Đừng tạo áp lực cho con!

Trong xã hội hiện đại, áp lực về thành tích học tập và cuộc sống trở thành vấn đề nhức nhối không chỉ với người lớn mà còn với trẻ em. Những kỳ vọng quá mức từ cha mẹ có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của các con.

Ảnh được tạo bởi A.I

Ảnh được tạo bởi A.I

Những kỳ vọng vượt giới hạn

Cách đây không lâu, Báo Pháp Luật TP.HCM thông tin vào lúc 19 giờ ngày 09/7/2024, Công an xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành tiếp nhận trình báo của người dân về việc có trường hợp treo cổ tự tử chết tại ấp Thanh Tân. Lực lượng chức năng tại hiện trường xác định nạn nhân là L.N.Đ.K. (17 tuổi, học sinh Trường THPT Nguyễn Thông, huyện Châu Thành) tử vong tại lầu 2. Theo người dân gần khu vực, năm nay, K. bước vào năm học cuối cấp nên mẹ K. thường xuyên nhắc nhở con tập trung vào việc học tập. Do bị mẹ mắng nhiều nên K. suy nghĩ dại dột, kết liễu cuộc đời mình.

Trò chuyện với chúng tôi, Thạc sĩ Tâm lý Đặng Hoàng An chia sẻ, khi phụ huynh tạo áp lực hoặc kỳ vọng quá mức, trẻ không thể đáp ứng nổi những mong đợi này, gây ra nhiều tác động tiêu cực cả về tâm lý lẫn sinh lý. Áp lực từ cha mẹ có thể ví như việc khoác lên con trẻ một chiếc áo quá khổ, khiến chúng phải gồng mình để cố gắng hoàn thành những kỳ vọng mà chúng không thể đáp ứng.

“Trong quá trình chịu áp lực liên tục, trẻ có thể gặp phải nhiều vấn đề như thiếu ngủ, mất ngủ, rối loạn lo âu và sợ hãi. Những đứa trẻ sống trong tâm trạng lo sợ không chỉ đối mặt với sự mất tự tin mà còn có nguy cơ bị mất đi sự cân bằng trong cuộc sống. Các hoạt động xã hội và phát triển cá nhân bị hạn chế khiến trẻ mất đi sự phát triển cân bằng" - Thạc sĩ Đặng Hoàng An nói.

Đáng chú ý, ranh giới giữa kỳ vọng xuất phát từ tình thương và kỳ vọng áp đặt là rất mong manh. Phụ huynh thường không nhận ra rằng họ đang tạo áp lực vô hình cho con mình thông qua việc kỳ vọng quá mức. Tình thương không đúng chỗ có thể trở thành gánh nặng nặng nề, nhất là khi trẻ đang trong quá trình phát triển bản thân và đối mặt với nhiều biến đổi tâm, sinh lý.

Một hiện tượng tâm lý khác mà Thạc sĩ Tâm lý Đặng Hoàng An đề cập là áp lực "vượt giàu". Trong khi trẻ em từ các gia đình khó khăn phải nỗ lực để cải thiện cuộc sống thì những đứa trẻ từ các gia đình có điều kiện lại phải đối diện với gánh nặng làm sao để không chỉ duy trì mà còn vượt qua sự thành đạt của cha mẹ mình.

Áp lực "vượt giàu" có thể bắt nguồn từ việc cha mẹ mong muốn con kế thừa và phát triển thêm sự nghiệp. Tuy nhiên, điều này vô tình tạo ra sự so sánh và cạnh tranh không lành mạnh trong tâm lý của trẻ. Các em thường phải gồng mình để sống theo tiêu chuẩn của cha mẹ và đôi khi cảm thấy mình bị mắc kẹt giữa kỳ vọng của gia đình và mong muốn cá nhân.

“Trong những gia đình có địa vị xã hội cao, cái bóng của cha mẹ trở nên quá lớn khiến con cảm thấy khó thở khi phải liên tục cố gắng "vượt qua" thành công của người đi trước. Điều này, không chỉ làm ảnh hưởng đến tâm lý của các em mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như stress, lo âu và sợ cảm giác thất bại” - Thạc sĩ Đặng Hoàng An chia sẻ.

Cần sự thấu hiểu

Những người làm cha, làm mẹ cần hiểu rõ khả năng của con và đặt kỳ vọng trong "vùng phát triển gần nhất" của trẻ. Cha mẹ cần tôn trọng màu sắc tâm lý và khả năng cá nhân của con, không nên quyết định thay và áp đặt. Trẻ cần được phát triển toàn diện không chỉ về trí tuệ mà còn cần cân bằng giữa nhiều yếu tố khác như về đức, trí, thể, mỹ.

Phụ huynh nên dành thời gian quan tâm, lắng nghe con, làm bạn với con để hiểu rõ những mong muốn và ước mơ của con. Việc này giúp "chắp cánh" cho ước mơ của con trẻ thay vì ép buộc chúng phải tiếp nối những ước mơ của mình. Quan trọng hơn, cha mẹ cần nhạy bén trong việc nhận ra khoảng cách mong manh giữa kỳ vọng và áp lực; đồng thời, luôn để ý đến sức khỏe tâm thần của con.

Thạc sĩ Đặng Hoàng An chia sẻ thêm: “Đối với các bạn trẻ, khi cảm thấy áp lực, các em cần mạnh dạn chia sẻ với cha mẹ hoặc người thân thay vì giữ im lặng và gánh chịu một mình. Điều quan trọng là học cách giải tỏa áp lực một cách lành mạnh để bảo vệ sức khỏe tâm lý. Cả hai dạng áp lực, áp lực từ kỳ vọng học tập và áp lực "vượt giàu" đều xuất phát từ lòng yêu thương và mong muốn tốt cho con của cha mẹ. Tuy nhiên, khi sự yêu thương này biến thành áp lực, nó có thể trở thành rào cản đối với sự phát triển tự nhiên của trẻ”.

Áp lực là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống nhưng khi đặt áp lực quá lớn lên con trẻ, cha mẹ có thể vô tình gây ra những hậu quả tiêu cực cho sự phát triển của con. Thay vì kỳ vọng vào thành tích, hãy cùng trẻ trải nghiệm, học hỏi và phát triển một cách tự nhiên. Một môi trường yêu thương, thấu hiểu và không có quá nhiều áp lực sẽ giúp trẻ không chỉ phát triển toàn diện mà còn sống một cuộc sống hạnh phúc và cân bằng hơn./.

Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dung-tao-ap-luc-cho-con--a181451.html