Dựng rào đường gây ùn tắc giao thông: Đơn vị thi công thiếu trách nhiệm
Nhiều tháng qua, Hà Nội lâm vào cảnh ùn tắc giao thông (UTGT) nặng nề trên một số tuyến đường do dựng rào chắn công trường thi công. Người dân vô cùng bức xức vì không hề được thông báo trước.
Như bị “đánh úp”
Sáng 5/11, đường Nguyễn Xiển, đoạn từ Linh Đàm đến Nguyễn Trãi đột ngột mọc lên nhiều điểm rào chắn, có vị trí chiếm hết 2/3 lòng đường, gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Không chỉ chật vật với UTGT, người dân còn vô cùng bức xúc vì không biết đó là rào chắn phục vụ công trình gì, dựng lên từ lúc nào, phương tiện phải di chuyển ra sao để tránh ùn tắc.
Tại các vị trí rào chắn cũng không hề có người của đơn vị thi công hướng dẫn giao thông, một số còn không có hoạt động xây dựng nào. Hậu quả là đường Nguyễn Xiển, dù trong ngày thứ Bảy vẫn ùn tắc từ sáng sớm đến chiều tối. Các điểm có rào chắn, xe cộ chen chúc nhích qua từng mét. Lực lượng Thanh tra Sở GTVT, CSGT căng mình điều tiết vẫn không giải tỏa hết được ùn tắc.
Anh Trần Hồng Phong (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) bức xúc nói: “Không hiểu các đơn vị thi công cái gì mà như “đánh úp” dân. Nếu biết trước đường Nguyễn Xiển có thêm rào chắn tôi đã chọn đường khác để tránh”.
Chị Nguyễn Thị Trang (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) nói: “Mấy “lô cốt” dựng lên cả năm nay chưa thu lại khiến chúng tôi khổ sở chật vật từng ngày. Bây giờ lại thêm rào chắn nữa mà không biết đến bao giờ mới dỡ bỏ. Chủ đầu tư và nhà thầu không tôn trọng dân, cứ được việc mình, không thông báo cho người dân biết”.
Qua tìm hiểu được biết, các vị trí rào chắn trên đường Nguyễn Xiển là để phục vụ thi công một số hạng mục của dự án Nhà máy nước thải Yên Xá. Thời gian qua, dự án này đã liên tiếp lập rào chắn trên các tuyến đường: Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông), Kim Giang, Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân).
Và hầu như nơi nào cũng rập khuôn như nhau, không thông báo với người dân, không có người hướng dẫn giao thông. Có nơi như trên đường Vũ Trọng Khánh, rào chắn nhiều điểm nhưng không thi công. Hai năm qua tuyến đường vốn rộng và đẹp này trở nên ùn tắc, nhếch nhác, mất ATGT, gây rất nhiều khó khăn cho người dân.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã yêu cầu chủ đầu tư dự án và các nhà thầu nghiêm túc thực hiện cam kết, dỡ bỏ rào chắn tại các vị trí đã thi công xong, đẩy nhanh tiến độ công trình. Tuy nhiên, các “lô cốt” trên đường Vũ Trọng Khánh nhiều ngày qua vẫn tồn tại, mặc cho người dân khổ sở vì UTGT.
Bà Trần Thị Hiền (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho biết: “Chúng tôi không được thông báo gì về việc dựng rào trên đường Vũ Trọng Khánh. Mấy năm rồi, rào chắn vẫn ở đó, không thấy máy móc, công nhân đâu, chỉ thấy người dân đi lại quá khổ, mà cũng chẳng ai cho biết đến khi nào mới dỡ rào”.
Ai chịu trách nhiệm?
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, việc dựng rào chắn trên đường để phục vụ thi công các công trình hạ tầng là khó tránh khỏi gây cản trở giao thông. Nhưng dựng rào không thông báo cho người dân, không thực hiện các quy định về đảm bảo trật tự, ATGT là thiếu trách nhiệm, vô cảm. Các vị trí rào chắn trên đường Nguyễn Xiển, Vũ Trọng Khánh… không hề thấy người của đơn vị thi công tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông, hệ thống cảnh báo rất sơ sài.
“Người dân bức xúc vì ùn tắc một phần, phần khác là bất bình vì bị chủ đầu tư và nhà thầu coi thường. Vì vậy, khi UTGT kéo dài ngày này sang ngày khác, người dân không những không cảm thông chia sẻ mà còn phản ứng mạnh mẽ” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Không chỉ người dân mà ngay cả lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn với các rào chắn nói trên. Đại diện Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, việc dựng rào chắn liên tiếp trên một tuyến đường đông đúc, để kéo dài hàng năm trời khiến UTGT gia tăng nghiêm trọng. CSGT cố gắng hết sức nhưng nhiều thời điểm vẫn “bó tay” với ùn tắc trên đường Nguyễn Xiển, Vũ Trọng Khánh…
Theo quy định, các dự án khi buộc phải rào chắn lòng đường để thi công phải có phương án đảm bảo trật tự, ATGT, thông báo cho người dân biết và được Sở GTVT Hà Nội cấp phép có thời hạn. Nhưng thực tế cho thấy, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án Nhà máy nước thải Yên Xá đã không tuân thủ các quy định này, “ngó lơ” hệ lụy do rào chắn chính họ dựng lên, phó mặc cho người dân và lực lượng chức năng tự xoay xở.
Anh Trần Hồng Phong nói: “Không thể chấp nhận được cung cách làm việc coi thường quy định, coi thường người dân như vậy. Lãnh đạo TP Hà Nội cần quan tâm, sát sao hơn nữa, chấn chỉnh chủ đầu tư cũng như nhà thầu dự án này”.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, cách làm như “đánh úp” người dân, rồi chậm tiến độ thi công, mặc “lô cốt” sừng sững cả năm trời làm khổ người tham gia giao thông sẽ chỉ khiến hình ảnh chủ đầu tư và nhà thầu ngày càng xấu đi. “UBND TP Hà Nội, Sở GTVT, Công an TP Hà Nội cần quyết liệt vào cuộc, làm rõ cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm trước người dân về những tồn tại gây bức xúc này. Một dự án quan trọng, có ý nghĩa như Nhà máy nước thải Yên Xá không thể vì sự vô cảm của vài cá nhân, đơn vị mà trở thành nguyên nhân gây khó cho người dân Thủ đô” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, buộc nhà thầu tạm tháo dỡ các “lô cốt” không có hoạt động thi công bên trong, giảm thiểu UTGT tới đâu hay tới đó. Bà Trần Thị Hiền nói: “Cả chục cái “lô cốt” trên đường Vũ Trọng Khánh bây giờ thành nơi đổ rác, chỗ treo biển quảng cáo, có thấy làm gì đâu. Sao không dỡ đi, đến lúc cần thì dựng lại. Nhà thầu chỉ biết cái lợi cho mình, còn nỗi khổ của người dân thì sao?”.