Dựng rạp đám cưới gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Dựng rạp đám cưới trên vỉa hè hay thậm chí là chiếm hết lòng đường không phải là chuyện lạ ở Hà Nội. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về những nguy hiểm của việc dựng rạp cưới chiếm lòng đường gây tai nạn, thế nhưng cho đến nay tình trạng này vẫn thường xuyên diễn ra.
Tại Hà Nội, có khá nhiều gia đình muốn tổ chức đám cưới tại nhà nhưng không có không gian và địa điểm. Vì thế, nhiều gia đình đã dựng rạp đám cưới trực tiếp trên vỉa hè, thậm chí lấn chiếm lòng đường trước nhà bất chấp những cảnh báo nguy hiểm.
Theo ghi nhận, thời điểm này đang bắt đầu vào “mùa cưới” nên trên đường phố Hà Nội, người đi đường có thể gặp khá nhiều các đám cưới diễn ra trực tiếp ở vỉa hè, lòng đường.
Mặc dù trong những năm qua, trên địa bàn cả nước đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà nguyên nhân gián tiếp là từ việc dựng rạp đám cưới dưới lòng đường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn làm ngơ với sự an toàn của không chỉ mình mà rất nhiều người.
Chị Hoàng Thị Thủy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Ở Hà Nội đất chật người đông, việc tổ chức đám cưới hay đám tang tại vỉa hè, lòng đường gây trở ngại rất lớn cho những người khác khi tham gia giao thông cho nên theo tôi là chúng ta nên hạn chế”.
Trên thực tế, theo quy định tại theo quy định tại Điều 25a của Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3/9/2013 quy định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ thì việc tổ chức đám cưới, trông giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình có thể sử dụng tạm thời một phần hè phố nhưng chỉ được dùng trong thời gian không quá 48 tiếng.
Không chỉ vậy, phần diện tích sử dụng cho đám cưới phải có kết cấu chịu lực phù hợp với việc sử dụng, phần hè còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét.
Như vậy, căn cứ từ các quy định trên, việc tổ chức đám cưới chỉ được sử dụng tạm thời không quá 48 tiếng vỉa hè mà không được dựng rạp dưới lòng đường.
Nếu vi phạm thì gia đình tổ chức đám cưới có thể bị phạt hành chính căn cứ tại Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP với hành vi dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào, công trình tạm thời trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ:
Theo đó, phạt tiền cá nhân từ 2 - 3 triệu đồng; tổ chức từ 4 - 6 triệu đồng; buộc dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, các vật dụng khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi.
Thậm chí, nếu để xảy ra tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ việc dựng rạp trái phép trên hè phố, lòng đường, tùy theo tính chất và mức độ của vụ việc, cá nhân thực hiện vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 261 Bộ luật Hình sự.