Dùng người tài thì phải dùng được cả những điều chưa có tiền lệ

Cùng với cuộc cách mạng sắp xếp lại bộ máy hành chính trên khắp cả nước cũng như cải cách về thể chế pháp lý, những thay đổi trong cơ chế và chính sách tuyển dụng công chức, viên chức cũng đang được Đảng và Chính phủ tích cực thúc đẩy nhằm thu hút người giỏi và tâm huyết với sự phát triển của đất nước vào làm việc cho các cơ quan và đơn vị của Nhà nước.

Đây là sự thay đổi rất quan trọng, vì con người là yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công của chính sách cải cách mới nhằm đưa Việt Nam trở nên hùng cường.

Tuy nhiên, việc tuyển được người có tài và đức vào làm việc cho Nhà nước vẫn chưa đủ, mà điều quan trọng hơn là có cơ chế để những tài năng này phát huy được hết khả năng và sở trường của mình để phục vụ đất nước. Đây cũng chính là nhiệm vụ được Tổng Bí thư Tô Lâm giao cho Bộ Nội vụ tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 57 của Trung ương Đảng, đó là phải xây dựng “quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và quy trình tuyển dụng tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng để triển khai các hệ thống chiến lược, các sáng kiến đột phá...”.

Ý tưởng thu hút nhân tài vào làm việc cho các cơ quan nhà nước không mới, mà đã được thí điểm ở nhiều địa phương trong nhiều năm qua, nhưng hầu như không ai phát huy được khả năng của mình.

Một điều dễ nhận ra là người có tài thường có những ý tưởng và cách làm khác với số đông. Nếu những ý tưởng và cách làm này của họ phải đưa ra lấy ý kiến của tập thể thì khả năng cao sẽ bị gạt bỏ bởi những cái đầu trì trệ và bảo thủ. Vì vậy, để người tài phát huy được khả năng và sở trường của mình thì cần có cơ chế để có thể dung nạp cả những lối nghĩ và cách tiếp cận, cách làm “khác người” của họ.

Giải pháp được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 57 là “trao cho họ đủ thẩm quyền, nguồn lực để quy tụ lực lượng, dẫn dắt và chịu trách nhiệm cao nhất về sự thành công của các chương trình, nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Vì theo Tổng Bí thư Tô Lâm “chỉ có đổi mới tư duy, đổi mới cách tiếp cận và dám làm điều chưa có tiền lệ, chúng ta mới có thể đưa đất nước tiến xa hơn”.

Một vấn đề cần xem xét nữa là tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chức làm lãnh đạo, quản lý. Theo Nghị định 29/2024/NĐ-CP của Chính phủ, một trong những yêu cầu chung đối với chức danh lãnh đạo quản lý là phải “có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng...”. Lâu nay tiêu chuẩn này thường được các ngành, các cấp hiểu là phải có chứng chỉ lý luận chính trị cao cấp và đồng thời phải là đảng viên. Việc nới lỏng những tiêu chuẩn không thuộc về chuyên môn và đạo đức sẽ làm tăng khả năng chọn lựa được người tài giỏi cho các chức danh lãnh đạo, quản lý của cơ quan nhà nước.

Đây là việc làm có lợi cho đất nước. Vì người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có vai trò rất quan trọng và có tính chất quyết định đối với hiệu quả hoạt động của từng đơn vị. Hơn nữa, chỉ những người lãnh đạo, quản lý giỏi thì mới dễ dung nạp được nhân tài, cũng dễ chấp nhận những ý tưởng “khác người” và dám làm điều chưa có tiền lệ để đưa đất nước tiến xa hơn.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dung-nguoi-tai-thi-phai-dung-duoc-ca-nhung-dieu-chua-co-tien-le/