Dựng nhà, giữ nghĩa, nuôi hy vọng

Sống giữa đời thường, những người lính năm xưa vẫn lặng thầm đi tiếp 'trận tuyến' của yêu thương. Bằng những viên gạch, bằng nghĩa tình, họ đang dựng nên những mái nhà không chỉ che nắng, mưa mà còn dựng xây niềm tin cho những phận người từng đi qua bão giông của đời.

Ông Nguyễn Văn Cao (thứ 2 từ trái qua) chụp ảnh bên căn nhà được hỗ trợ xây dựng

Ông Nguyễn Văn Cao (thứ 2 từ trái qua) chụp ảnh bên căn nhà được hỗ trợ xây dựng

MÁI NHÀ - ĐIỂM TỰA SAU LƯNG NGƯỜI LÍNH

Khi hỏi về căn nhà nghĩa tình đồng đội, ông Nguyễn Văn Cao - cựu chiến binh sinh năm 1958, hiện sống tại Tổ dân phố 32, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng ngập ngừng một thoáng rồi mỉm cười hiền hậu: “Tôi nhớ cái ngày nhận căn nhà ấy như nhớ một ngày đổi đời. Không phải vì ngôi nhà mới đẹp, mà vì tôi cảm nhận được mình không bị bỏ lại phía sau...”. Ngôi nhà nhỏ 35 m2 được trao cho ông vào năm 2022, giữa lúc dịch COVID-19 còn hoành hành, khi mọi thứ mong manh nhất. Trước đó, gia đình ông sống trong căn nhà ván lụp xụp, mưa dột, gió lùa. Vậy mà giờ đây, nhờ Quỹ xóa nhà tạm của Hội Cựu chiến binh tỉnh cùng sự góp sức của hội viên chi hội, gia đình ông đã có một mái ấm đúng nghĩa, một nơi để yên tâm trở về, để tiếp tục hy vọng.

Ông Cao từng là lính Tiểu đoàn 840, nhập ngũ đầu những năm 1980 và xuất ngũ năm 1985. Trở về đời thường cùng chế độ mất sức lao động kéo dài 9 năm, ông đối mặt với muôn vàn khó khăn. Có lúc, cả gia đình mưu sinh bằng những chuyến đi bán rong ven đường. Thế nhưng, vợ chồng ông vẫn gắng gượng, chắt chiu từng đồng từ mảnh rẫy cà phê chưa đầy một sào để nuôi bốn người con học đại học, tất cả đều đỗ đạt.

Ông Nguyễn Văn Cao

Ông Nguyễn Văn Cao

Đằng sau sự kiên cường ấy là tinh thần không khuất phục, là lòng tin vào sự tử tế và đặc biệt là sự đồng hành của Hội Cựu chiến binh. “Tình đồng chí, đồng đội chưa bao giờ là điều xa vời, nó là hơi ấm sẻ chia giữa đời thường”, ông Cao nói chậm rãi, ánh mắt ánh lên niềm tự hào lặng thầm.

Chia sẻ về hành trình chăm lo hội viên, ông Nguyễn Thành Đô - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đức Trọng, bày tỏ: “Chúng tôi luôn quan niệm, mỗi mái nhà không chỉ là chốn ở, mà còn là điểm tựa tinh thần để anh em cựu binh vượt qua hoàn cảnh”. Không dừng ở lời nói, những con số cụ thể là minh chứng rõ nét cho sự vào cuộc trách nhiệm của Hội. Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ xây mới 3 căn nhà, sửa chữa 3 căn khác với tổng kinh phí hơn 550 triệu đồng. Những mái ấm ấy không chỉ được dựng từ gạch ngói mà còn từ tình đồng đội keo sơn, từ sự sẻ chia của cộng đồng. Trong tổng số 3.160 hội viên trên địa bàn huyện, đến nay chỉ còn 4 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo và 10 hộ đang cần xóa nhà tạm - một "con số biết nói", phản ánh nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, mà trong đó, vai trò kết nối của Hội Cựu chiến binh là một “mắt xích” bền vững, đưa những người lính năm xưa vững vàng bước tiếp trong thời bình.

Ông Nông Văn Huyền (giữa) cùng hội viên cựu chiến binh trong căn nhà nghĩa tình

Ông Nông Văn Huyền (giữa) cùng hội viên cựu chiến binh trong căn nhà nghĩa tình

MÙA TẾT Ở LẠI TRONG CĂN NHÀ NHỎ

Ở xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, câu chuyện về ông Nông Văn Huyền, người dân tộc Tày gốc Cao Bằng, là minh chứng khác cho tinh thần đồng đội chưa từng nguội lạnh. Nhập ngũ năm 1983 tại Trung đoàn 750, đến năm 1986, ông xuất ngũ và cùng gia đình rời quê đến Lâm Hà lập nghiệp. Nhưng cuộc sống nơi đất mới không dễ dàng. Gia đình ông từng sống hơn 20 năm trong cảnh nghèo, vợ mang bệnh nan y, 3 người con chưa có công việc ổn định. Nhà ở chỉ là chòi tạm giữa vườn cà phê, mưa gió lùa qua.

Dù cuộc sống vất vả, nhưng ông Huyền vẫn luôn nuôi hy vọng và sự kiên cường chưa bao giờ tắt. Và rồi, một dấu mốc quan trọng đã đến, thay đổi cuộc đời ông. Một căn nhà 28 m2 đã kịp trao tận tay ông chỉ một ngày trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 - món quà bất ngờ và cảm động. Trị giá 60 triệu đồng, căn nhà được dựng từ lòng người và ngày công của bà con đồng đội. Ông Huyền nghẹn ngào: “Chiều 29 Tết, khi cầm chìa khóa căn nhà mới, tôi như không tin vào mắt mình. Vợ tôi thì cứ đứng mãi trước bậc cửa, tay vuốt lên tường gạch, nước mắt rơi lặng lẽ. Bà ấy nói, mấy mươi năm rồi, lần đầu tiên Tết đến mà không còn nghe tiếng gió rít qua tấm bạt”.

Ông Nông Văn Huyền

Ông Nông Văn Huyền

Theo ông Nguyễn Ngọc Phi - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Lâm Hà, không chỉ đơn thuần là hỗ trợ vật chất, mỗi mái ấm được dựng lên còn là biểu hiện tình đồng đội là cách những người lính tiếp tục gìn giữ nghĩa tình trong thời bình. Từ năm 2020 - 2024, Hội đã vận động xây dựng 9 căn nhà mới và sửa chữa một căn bị hư hỏng do thiên tai với tổng kinh phí hơn 620 triệu đồng. Năm 2025, toàn huyện chỉ còn 4 hội viên cần hỗ trợ nhà ở. Trong đó, 2 căn đã hoàn thành với trị giá 110 triệu đồng; 2 căn còn lại dự kiến sẽ được bàn giao trong tháng 6 tới. “Chúng tôi đi từng hộ, lắng nghe từng hoàn cảnh. Những câu chuyện như của ông Huyền đã thôi thúc anh em góp công, góp sức. Việc hỗ trợ nhà không chỉ là trách nhiệm, mà còn là nghĩa cử tiếp nối truyền thống của người lính năm xưa”, ông Nguyễn Ngọc Phi chia sẻ.

Không ngôi nhà nào giống nhau, cũng như không có đời người nào lặp lại. Nhưng mỗi căn nhà nghĩa tình đồng đội đều được dựng từ lòng nhân ái, sẻ chia và lời thề không quên giữa những người từng chiến đấu, nay cùng gánh vác hậu phương. Khi mái ngói được lợp lên bằng nghĩa tình, đó không chỉ là xóa đi một căn nhà tạm mà còn là viết tiếp ký ức hòa bình. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Lâm Đồng (3/4/1975 - 3/4/2025) và 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), những mái nhà ấy như một lời nhắc nhở sâu sắc rằng, tình đồng đội không nằm lại nơi chiến trường xưa, mà đang tiếp tục hồi sinh trên từng mái ấm hôm nay.

HƯƠNG LY

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202505/dung-nha-giu-nghia-nuoi-hy-vong-99a1d79/