'Dũng sĩ Cát Bi' và người anh hùng đặc công nước Mai Năng
Trong các bài viết về Đoàn 126 Đặc công Hải quân (nay là Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân) và cả những câu chuyện của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Mai Năng thường được nhắc đến nhiều nhất với sự trân trọng và yêu mến.
Sở dĩ có chuyện như vậy là bởi cách đây hơn 50 năm, ông chính là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên lực lượng đặc công nước nói chung, Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân nói riêng. Ông tên thật là Tạ Văn Thiều, sinh năm 1930, người xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Còn bí danh Mai Năng, theo ông giải thích, có nghĩa là sự năng động, sáng tạo để đi đến ngày mai. Đây là cái tên gắn với ông ngay từ những năm tháng hoạt động quân báo ở Hải Phòng, thời kháng chiến chống thực dân Pháp…
Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia nhiều trận đánh, nhưng trận đánh vang dội và lập chiến công lớn là trận đánh vào sân bay Cát Bi năm 1954. Đây là trận đánh vô cùng khó khăn tại thời điểm ấy, trong bối cảnh ta đã bị trắng cơ sở. Trận đánh sân bay Cát Bi chỉ với 32 chiến sĩ, bằng chiến thuật chiến đấu đặc công “chuột nhắt chui kho, vào nhỏ ra to”, ta đã phá hủy 59 máy bay của địch, góp phần chặn đứng con đường chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo điều kiện cho quân và dân ta làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Các chiến sĩ tham gia trận đánh này sau đó được Bác Hồ phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ Cát Bi” và đồng chí Mai Năng được bầu là dũng sĩ số 1.
Năm 1961, đồng chí Mai Năng được điều về làm chính trị viên trên tàu săn ngầm thuộc Đoàn 200 Hải quân đóng tại Hải Phòng. Làm công tác chính trị, song hình như cái máu quân báo lâu nay vẫn âm thầm chảy trong con người ông. Thời điểm những năm 1961, 1962, trên chiến trường miền Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta đang có những diễn biến phức tạp. Khi ấy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ trương xây dựng và phát triển LLVT ba thứ quân trên ba vùng chiến lược, trong đó có nhiệm vụ tổ chức các đội đặc công chiến đấu cả trong thành phố lẫn trên hệ thống đường giao thông, cả đường thủy lẫn đường bộ. Thực hiện chủ trương đó, đầu năm 1961, Đảng ủy Cục Hải quân đặt vấn đề tổ chức xây dựng lực lượng đặc công nước với quy mô hợp lý và thích hợp.
Ngày 23-10-1963, Cục Hải quân ra quyết định thành lập Đội 1 Đặc công Hải quân, biên chế 80 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Mai Năng làm đội trưởng. Nhiệm vụ của Đội 1 là: Nghiên cứu nội dung huấn luyện, phương pháp tổ chức xây dựng lực lượng và cách đánh tàu mặt nước của địch... Từ 80 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên, sau thời gian vừa nghiên cứu, vừa thực hành huấn luyện, đến cuối năm 1963, đơn vị được bổ sung quân số, trang bị để phát triển thành Đoàn 8, bao gồm 4 đội chiến đấu, gấp rút thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Đến cuối năm 1964, lực lượng đặc công hải quân bắt đầu có những đơn vị đầu tiên lên đường vào chi viện cho các chiến trường sông ngòi và ven biển miền Nam, giành được những chiến công vang dội… Ngày 13-4-1966, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn Huấn luyện trinh sát Đặc công nước Hải quân 126 (Đoàn 126), trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân. Đồng chí Mai Năng lúc này vẫn giữ cương vị là Đội trưởng Đội 1, đơn vị nòng cốt của đoàn.
Đoàn 126 huấn luyện đến tháng 10-1966 thì được lệnh lên đường vào Nam chiến đấu, trong đó Đội 1 được đưa vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Trong số các thành viên lên đường vào Nam, đồng chí Mai Năng có mặt với cương vị là thành viên ban chỉ huy tiền phương của đoàn. Sau 3 tháng tổ chức xây dựng cơ sở, trinh sát nắm tình hình địch, đến ngày 31-3-1967, cán bộ, chiến sĩ Đội 1 ra quân trận đầu và giành thắng lợi. Bắt đầu từ đây, Đoàn 126 nói chung và Đội 1 nói riêng bước vào giai đoạn mới, giai đoạn chiến đấu hào hùng, sáng tạo, mưu trí và dũng cảm, đánh chìm, đánh hỏng nhiều tàu chiến của Mỹ-ngụy, góp phần làm nên chiến công chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày 20-12-1969, đồng chí Mai Năng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 126 nhận xét: “Đồng chí Mai Năng là người chỉ huy “trí dũng song toàn”. Với anh, không lúc nào ngơi nhiệm vụ của mình, khi thì trực tiếp chỉ huy, khi thì tham gia ý kiến chỉ đạo. Mỗi trận đánh của Đoàn 126 đều có công lao đóng góp của đồng chí Mai Năng. Anh là người cán bộ có quyết tâm chiến đấu cao và luôn trăn trở, suy nghĩ tìm mọi biện pháp nâng cao hiệu suất chiến đấu cho bộ đội. Tinh thần say mê đánh giặc của anh đã lan tỏa tới cán bộ, chiến sĩ Đội 1 và toàn đoàn. Trong suốt thời gian chiến đấu, toàn bộ suy nghĩ của đồng chí Mai Năng đều tập trung vào một mục tiêu là làm thế nào để lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đánh thắng giặc, hoàn thành mọi nhiệm vụ”.
Năm 1973, chiến trường Quảng Trị tạm thời im tiếng súng, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 126 được lệnh rút quân ra Bắc làm nhiệm vụ củng cố lực lượng và tiếp tục huấn luyện SSCĐ. Đầu năm 1975, khi chiến trường miền Nam có những biến động lớn, cần sử dụng đến lực lượng đặc biệt tinh nhuệ này. Tháng 3-1975, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho hải quân, bằng mọi biện pháp, sử dụng lực lượng giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa. Đồng chí Mai Năng lúc này tuy đang điều trị vết thương, song vẫn được bộ tư lệnh tín nhiệm giao nhiệm vụ chỉ huy 200 cán bộ, chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa và giành thắng lợi.
Gắn bó với hải quân đến năm 1980, trải qua nhiều vị trí, nhiều nhiệm vụ, đồng chí Mai Năng được Bộ Quốc phòng điều sang xây dựng Binh chủng Đặc công với cương vị Phó tư lệnh binh chủng, rồi trở thành Tư lệnh Binh chủng Đặc công. Năm 1998, Thiếu tướng Mai Năng nghỉ hưu sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Gần 20 năm làm nhiệm vụ ở Binh chủng Đặc công, Thiếu tướng Mai Năng đã cùng với lãnh đạo, chỉ huy binh chủng xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh, trưởng thành. Ông cũng là người đưa kinh nghiệm chiến đấu của đặc công nước trên chiến trường trước kia vào xây dựng các phương án tác chiến trên cạn. Đó là cách đánh trực tiếp vào sở chỉ huy của địch theo kiểu “chuột nhắt chui kho, vào nhỏ ra to” gây cho đối phương không ít phen điêu đứng…
Trở về với đời thường, ông có nhiều thời gian quan tâm hơn đến bộ đội Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân, đơn vị mà ông đã cùng với đồng đội dày công xây dựng. Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ ngày ông đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân với bao nhiêu chiến công, thành tích, tạo nên một bề dày truyền thống đầy tự hào… Chính những người lính đặc công ấy đã góp phần làm nên tên tuổi ông: Thiếu tướng Mai Năng-một vị tướng trí dũng song toàn.