'Đứng ở Việt Nam có thể thấy cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn'
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018, chiều 13/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: 'Khi đứng ở Việt Nam, các bạn có thể nhìn thấy cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới. Đặc biệt thị trường ASEAN, Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất, đồng thời có vị trí địa chiến lược tối ưu, chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được'.
Đích đến của các dòng đầu tư
Trước 1.300 đại biểu, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư trong nước và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018 chính là cơ hội tuyệt vời để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng "kết nối và sáng tạo" để mở ra cơ hội hợp tác mới trong niềm tin hứng khởi tan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Thủ tướng cho biết, môi trường chính trị - xã hội của Việt Nam luôn được đánh giá là ổn định trong khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh nền chính trị - xã hội của một số nước thường rơi vào bất ổn.
Trên nền tảng kinh tế mở và hội nhập, Việt Nam có quan hệ thương mại với 200 nước và vùng lãnh thổ; có trên 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn. Nhiều nông sản giữ vị trí top trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, hạt điều, cá ba sa, tôm...
"Khi đứng ở Việt Nam, các bạn có thể nhìn thấy cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới. Đặc biệt thị trường ASEAN, Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất, đồng thời có vị trí địa chiến lược tối ưu, chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được", Thủ tướng nói.
Một trong lĩnh vực mà Thủ tướng lưu ý tới cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước là “mỏ vàng” nông nghiệp tại Việt Nam với tiềm năng chưa được khai thác hết sẽ là tiềm năng thu hút đầu tư và hợp tác rất lớn. Bên cạnh đó là tiềm năng từ lĩnh vực du lịch, CNTT trong thời đại 4.0.
Các cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thời gian tới cũng được TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị.
Theo ông Lộc, chương trình cải cách và triển vọng phát triển của Việt Nam gắn kết với các chuỗi giá trị toàn cầu, cơ hội kinh doanh với Việt Nam trong kỷ nguyên số, đặc biệt là các dự án đổi mới sáng tạo.
“Các cơ hội đầu tư tài chính trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có các dự án phát triển cơ sở hạ tầng số trong nền kinh tế… là những lĩnh vực được dự báo sẽ có sự phát triển bùng nổ trong một nền kinh tế có tốc độ phát triển cao và hội nhập mạnh mẽ như Việt Nam”, ông Lộc nói.
Các cơ hội này càng lớn hơn, trong bối cảnh xung đột thương mại trong nền kinh tế toàn cầu có diễn biến phức tạp và chính sách hướng Nam mới ở các nền kinh tế Đông Bắc Á đang được tăng tốc, và Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một điểm đến thân thiện, an toàn.
Trong bài phát biểu chào mừng “Vai trò mới của Việt Nam trong ASEAN”, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borge Brende cho biết, WEF vừa kết thúc với nhiều thông điệp và hình ảnh đẹp về thành tựu kinh tế và con người Việt Nam, với những bài học được đưa ra cho các nền kinh tế đang phát triển khác.
“Việt Nam được coi như những điểm sáng đích đến của các dòng đầu tư. WEF đã chứng kiến sự tăng trưởng của Việt Nam với GDP tăng gần gấp đôi trong tám năm, giá trị thị trường chứng khoán Việt Nam trên thế giới cũng tăng hai lần. Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 7% cho thấy đất nước đang phát triển vững chắc”, ông Borge Brende chỉ dẫn.
Chủ tịch WEF cũng nhấn mạnh thương mại là lĩnh vực mà Việt Nam phát triển nhanh và mạnh. Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ thương mại tự do lớn nhất và mạnh nhất trên toàn thế giới; tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do trên toàn thế giới. Và gần đây nhất ví dụ chúng tôi đưa ra là CPTPP. Chính phủ hiện nay cũng có những bước đi để cải cách doanh nghiệp Nhà nước, đang tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước, tăng cường quản trị. Chính phủ Việt Nam cũng có bước đi tốt để đơn giản hóa thủ tục đầu tư ở Việt Nam.
Khuyến khích mô hình hợp tác công - tư
Tại Hội nghị, mô hình hợp tác công-tư được cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm.
Trả lời câu hỏi của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam về việc tại sao Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà WEF chọn là đối tác theo mô hình hợp tác công - tư để trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, ông Borge Brende cho rằng đó là từ “kết quả cực kỳ ấn tượng trong một vài thập kỷ qua ở Việt Nam”, trong đó có xóa đói giảm nghèo, quá trình phát triển công nghiệp thành quốc gia xuất khẩu; có những bước đi quan trọng cho tương lai sản xuất của Việt Nam.
“Ngài Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh, chúng ta cần có các bước quan trọng để thực hiện vì thế giới thay đổi rất nhanh với công nghệ, phương tiện mới mà chưa từng tồn tại 20 năm trước đây. Việt Nam tỏ ra rất quan tâm với WEF ASEAN trong 3 ngày qua và mong muốn là nước phát triển nhanh. Nếu hai bên có một văn bản như vậy và tại thì sao không thúc đẩy?!”, ông Borge Brende nói.
Chia sẻ với Hội nghị, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng Việt Nam rất có “duyên” với WEF. Theo đó, Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã lấy các chuẩn mực tiên tiến trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF làm mục tiêu phấn đấu.
Chương trình tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay của Việt Nam cũng được thiết kế trên cơ sở tham khảo Báo cáo về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và WEF đã chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên để ký kết thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công - tư.
“Hai năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều cuộc thảo luận nhất về Cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng được kỳ vọng là quốc gia có thể hiện thực hóa để bứt phá theo trào lưu của cuộc cách mạng này”, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Đại diện VCCI cho biết, theo báo cáo của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu vừa công bố vào năm nay, chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Kết quả nghiên cứu của AlphaBeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đó là những lợi thế mới của Việt Nam trong nền kinh tế số, bên cạnh những lợi thế truyền thống.
Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo
Một tin vui đến cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trên lĩnh vực năng lượng tái tạo là tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
“Việt Nam khuyến khích năng lượng tái tạo, hướng đến một nền năng lượng sạch mà Việt Nam có nhiều tiềm năng như năng lượng mặt trời. Chính phủ Việt Nam sẽ công bố mức giá công khai minh bạch để người mua và sản xuất điện gió, điện khí đều chấp nhận được. Chúng tôi sẽ làm để công bố thông tin sớm nhất về kế hoạch này”, Thủ tướng cho biết.
Mong muốn tập đoàn, doanh nghiệp FDI cởi mở hơn về chính sách cung ứng
Nhắc lại chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam lần này là "Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu", Thủ tướng nêu một số thực tế mà Việt Nam gặp phải, như Việt Nam chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu đơn giản như lắp ráp, đóng gói sản phẩm. Đây chỉ là những mắt xích thấp trong của chuỗi cung ứng thường có giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững.
Do đó, mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đặt ra chính là nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.
Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các tập đoàn quốc tế tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đặt niềm tin nhiều hơn vào doanh nghiệp Việt Nam.
“Về phía doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi xác định phải tự nâng cấp mình, cải thiện năng lực quản trị và độ tinh thông trong hoạt động. Thay đổi các giá trị và tầm nhìn dài hạn. Về phía Chính phủ sẽ cam kết đóng vai trò kiến tạo phát triển đồng hành cùng các bạn trong toàn bộ tiến trình”, Thủ tướng nhấn mạnh.