Đừng ngủ khi đèn còn sáng
Chúng ta tiếp xúc với rất nhiều ánh sáng vào ban đêm như ánh đèn chiếu qua cửa sổ, tivi, điện thoại di động và điều này không tốt cho giấc ngủ của bạn.
Nghiên cứu mới đây cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm trong vài giờ trước khi ngủ và trong khi ngủ có thể gây ra nhiều bất lợi cho sức khỏe.
Ánh sáng là bộ điều chỉnh chính của đồng hồ sinh học trong não.
“Ánh sáng mạnh giúp đồng bộ hóa nhịp điệu sinh học nhưng sẽ không xảy ra nếu không đúng thời điểm”, Phyllis Zee, nhà thần kinh học, giám đốc Trung tâm Y học Sinh học và Giấc ngủ tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern, cho biết.
Trong một nghiên cứu năm 2022, Zee và các đồng nghiệp đã kiểm tra mức độ tiếp xúc với ánh sáng sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh học của 20 thanh niên khỏe mạnh khi ngủ như thế nào.
Họ để nhóm tham gia thí nghiệm dành một đêm để ngủ trong ánh sáng lờ mờ giống ánh hoàng hôn, tiếp đến là một đêm với ánh đèn trần. Zee cho biết đèn trên trần phát ra ánh sáng gần giống ánh sáng ở hành lang khách sạn, nhưng không đủ thoải mái cho việc đọc.
Một nhóm khác dành cả 2 đêm để ngủ trong ánh sáng lờ mờ.
Những người tham gia ngủ với đèn sáng có giấc ngủ ngon nhưng các bản ghi não bộ cho thấy họ dành ít thời gian hơn cho giấc ngủ với sóng chậm và chuyển động mắt nhanh, đây là những giai đoạn nghỉ ngơi quan trọng đối với chức năng nhận thức.
Tác động lên quá trình trao đổi chất và tim còn ấn tượng hơn khi các mẫu máu chỉ ra một đêm ngủ dưới ánh đèn trong phòng làm tăng tình trạng kháng insulin, điều này rất quan trọng đối với việc kiểm soát lượng đường trong máu vào sáng hôm sau.
Nhưng điều ngạc nhiên nhất đối với các nhà nghiên cứu là mức độ tiếp xúc với ánh sáng đã ảnh hưởng đến nhịp tim.
“Nhịp tim tăng cao cả đêm, điều đó thật kỳ lạ", ông Zee nói.
Mắt nhắm, não vẫn nhận được ánh sáng
Những kết quả này cho thấy ngay cả khi nhắm mắt não của chúng ta vẫn có thể nhận biết được ánh sáng tương đối yếu. Điều này có thể khiến hệ thống chiến đấu hoặc bỏ chạy tự động của não tăng tốc ở mức thấp.
Mặc dù nghiên cứu được thực hiện với một nhóm nhỏ những người trẻ và khỏe mạnh, nhưng một nghiên cứu khác gần đây cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng trong khi ngủ thậm chí có thể gây bất lợi hơn cho những người lớn tuổi.
Nghiên cứu năm 2022 với sự tham gia của hơn 550 người, từ 63 tuổi trở lên, phát hiện ra bất kỳ việc tiếp xúc với ánh sáng nào trong khi ngủ đều liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và cao huyết áp cao hơn.
Trong một nghiên cứu khác cũng cho thấy ngủ với một chút ánh sáng trong phòng cũng làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Kenji Obayashi, nhà nghiên cứu dịch tễ học về nhịp sinh học tại Đại học Y Nara, Nhật Bản đã thực hiện một nghiên cứu năm 2019, với hơn 1.100 người tham gia lớn tuổi, và nhận thấy việc tiếp xúc với ánh sáng trong vài giờ trước khi thức dậy có liên quan đến chứng rối loạn giấc ngủ nhiều hơn.
Các cảm biến chuyên dụng trong võng mạc của chúng ta có kết nối trực tiếp với nhân siêu âm và đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng có bước sóng ngắn - còn được gọi là ánh sáng xanh.
Ánh sáng không cần phải có màu xanh để chứa ánh sáng có bước sóng ngắn như đèn LED có màu trắng nhưng chứa nhiều ánh sáng có bước sóng ngắn.
“Chúng rất hiệu quả trong việc báo cho đồng hồ sinh học của chúng ta biết chưa đến giờ đi ngủ”, Christine Blume, nhà khoa học về giấc ngủ tại Trung tâm Thời gian sinh học tại Đại học Basel, cho biết.
Rối loạn chức năng sức khỏe vì ánh sáng khi ngủ
Vào buổi sáng, ánh sáng có bước sóng ngắn như ánh sáng mặt trời giúp chúng ta thức dậy và điều chỉnh đồng hồ bên trong cơ thể với môi trường bên ngoài. Nhưng ánh sáng vào đêm muộn sẽ làm chậm nhịp sinh học và khiến nó không đồng bộ.
Bà Blume cho biết ánh sáng cũng ngăn chặn cơ thể tiết ra melatonin, hormone của bóng tối mà tuyến tùng tạo ra trong ánh sáng mờ để chuẩn bị cho cơ thể đi vào giấc ngủ.
Đồng thời, ánh sáng làm giảm cơn buồn ngủ và kích hoạt chúng ta điều này hữu ích vào buổi sáng và ban ngày nhưng lại không tốt khi bạn muốn ngủ.
Kiểu phá vỡ đồng hồ sinh học có thể dẫn đến một loạt vấn đề bao gồm rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm trạng, suy giảm nhận thức, rối loạn chức năng trao đổi chất và nguy cơ ung thư.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-ngu-khi-den-con-sang-post1382003.html