứng dụng rất phổ biến vào lĩnh vực bán hàng, nó thay đổi và dẫn dắt hành vi tiêu dùng của khách hàng một cách tinh tế. Ví dụ:

Bạn lên mạng mua quần áo, nhìn mẫu A và B đều rất ưng ý nhưng chỉ có thể mua một cái, bạn sẽ chọn mẫu nào? Mẫu A có giá 90 tệ, phí vận chuyển 10 tệ. Mẫu B có giá 100 tệ, miễn phí vận chuyển.

Trong tình huống hai mẫu không có nhiều khác biệt, đa số mọi người sẽ lựa chọn mẫu B, dù phí vận chuyển của mẫu A giảm còn 8 tệ thì vẫn có rất nhiều người chọn mẫu B.

Dựa theo giả thiết “tính hợp lý của thị trường”, khi tổng giá người tiêu dùng phải trả như nhau thì số người lựa chọn mẫu A và mẫu B không chênh nhau bao nhiêu, khi tổng giá phải trả nhỏ hơn thì đáng lý sẽ có nhiều người chọn mẫu A. Vậy tại sao trong thực tế đa phần mọi người đều chọn mẫu B?

Những người có thâm niên mua sắm trực tuyến chắc chắn sẽ đồng cảm: Sản phẩm mà không miễn phí vận chuyển thì trong lòng rất khó chịu, còn sản phẩm miễn phí vận chuyển thì dù tổng giá có thể cao hơn vẫn dễ chấp nhận hơn “giá sản phẩm + phí vận chuyển”.

Người tiêu dùng biết rõ những sản phẩm miễn phí vận chuyển đều đã cộng chi phí ấy vào giá thành, nhưng sản phẩm tách riêng phí vận chuyển vẫn làm họ cảm thấy không thoải mái, do dự khi chốt đơn hoặc thậm chí từ bỏ không mua nữa. Tại sao lại như vậy?

Bởi vì phí vận chuyển tính riêng khiến người tiêu dùng cảm thấy “lỗ nặng” do phải trả hai lần tiền.

Tạ Tôn Bác/ Skybooks & NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-mu-quang-theo-co-phieu-khong-co-dau-hieu-hoi-phuc-post1544894.html