Đừng râu ông nọ cắm…

Khổng Phu Tử hay còn gọi là Khổng Tử, sinh ngày 28-9-551 và mất ngày 11-4-479 trước Công nguyên. Ông là triết gia và là chính trị gia người Trung Quốc, sinh sống vào thời Xuân Thu. Ông được người đương thời cũng như hậu thế tôn vinh là nhà hiền triết mẫu mực nhất Trung Quốc và được mệnh danh là 'vạn thế sư biểu' - khuôn mẫu cho vạn đời sau bắt chước. Những lời dạy và triết lý của ông đã hình thành nền tảng văn hóa Á Đông.

Không chỉ là nhà tư tưởng kiệt xuất, Khổng Tử còn là nhà giáo dục vĩ đại, người thầy của muôn đời. Bởi ngay từ thời đó, ông đã đưa ra những phương pháp giáo dục đạo đức hết sức tích cực và tiến bộ như: Phương pháp chính danh, phương pháp tùy nghi thuyết giáo; phương pháp nêu gương; thống nhất giữa học với hành, giữa tri thức và cuộc sống…

Ý nghĩa lớn nhất trong tư tưởng đạo đức của Khổng Tử là việc xác định rõ yêu cầu và trách nhiệm của mỗi người trong các mối quan hệ xã hội và qua đó góp phần điều chỉnh hành vi đạo đức của con người. Đồng thời, tư tưởng của ông còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cai trị, quản lý xã hội. Chính từ quan điểm này nên Khổng Tử đặc biệt coi trọng người quân tử. Theo ông, chỉ có người quân tử mới có tính kiên trì, nỗ lực học tập đạo lý nên đức ngày càng cao, hiểu biết đạo lý ngày càng uyên thâm, hành động ngày càng thuần thục, hợp đạo lý. Nhờ đó, người quân tử lập được công danh, sự nghiệp, đạt được địa vị cao trong xã hội, đảm đương những công việc chính trị có hiệu quả. Ngược lại, kẻ tiểu nhân, vì lười biếng học tập, tu thân nên không thể tiến bộ được.

Mang nặng tư tưởng của Khổng Tử - Nho giáo nên Nguyễn Công Trứ từng khẳng định rằng: Đã mang tiếng ở trong trời đất; Phải có danh gì với núi sông… Tuy nhiên, theo Khổng Tử để trở thành người quân tử thực sự thì ai cũng phải trải qua 6 giai đoạn của cuộc đời. Trong sách “Luận ngữ” đã chép lại lời của Khổng Tử về 6 giai đoạn đó là: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học; Tam thập nhi lập; Tứ thập nhi bất hoặc; Ngũ thập nhi tri thiên mệnh; Lục thập nhi nhĩ thuận; Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” - chứ không phải là “Thất thập cổ lai hy”.

Theo đó, ý nghĩa của từng giai đoạn này như sau: “Thập hữu ngũ nhi chí vu học”, tức là khi đã 15 tuổi thì để hết tâm trí vào việc học. Nói cách khác, khi còn ở tuổi thiếu thời thì cần phải tập trung vào việc tu dưỡng, xác định chí hướng và tích lũy kiến thức. Ở giai đoạn này, các bậc cha mẹ cần phải đem hết kiên nhẫn, kỹ năng và nghệ thuật để giúp con thành công trong sự học.

“Tam thập nhi lập” tức là người đàn ông khi 30 tuổi thì sức tự thân lập nghiệp mới có thể chắc chắn và vững vàng. Ở tuổi này phải biết tự lập, gây dựng sự nghiệp cho mình, có khả năng nuôi sống bản thân và xác lập một vị trí nhất định của mình trong gia đình, xã hội. Chí lập thân, lập nghiệp của người trẻ trong giai đoạn này giữ vai trò quyết định trong việc thành công về sau. Trong thực tế có nhiều người tự lập từ trước tuổi 30 và cũng có người ngoài 30 tuổi vẫn không tự lập được. Đây là trường hợp của những người có chí tự lập hay không. Nếu không có chí tự lập thì dù cha mẹ có săn sóc và giáo dục cũng vẫn không tự lập được. Họ là những người ăn bám gia đình và xã hội.

“Tứ thập nhi bất hoặc”, nghĩa là khi 40 tuổi và đã là nam nhân thì có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ, có kiến thức và kinh nghiệm phong phú. Đặc biệt, ở tuổi này đối với những việc diễn ra trong xã hội cần phải có chính kiến rõ ràng, kiên định, không còn nghi ngờ. Đặc biệt, khi đã ở tuổi 40 thì phải biết phân biệt được việc phải hay trái, biết được cái gì nên, không nên… Tuy nhiên, không phải người nào ở tuổi 40 cũng được như vậy. Muốn đạt tới trình độ “nhi bất hoặc”, con người phải được giáo dục kỹ lưỡng và ý thức tự mình cố công học hỏi chuyên cần ngay từ khi còn nhỏ.

“Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, có nghĩa là khi 50 tuổi mới có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, tức là hiểu được mệnh của trời. Nói cách khác, ở tuổi này người đàn ông đã nắm vững quy luật tự nhiên và xã hội, biết được xu thế của thời cuộc nên công việc thường thuận lợi và dễ dàng đi đến thành công. Thế nhưng, để đạt được trình độ “tri thiên mệnh” thì con người phải có căn bản vững vàng về nền tảng văn hóa và kinh nghiệm sống.

“Lục thập nhi nhĩ thuận” có nghĩa là khi người ta 60 tuổi thì mới đạt đến mức độ hoàn hảo về mặt tri thức và kinh nghiệm về cuộc đời. Nhờ đó, người ta có thể nhận xét, phán đoán được ngay tức khắc, chính xác về các vấn đề và con người trong thiên hạ. Khi nhìn hay nghe thấy điều gì, người ta không chỉ không cảm thấy chướng ngại mà còn hiểu thấu ngay mọi lẽ. Vì thế, khi đã 60 tuổi thì không còn điều gì cảm thấy chướng tai gai mắt, vì tự mình đã lý giải đúng căn nguyên của mọi việc diễn ra xung quanh, thấu hiểu nhân tình thế thái nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung hơn; chứ không như lúc tuổi trẻ hiểu biết còn nông cạn nên trước nhiều sự việc thường cảm thấy khó chịu, bực mình. Tuy nhiên, cách giải nghĩa này chỉ mang tính chiết tự chứ không rõ nghĩa. Theo tác giả Nguyễn Hiến Lê, trong cụm từ “Lục thập nhi nhĩ thuận” thì chữ “nhĩ” ở đây được xem như chữ “dĩ”, nghĩa là “Sáu mươi tuổi thì thuận theo mệnh trời”. Song, muốn đạt được trình độ này, con người phải có căn bản giáo dục, đạo đức và kinh nghiệm sống.

Và cuối cùng là “Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”, tức là 70 tuổi sẽ đạt đến tình trạng hoàn hảo về cách xử thế ở đời, nói hay làm điều gì cũng thể hiện đúng với chủ tâm của mình, muốn sao được vậy và không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ, quy tắc tự nhiên. Nhờ đó, người ta có thể nhận xét và phán đoán được ngay tức khắc, chính xác về các vấn đề và con người trong thiên hạ. Một khi đã bước vào tuổi từ 70 trở lên, nếu trước đó họ được giáo dục đúng cách, tự tìm tòi học hỏi, tu tâm dưỡng tánh, biết chia sẻ những nỗi đau, rung động trước cái đẹp và sự hạnh phúc của đời người… thì đây là đỉnh cao về sự nhận thức của con người. Nhưng để đạt được trình độ này, con người cũng phải có căn bản giáo dục, đạo đức và kinh nghiệm từng trải sự đời.

Như vậy, giai đoạn thứ 6 của cuộc đời theo cách phân chia của Khổng Tử không phải là “Thất thập cổ lai hy” - tức ai đó khi đã sống được đến 70 tuổi thì là người xưa nay hiếm, như nhiều người từng nghĩ. Thứ nhất, với ý nghĩa như đã nói ở trên thì câu “Thất thập cổ lai hy” hoàn toàn không phù hợp với quan niệm, nói đúng hơn là tư tưởng của Khổng Tử. Thứ hai, cụm từ “Thất thập cổ lai hy” không phải lời Khổng Tử mà được trích trong bài thơ “Khúc giang” của thi hào Đỗ Phủ (712-770) thời nhà Đường ở Trung Quốc. Trong bài thơ này, Đỗ Phủ đã viết 2 câu như sau: “Tửu trái tầm thường hành xử hữu; Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Nhà thơ Tản Đà dịch 2 câu thơ này như sau: “Nợ tiền mua rượu đâu không thế? Sống bảy mươi năm đã mấy người?”. Vì vào thời đó rất hiếm người thọ đến 70 tuổi, ngay bản thân Đỗ Phủ cũng chỉ sống đến tuổi 58. Vậy nên, bài viết này không ngoài mục đích cùng bạn đọc hiểu đúng hơn về các giai đoạn phát triển của con người theo quan điểm, tư tưởng của Khổng Tử, để tránh “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/135710/dung-rau-ong-no-cam