Dùng robot cho đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Các cơ quan quản lý hiện đang tiến tới sử dụng robot cho đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ngày 12.4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Nhật Bản đến từ Công ty TNHH Thiết kế Yukimai (Gạo hữu cơ). Theo đó, hai bên đã trao đổi về tiềm năng hợp tác thông qua việc sử dụng một loại robot diệt cỏ tự động có tên Aigamorobo.

Hiện nay, robot đang được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là trong sản xuất - Ảnh: Internet

Hiện nay, robot đang được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là trong sản xuất - Ảnh: Internet

Ông Nakamura, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc công nghệ công ty Yukimai, người sáng lập ra Aigamorobo, cho biết robot này đem lại giải pháp kiểm soát cỏ dại nhằm cải tiến việc sản xuất lúa hữu cơ. Robot này tự động chạy trên các ruộng lúa, khuấy nước và nâng bùn lên để chắn ánh sáng mặt trời, từ đó ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại dưới nước, tạo môi trường mà cỏ dại ít có khả năng phát triển nếu không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Bên cạnh đó, Aigamorobo cũng giúp đẩy lùi những con ốc bươu vàng cũng như các loại thiên địch khác, kích thích sự phát triển của lúa. Hơn nữa, nó còn góp phần giảm lượng khí thải metan trong ruộng lúa bằng cách sục không khí.

Tại Nhật Bản, robot này đã trải qua các cuộc thử nghiệm thành công trên nhiều cánh đồng lúa, với hiệu quả được xác nhận là vượt trên 70%. Kể từ đầu năm 2023, 500 robot được bán tại Nhật Bản và hoạt động trên các cánh đồng lúa tại Nhật. Năm 2023, robot đã được giới thiệu tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G7 ở Miyazaki và nhận được sự đánh giá cao từ các bộ trưởng nông nghiệp G7.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết vấn đề cỏ dại và ốc bươu vàng là hai vấn đề rất được quan tâm trong sản xuất nông nghiệp. Hiện Việt Nam vẫn sử dụng các sản phẩm thuốc hóa học để xử lý hai loại dịch hại này. Thách thức lớn nhất là dư lượng trong sản phẩm và phát thải ra môi trường ngày càng lớn. Do vậy, loại robot này hoàn toàn có thể được thử nghiệm tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết robot này có thể được sử dụng trong đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đây sẽ là một phương pháp mới giảm phát thải trong sản xuất lúa tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thế kỷ 20 là thế kỷ của tự động hóa. Nhật Bản là nước đi đầu trong lịch sử chế tạo robot. Robot này phù hợp với mục tiêu của đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Vấn đề cỏ dại và ốc bươu vàng là vấn đề lớn của nông nghiệp Việt Nam và thế giới. Công nghệ này giúp giải quyết hai loại dịch hại trong khi giúp giảm phát thải nên hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất chọn Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long trình diễn công nghệ này, từ đó Bộ NN-PTNT công nhận, tiến tới sử dụng cho đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Và cùng thời điểm có thể làm mô hình này cho vùng lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Hồng.

Hiện nay, robot đang được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là trong sản xuất, để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp. Ngày nay, các công ty AI đang phát triển robot để sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Những robot AI này được phát triển theo nhiều nhiệm vụ trong nông nghiệp.

Robot có thể được sử dụng để giám sát, quản lý, chăm sóc cây trồng, thu hoạch, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, robot còn có thể giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí và làm giảm tác động của hoạt động nông nghiệp đến môi trường.

Nhiều tỉnh thành trên cả nước hiện đang bắt tay vào thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao với nhiều tâm thế, kỳ vọng mới cho ngành hàng lúa gạo khi xuất khẩu gạo đạt hơn 4 tỉ USD trong năm 2023 vừa qua.

Ngày 27.11.2023, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh; lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%.

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một đề án tổng thể, không chỉ hướng tới cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, mà còn định hình lại bức tranh tương lai của ngành lúa gạo Việt Nam.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dung-robot-cho-de-an-1-trieu-hecta-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-216024.html