Đừng ngại khó mà không làm
Thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai thành lập thí điểm các phòng tham vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện, hầu hết các trường đều lúng túng. Làm thế nào để phòng tham vấn tâm lý học đường phát huy tác dụng, hoạt động mang lại hiệu quả đang là vấn đề mà ngành giáo dục hết sức quan tâm, nhất là trước thực trạng hàng loạt sự việc về bạo lực học đường, rối loạn tâm lý học sinh, áp lực trong học tập… có chiều hướng gia tăng như hiện nay.
Giáo viên phải kiêm nhiệm hai vai
Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội thấy rằng, học trò càng lớn, tâm sinh lý ngày càng phát triển dẫn đến những mối quan hệ, diễn biến tâm lý phức tạp. Các em thiếu kiến thức, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống trong các mối quan hệ xã hội nên mới dẫn đến trường hợp của nhóm học sinh nữ ở Trường THCS Trường Yên, huyện Chương Mỹ, chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội đã đánh hội đồng một em học sinh nữ. Những sự việc bạo lực học đường tương tự như trên sẽ giảm đáng kể nếu các em được tư vấn tâm lý kịp thời.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, thời gian qua, ngành giáo dục đã triển khai thành lập phòng tham vấn tâm lý học sinh trong các nhà trường. Tuy nhiên, qua khảo sát ngay tại các phòng giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, các trường đang đứng trước khó khăn về cả nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết: "Hoàng Mai là một quận phát triển nóng về đô thị hóa, quỹ đất dành cho trường lớp đang thiếu nhiều. Các trường tiểu học hầu hết phải học luân phiên, còn trường THCS đều học chia ca. Vì vậy việc bố trí thêm phòng tham vấn tâm lý học đường rất khó khăn. Quận cũng đã nghiên cứu ghép phòng học nhưng khi ghép phòng lại gặp một số bất cập. Về nguồn nhân lực, hiện tại, quận Hoàng Mai thiếu 172 giáo viên tiểu học, 124 giáo viên THCS. Thế nên, việc bố trí giáo viên có kiến thức, kỹ năng để kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh cũng rất nan giải".
Học sinh Trường THCS Chu Văn An ôn bài trước giờ học.
Để giải quyết vấn đề thiếu nhân sự, nhiều địa phương chọn cách mời chuyên gia tư vấn tâm lý phụ trách hoạt động của phòng tham vấn. Ba năm qua, quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo tới 3 cấp học thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường. Thực tế cho đến nay, các trường cấp THCS đều đã thành lập bộ phận tham vấn học đường, trong đó có sự tham gia của các thầy cô và có cán bộ phụ trách. Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất của từng trường mà thành lập phòng tham vấn riêng hoặc ghép phòng học. Phòng tham vấn của các trường hoạt động theo hai hình thức: Thường xuyên có phân công lịch trực giáo viên cụ thể hoặc định kỳ 2 lần/tháng. Ngoài cán bộ, giáo viên trong biên chế, các trường có kết hợp mời chuyên gia tư vấn. Tuy nhiên qua một thời gian triển khai, các phòng tham vấn vẫn loay hoay về vấn đề chuyên môn.
Cần thay đổi nhận thức cán bộ quản lý
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, làm thế nào để phòng tham vấn tâm lý phát huy tác dụng và hoạt động có hiệu quả mới là vấn đề quan trọng. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Phạm Thị Anh Đào, Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, bày tỏ kinh nghiệm: Ban tư vấn của nhà trường hoạt động theo cơ cấu ban giám hiệu, trong đó có thầy hiệu trưởng là trưởng ban, cô Anh Đào là phó ban kiêm cán bộ thường trực. Tiếp theo đó là tổ công tác gồm các thầy, cô chủ nhiệm và cô tổng phụ trách đoàn được đào tạo là cán bộ nguồn. Để tạo môi trường thân thiện, an toàn trong trường học, nhà trường tuyên truyền dưới nhiều hình thức: Trực tiếp đến các tiết sinh hoạt dưới cờ hoặc dạy tích hợp vào các môn học, mời chuyên gia tư vấn tâm lý tới tư vấn cho giáo viên và học sinh… Lãnh đạo nhà trường cũng kêu gọi sự tâm huyết, lòng vị tha, độ lượng, nhân hậu của các thầy cô để tạo sự gần gũi, thân thiện giữa học sinh và bộ phận tham vấn học đường.
Có mặt tại Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông, Cục Bảo vê%3ḅ, Chăm sóc trẻ em, Bô%3ḅ Lao đô%3ḅng, Thương binh và Xã hô%3bị (LĐTB&XH) mới thấy được nhu cầu cấp bách của việc thành lập phòng tham vấn học đường. Chuông điện thoại của đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 liên hồi đổ chuông. Chị Lê Thị Thảo, trưởng ca trực cho biết, từ năm 2012 đến nay, số ca gọi đến đường dây nhờ tư vấn tâm lý ngày một tăng. Trung bình mỗi ngày, trung tâm nhận được hàng trăm cuộc gọi. Theo số liê%3bụ thống kê, riêng tháng 9-2017, đường dây đã nhâ%3ḅn được 32.497 cuô%3ḅc gọi. Đối tượng gọi đến nhiều nhất là trẻ em, chiếm 69% trong tổng các cuô%3ḅc gọi. Các em gọi đến chủ yếu để được tư vấn, giải tỏa áp lực học tâ%3ḅp hay bày tỏ tình cảm về quan hệ giới tính, những thay đổi của tuổi dậy thì, bạo lực học đường, xâm phạm tình dục... Hơn chục năm công tác tại trung tâm, chị Thảo bị ám ảnh bởi nhiều câu chuyện đau lòng. Không ít em khi gọi đến trong tình trạng “chuyện đã rồi” mà không biết chia sẻ tâm lý cùng ai.
Năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương thành lập bộ phận tham vấn tâm lý cho học sinh ở các trường tiểu học, THCS, THPT. Bộ cũng vừa mới ban hành Thông tư 16 về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Tuy nhiên, trong thông tư này chỉ phân rõ giáo viên làm công tác kiêm nhiệm chứ không có biên chế riêng cho giáo viên phụ trách phòng tham vấn. TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, đây là rào cản làm hạn chế việc triển khai thành lập phòng tham vấn học đường. Trước những khó khăn ban đầu, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm, hiệu trưởng nhà trường phải đóng vai trò là nhà tâm lý để thay đổi tư duy, giải quyết công việc. Về vấn đề nhân sự, giáo viên kiêm nhiệm chưa có chuyên môn về tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng, tập huấn để phòng tham vấn hoạt động với tinh thần hiểu biết, chuyên nghiệp mà không phải vì thành tích thi đua.
Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI
Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/dung-ngai-kho-ma-khong-lam-523700