Dùng sticker cảnh báo trong toilet để ưu tiên cho người bệnh
Theo Nicole Thornton, những triệu chứng về đường ruột gây trở ngại không ít đến cuộc sống của bệnh nhân. Chiến dịch của cô mong muốn giảm bớt tình huống khó xử cho mọi người.
Nicole Thornton (16 tuổi) - khởi xướng chiến dịch “I can't wait!” (tạm dịch: Tôi không thể đợi) - để khuyến khích các doanh nghiệp thêm trường hợp khẩn cấp dành cho những người mắc bệnh đường ruột được sử dụng nhà vệ sinh trước.
Theo NZ Herald, có khoảng 20.000 người đang sống chung với bệnh Crohn (viêm đường ruột) và viêm loét đại tràng ở New Zealand. Xứ sở kiwi là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc hai loại bệnh này cao nhất trên thế giới.
Nicole cũng là một trong số đó. Nữ sinh 16 tuổi cho biết những triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, suy dinh dưỡng gây trở ngại không ít đến cuộc sống, công việc thường ngày của bệnh nhân.
Đôi khi, nó khiến họ rơi vào tình thế khó xử, bỏ lỡ những dịp quan trọng hoặc có nguy cơ gặp tai nạn ở nơi công cộng.
Belinda Brown (45 tuổi), người mắc bệnh Crohn đã lâu, kể lại một trải nghiệm tương tự khi tham dự một buổi lễ ra mắt được tổ chức tại Atrium Cafe ở Lower Hutt vào ngày 9/12.
“Bạn có thể tưởng tượng ra cảnh đi mua sắm, chỉ còn một chút xíu nữa thôi là đến cửa hàng nhưng bụng bắt đầu cồn cào. Trong lúc cần đi vệ sinh gấp thì bạn nhìn thấy một toilet công cộng cách đó 200-300 m. Khi tấp vào lề đường thì 'tai nạn' xảy ra. Tôi đã rời trung tâm mua sắm hôm đó trong nước mắt”, Brown chia sẻ trong sự tiếc nuối vì không thể kiểm soát vấn đề đường ruột của mình.
Nhằm hạn chế những trường hợp đáng tiếc như Brown, chiến dịch “I can't wait!” mong muốn các doanh nghiệp cùng chung tay cải thiện bằng cách thêm một ô dán sticker trên cửa để những bệnh nhân có thể sử dụng trong tình huống khẩn cấp.
“Nhiều bệnh nhân mắc chứng đường ruột thường bị từ chối ưu tiên vì mọi người không hiểu được tình trạng của họ. Tôi muốn nhắn nhủ là họ không nên xấu hổ về bệnh của mình. Thay vào đó, chúng ta có thể nâng cao ý thức của cộng đồng”, Nicole nói với NZ Herald.
Từ năm 12 tuổi, Nicole đã đấu tranh để tránh ánh nhìn kỳ thị của người khác khi cô rơi vào tình huống khó xử. Năm 2017, 10X đã gửi một bản kiến nghị lên Quốc hội để kêu gọi các doanh nghiệp cho phép sử dụng nhà vệ sinh trong trường hợp khẩn cấp.
Nicole cho hay đây chỉ phần khởi đầu của chiến dịch. Cô đang cố gắng thúc đẩy chính phủ đưa thuốc Stelara vào trong nước - một loại thuốc có thể giúp bệnh nhân can thiệp việc phẫu thuật phức tạp.
Richard Stein, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, đã giúp Nicole chuẩn bị các thủ tục và giấy tờ cho đơn kiến nghị.
Một cuộc khảo sát gần đây về những người mắc bệnh đường ruột cho thấy 70% trong số đó đã từng bị “tai nạn” nơi công cộng. 90% nói rằng họ sợ rời khỏi nhà sau trải nghiệm tồi tệ đó, 13% tự nhốt mình trong phòng.
Bên cạnh đó, hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho biết tình trạng này thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Monica Green, đồng quản lý quán Atrium Cafe, là nơi đầu tiên chấp nhận sử dụng nhãn dán do “I can’t wait!” cung cấp.
Theo Monica, việc hòa nhập và quan tâm đến cộng đồng là một phần quan trọng trong mô hình kinh doanh của cô.
"Thức ăn, dịch vụ tốt và chính sách thấu hiểu khách hàng nên được mở rộng cho bất kỳ ai, bất kể đó là vấn đề gì. Vì vậy, việc trở thành một phần của nó là điều không cần bàn cãi”, Monica nhấn mạnh.
Chiến dịch đã nhận được sự hỗ trợ từ Phòng Thương mại của Thung lũng Hutt, Crohn's & Colitis NZ và Hội đồng Thành phố Hutt.
Ông Campbell Barry, Thị trưởng của Lower Hutt, hy vọng người dân sẽ đón nhận, ủng hộ chiến dịch ý nghĩa của Nicole.
"Tôi nghĩ đây cũng là một thách thức đặt ra cho các thành phố, hội đồng, cơ quan để tất cả đều thấy mỗi người đóng vai trò quan trọng trong những vấn đề xã hội”, ông Campbell Barry khẳng định.
Thung lũng Hutt là nơi đầu tiên áp dụng điều này ở New Zealand, Barry mong muốn những nơi khác cũng sẽ hưởng ứng tương tự.