Đừng nuôi dạy con thành đứa trẻ hư
Theo trang Parents, nguyên nhân chính khiến trẻ trở nên hư hỏng thường xuất phát từ cách giáo dục quá nuông chiều.
Christina Ali (Mỹ) thừa nhận rằng Issac, cậu con trai 7 tuổi của cô, được nuông chiều.
Ali biết chính xác lý do. Khi Issac còn học mẫu giáo, Ali đang theo học đại học và phải chăm sóc cặp song sinh bên dưới Issac. Quá sức, người mẹ này dần dần chiều theo mọi mong muốn của Issac để tránh những cơn hờn dỗi của cậu.
Ali không đơn độc. Trong một khảo sát của Parents, 42% độc giả thừa nhận con họ được nuông chiều và 80% cho rằng việc nuông chiều con sẽ ảnh hưởng đến chúng trong tương lai.
"Bạn sẽ gây hại cho con nếu chúng bước vào thế giới với suy nghĩ mọi thứ xoay quanh chúng", tiến sĩ Louis J. Lichtman, tác giả cuốn Hướng dẫn thực tế nuôi dạy trẻ tự tin và chu đáo, chia sẻ.
Nếu con bạn hành động như thể mình là trung tâm, vẫn chưa muộn để thay đổi hành vi này bằng những phương pháp điều chỉnh thái độ.
Nguyên nhân khiến trẻ hư
Nguyên nhân chính khiến trẻ trở nên hư hỏng thường xuất phát từ cách giáo dục quá nuông chiều.
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), việc không thiết lập kỷ luật hoặc ranh giới rõ ràng có thể dẫn đến hành vi ích kỷ, thiếu trưởng thành ở trẻ.
Nhiều trẻ hư hỏng thường được mô tả là được nuông chiều quá mức, ích kỷ và/hoặc tự ái.
Tuy nhiên, cha mẹ lại tránh đặt ra các quy tắc hoặc chiều theo con vì nhiều lý xuất phát từ ý tốt. Ví dụ, cha mẹ muốn làm hài lòng con và tạo ra những kỷ niệm hạnh phúc, mong muốn những chuyến đi mua sắm, ăn uống diễn ra suôn sẻ và không phiền phức. Hơn nữa, chiều theo con thường dễ dàng hơn so với việc nói không.
Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ cũng cảm thấy áy náy về thời gian họ dành cho con cái quá ít. Điều này dễ hiểu.
"Khi bạn chỉ có vài giờ mỗi ngày dành cho, bạn sẽ không muốn phá hỏng niềm vui", tiến sĩ Lichtman nói.
Không có gì sai khi thỉnh thoảng bạn mua cho con một món đồ chơi nhỏ trong khi đi siêu thị hoặc đưa con đến sở thú như một món quà đặc biệt. Nhưng bạn sẽ tăng nguy cơ tạo nên một đứa trẻ hư nếu bạn làm những điều này để đáp ứng đòi hỏi không ngừng của chúng.
Theo Parents, dấu hiệu của một đứa trẻ được nuông chiều quá mức bao gồm: Kiểm soát bản thân kém, thường xuyên gây hấn, ích kỷ, bốc đồng, nổi loạn, kiêu ngạo và thích kiểm soát.
Trẻ sẽ duy trì các hành vi trên nếu tiếp tục được nuông chiều và cha mẹ không liết lập ranh giới, kỷ luật rõ ràng. Điều này có thể gây ra vấn đề cho trẻ khi chúng bắt đầu đến trường, thậm chí cả khi trưởng thành.
Phải làm gì?
Lời xin lỗi chân thành là điều cần thiết, chẳng hạn khi bạn mất bình tĩnh hay vô tình vứt bỏ bức tranh của con.
Tuy nhiên, cha mẹ không nên cảm thấy có lỗi vì không thể mua cho con một món đồ chơi mới hay đôi giày hiệu đắt tiền.
Thấu hiểu nỗi thất vọng của con là tốt, nhưng đừng quá nhấn mạnh vào lý do khiến con buồn. Bạn chỉ cần nói đơn giản như: "Mẹ biết con buồn vì không thể mua đôi giày đó, nhưng nó không nằm trong ngân sách của nhà mình".
Giúp con chấp nhận rằng chúng không thể có mọi thứ mình muốn là một bài học quan trọng trong cuộc sống.
Nếu trẻ vẫn kiên quyết muốn đôi giày ưa thích, bạn có thể gợi ý việc con có thể tiết kiệm tiền để mua nó. Cách này giúp con có cơ hội tham gia vào quyết định và hiểu những thứ đặc biệt cần phải nỗ lực để đạt được thay vì có được dễ dàng.
Không cha mẹ nào thích nghe con mình gào khóc. Tuy nhiên, nhượng bộ chỉ khiến tình trạng tồi tệ hơn. Lý do chính khiến trẻ tiếp tục hờn dỗi là chúng thấy hiệu quả. Ngược lại, nếu bạn cố tình không đáp lại hành vi giận dữ, nó sẽ dần dần biến mất.
Amy McCready, người sáng lập Positive Parenting Solutions, khuyên nếu ở nhà, bạn hãy bỏ qua việc con hờn dỗi, miễn là không có nguy cơ con làm tổn thương chính mình hoặc người khác.
Ở nơi công cộng, cha mẹ hãy đưa con đến nơi riêng tư để chúng có thể tự bình tĩnh.
Khi trẻ nhận ra rằng bạn sẽ không bị "thao túng" khi chúng làm ầm lên, chúng sẽ ít có khả năng lặp lại hành vi này trong tương lai.
Trẻ em được nuông chiều thường cảm thấy có quyền có được thứ mình muốn, thậm chí phải ngay lập tức.
Vì vậy, việc từ chối hoặc ít nhất là trì hoãn những điều con muốn sẽ giúp trẻ phát triển tính kỷ luật, dạy chúng trân trọng hơn những thứ được nhận.
Điều quan trọng, cha mẹ phải làm gương để dạy con cách kiềm chế. Bạn hãy tìm kiếm những cơ hội để trẻ thấy bạn chờ đợi những thứ bạn muốn. Ví dụ, bạn thấy một chiếc quần jeans ở cửa hàng nhưng bạn quyết định không mua, hãy cho con bạn biết lý do.
Hãy nói "chiếc quần đó vừa vặn, nhưng chiếc quần cũ của mẹ trông vẫn đẹp" hoặc "mẹ sẽ đợi đến khi chúng giảm giá".
Một đứa trẻ được thưởng cho mọi thành tích nhỏ sẽ bắt đầu mất đi động lực tự nhiên để vượt lên trong mọi việc.
Ngược lại, những lời khen ngợi cụ thể sẽ in sâu trong tâm trí trẻ lâu hơn và thúc đẩy động lực của chúng. Điều này cũng rất tốt để xây dựng lòng tự trọng cho trẻ.
Tất nhiên, không có gì sai khi bạn ghi nhận thành tích của con, miễn là bạn coi việc ghi nhận là một sự ăn mừng chứ không phải phần thưởng.
Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-nuoi-day-con-thanh-dua-tre-hu-post1453234.html