Đừng ngại nói: 'Làm ơn, đừng hút thuốc ở đây!'
Đó là câu nói mà tôi tin là rất nhiều người nên nói với những người hút thuốc lá ở nơi công cộng, nơi có đông người, nhất là có phụ nữ, trẻ em và người già yếu. Tuy nhiên, có một thực tế rằng: nhiều người biết hút thuốc lá thụ động ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vẫn ngại lên tiếng, ngại phản đối mà âm thầm chịu đựng.
Vài hôm trước, tôi có dịp hẹn một vài người bạn đi uống nước tại một quán cafe gần nhà. Sau những ngày làm việc căng thẳng, được đến một không gian xanh tươi, yên bình, uống một ly nước mát và trò chuyện với những người bạn mà mình yêu quý là khoảng thời gian thật tuyệt vời. Chúng tôi chọn một bàn ngay gần cửa, xung quanh đều là kính có thể nhìn xuyên thấu không gian xanh tươi, rộng lớn. Mọi thứ rất ổn cho đến khi có một vị khách nam ở bàn đối diện đột nhiên châm thuốc lá hút. Trong căn phòng kính kín, bật điều hòa, có 3 bàn khách, với khoảng 15 người. Chúng tôi ngồi cách xa một đoạn nhưng cũng cảm thấy rất khó chịu, ngột ngạt vì mùi thuốc lá. Nhưng tôi thấy kỳ lạ là những phụ nữ ngồi cạnh người đàn ông hút thuốc kia lại không tỏ thái độ gì. Họ vẫn vui vẻ, cười nói như không có chuyện gì xảy ra. Có lẽ họ đã quen với việc hít khói thuốc của người khác hoặc họ không thích nhưng cũng ngại lên tiếng, sợ người bạn của mình phật ý nên không nói gì chăng?
Những người bạn của tôi không thể chịu đựng được và muốn nói với nhân viên quán để họ yêu cầu người đàn ông kia dập tắt điếu thuốc. Cuối cùng, tôi đã đứng dậy và đi tới trước mặt anh ta nói: “Xin lỗi! Anh làm ơn đừng hút thuốc ở đây được không?”. Người đàn ông ngay lập tức xin lỗi tôi, rồi tắt điếu thuốc, bỏ vào gạt tàn.
Thật ra, chỉ cần mình mạnh dạn lên tiếng vì sức khỏe của chính bản thân thì mọi chuyện cũng không quá khó để giải quyết.
Tôi nghĩ hầu hết mọi người biết hút thuốc lá và hít phải khói thuốc lá rất có hại cho sức khỏe, nhưng nhiều người vẫn mang tâm lý ngại nói vì nhỡ gặp phải người ngang bướng, nóng tính họ không những không dập tắt điếu thuốc mà còn tỏ thái độ khó chịu với mình. Nên họ chọn im lặng, tránh đi nơi khác.
Chị Từ Huyền Trang, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) nói.
Có lần, tôi đưa con đi chơi ở siêu thị GO! Vừa tới cửa, tôi đã thấy một nhóm người ngồi ở ghế chờ dành cho khách vô tư hút thuốc lá. Điều đáng nói là xung quanh họ có nhiều trẻ em cũng đang ngồi chờ và nô đùa, thậm chí có cả một phụ nữ mang thai. Nhìn người phụ nữ trẻ đeo khẩu trang nhưng vẫn phải lấy tay cố gắng quạt mạnh để đuổi làn khói thuốc như bủa vây, tôi thấy lo lắng và bực mình thay. Thế nhưng không hiểu sao cô gái ấy vẫn không tỏ thái độ hay nói năng gì để bảo vệ chính bản thân và “mầm non” bé bỏng trong bụng mình. Tôi nghĩ có thể cô gái ấy ngại phiền phức, hoặc đã từng phản đối nhưng có lẽ không mang lại kết quả, hoặc cô gái ấy chưa hiểu hết những tác hại thực sự khi hút thuốc lá và người bên cạnh hít phải khói thuốc lá thụ động nên đã xem đó là chuyện thường.
Không ít lần đến bến xe, tôi vẫn thường thấy nhiều thanh niên vô tư hút thuốc, thậm chí khi ngồi cạnh phụ nữ, trẻ em họ vẫn vô tư nhả khói, nhưng rất ít khi tôi thấy có người mạnh dạn phản đối. Đến khi có nhân viên bán vé nhắc nhở, những người đàn ông mới cười nhẹ xin lỗi và dập thuốc.
Ở nơi công cộng như bến xe, bệnh viện, trường học, công sở hoặc các điểm giao dịch đông người đều có biển “cấm hút thuốc lá”, nhưng hầu như ngày nào cũng có người coi như không nhìn thấy tấm biển ấy và hút thuốc lá thản nhiên. Khi có ai đó hút thuốc lá thì người bên cạnh bị rơi vào thế ngửi khói thuốc một cách khó chịu, ngột ngạt.
Nếu chúng ta không dám lên tiếng để bảo vệ sức khỏe của chính mình thì sẽ khiến cho những người kia tiếp tục tái diễn ở nhiều nơi khác, với những người khác.
Chị Hoàng Nhị Khanh, ở phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) cho biết.
Đó là quan điểm rất đúng và cần được mọi người cùng hành động. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khói thuốc nhả ra môi trường còn độc hại hơn cả khói thuốc được người hút hít vào. Những người hít khói thuốc thụ động từ người khác đang hút cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Vậy nên mới xảy ra trường hợp nhiều người không hút thuốc nhưng vẫn mắc các bệnh mãn tính về phổi, gan… chỉ vì trong gia đình có người thường xuyên hút thuốc lá.
Hiện nay, số người bị ảnh hưởng tình trạng hút thuốc lá thụ động nhiều nhất có lẽ ở công sở, tại các buổi tiệc đông người và thậm chí là ngay ở gia đình. Cũng có người cho rằng, chỉ cần hút thuốc ở ngoài rồi vào nhà thì sẽ không ảnh hưởng đến vợ, con, nhưng họ không biết rằng, mùi khói thuốc lá vương trên quần áo, đầu tóc họ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe vợ con. Cũng có người cho rằng, dù không chịu nổi mùi thuốc lá nhưng mỗi khi bày tỏ sự phản đối, không những không nhận được sự đồng ý của đồng nghiệp, người thân, mà đôi khi còn gây căng thẳng các mối quan hệ nên đành chấp nhận. Lâu dần nhiều người xem việc ngửi khói thuốc lá là chuyện bình thường.
Vì một môi trường không khói thuốc lá, an toàn cho sức khỏe mọi người, những người hút thuốc thụ động nơi công cộng cần mạnh dạn phản đối, đừng chấp nhận “sống chung” với khói thuốc lá. Có như vậy mới hy vọng số người hút thuốc lá sẽ giảm đi, góp phần làm trong sạch môi trường sống, hạn chế tác hại đến sức khỏe.
Ảnh: Nguồn IT
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dung-ngai-noi-lam-on-dung-hut-thuoc-o-day-post385257.html