Dựng rạp cưới chiếm lòng đường gián tiếp gây tai nạn: Có thể đi tù
Người dựng rạp cưới trái phép trên hè phố hay lòng đường mà gián tiếp gây tai nạn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội cản trở giao thông đường bộ.
Dựng rạp đám cưới lấn chiếm lòng đường hay chắn gần hết lối đi là chuyện không hiếm ở Việt Nam, đặc biệt là mỗi khi mùa cưới đến. Không ít tai nạn giao thông xảy ra vì người dân dựng rạp phục vụ đám ma, cưới hỏi trên đường. Điển hình là vụ việc ở Hà Nội hôm qua.
Vì rạp đám cưới chiếm 1/3 lòng đường, tài xế ô tô và xe máy bị khuất tầm nhìn nên va chạm nhau. Thật may là không có ai thương vong trong tai nạn này và cả hai phải tự thương lượng, giải quyết với nhau.
Dù vậy, theo luật thì nếu để xảy ra tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ việc dựng rạp trái phép trên hè phố hay lòng đường, tùy theo tính chất và mức độ của vụ việc, cá nhân thực hiện vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội cản trở giao thông đường bộ.
Luật giao thông nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Muốn tổ chức các hoạt động khác trên đường phố như hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội thì cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức các hoạt động trên theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Đối với các trường hợp cá nhân, hộ gia đình có đám ma, đám cưới thì chỉ được sử dụng tạm thời một phần hè phố theo quy định tại Điều 25a của Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3.9.2013 quy định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đó, hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong trường hợp: Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ. Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ.
Khi sử dụng một phần hè phố, hộ gia đình phải thông báo với Ủy ban nhân phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Việc sử dụng một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự an toàn giao thông. Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét. Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.
Việc dựng rạp phục vụ hiếu, hỉ của hộ gia đình dưới lòng đường, trên toàn bộ hè phố là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông, bởi đa phần các rạp đều không có cảnh báo, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ thiếu chú ý quan sát, không bảo đảm tốc độ, xử lý kịp thời là có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Theo Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26.5.2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi dựng rạp trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ sẽ bị phạt tiền 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng với tổ chức.
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải dỡ bỏ rạp dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Thậm chí, nếu để xảy ra tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ việc dựng rạp trái phép trên hè phố, lòng đường, tùy theo tính chất và mức độ của vụ việc, cá nhân thực hiện vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 261 Bộ Luật hình sự.
Theo Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, tội cản trở giao thông đường bộ được quy định như sau:
1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng...