Đừng thấy bản thân khỏe mạnh là hăng hái chạy marathon

Bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân lớn gây ra đột tử khi gắng sức trong các hoạt động như chạy bộ đường dài, thi đấu, làm việc căng thẳng.

 Người chạy marathon có nguy cơ bị đột tử vì bệnh lý tiềm ẩn. Ảnh: Shutterstock.

Người chạy marathon có nguy cơ bị đột tử vì bệnh lý tiềm ẩn. Ảnh: Shutterstock.

Có nhiều người trẻ mắc các bệnh lý về tim mạch nhưng chưa biết mình bị bệnh, vì không có thói quen đi khám tầm soát. Đến khi họ gục ngã trên đường chạy bộ mới vội đi khám.

"Có lẽ họ chưa thấy tận mắt cảnh những người bệnh phải sống thực vật do ngưng tim", TS.BS Phan Thái Hảo, Trưởng khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (TP.HCM), day dứt kể lại với Tri Thức - Znews những câu chuyện buồn.

Sống thực vật ở tuổi 30

Tại khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, có hai trường hợp là nam giới ở độ tuổi gần 30 phải sống thực vật suốt đời vì đột tử khi gắng sức.

Hai người đều có thể trạng khỏe mạnh nên rất ít khi đi khám tầm soát. Khi sự cố ập đến, kết quả thăm khám hai người đều có bệnh lý tim mạch.

"Nó như quả bom nổ chậm, âm thầm, tiềm ẩn. Nhưng đến khi họ gắng sức, máu không đến nuôi các cơ quan và não kịp dẫn đến ngưng tim. Dù được các bác sĩ hồi sức tim phổi thành công, nhưng não đã ngừng hoạt động", bác sĩ Hảo kể.

Cả hai thanh niên ở độ tuổi sung sức nhất phải thở phụ thuộc vào máy, ăn uống qua ống sonde dạ dày, cần người nhà chăm sóc đến suốt đời.

"Không chỉ những người tham gia giải chạy độ đường dài (marathon) mới bị đột tử khi gắng sức, những người làm việc cường độ cao hay tham gia thi đấu nguy cơ cũng rất cao", bác sĩ Phan Thái Hảo nhấn mạnh.

Do biểu hiện của bệnh lý này không rõ ràng, người trẻ không có thói quen đi khám tầm soát, chỉ khi phát hiện triệu chứng nặng như ngất xỉu, đau ngực, khó thở, tím tái hoặc người là vận động viên chuyên nghiệp mới đi khám.

 Bác sĩ Hảo thăm khám cho một bệnh nhân bị ngừng tim, được hồi sức tim phổi thành công nhưng phải sống thực vật. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Hảo thăm khám cho một bệnh nhân bị ngừng tim, được hồi sức tim phổi thành công nhưng phải sống thực vật. Ảnh: BSCC.

Ngã gục trên đường chạy

Theo quan sát của bác sĩ Hảo, nhiều người trẻ chỉ cần thấy bản thân mình khỏe, không ốm đau là đăng ký chạy marathon chứ không kiểm tra sức khỏe. Điều này làm tăng nguy cơ tử vong trên đường đua đối với những vận động viên phong trào.

Những người bị bệnh cơ tim phì đại hoặc giãn nở, lúc bình thường có thể không có biểu hiện gì đau đớn, nhưng khi gắng sức, chạy bộ đường dài dễ bị ngưng tim. Bởi lúc đó, máu đi nuôi các cơ quan, đặc biệt là não gặp cản trở khi tống ra ngoài, dẫn đến thiếu hụt máu và đột tử.

Bên cạnh đó, người bị bệnh lý van tim như hẹp động mạnh chủ, hẹp van hai lá... lúc gắng sức không đủ máu để tống máu ra nuôi cơ thể, lên não khiến họ bị ngất, ngưng tim. Những người có bệnh di truyền về tim mạch, khiến hệ thống dẫn truyền của tim bị rối loạn, lúc gắng sức khiến rung thất dẫn đến ngưng tim, đột tử.

Ngoài bệnh lý về tim mạch, các yếu tố như chạy marathon dưới trời nắng khiến cơ thể mất nước, rối loạn điện giải cũng góp phần làm tăng nguy cơ đột tử. Với những nguy cơ luôn rình rập, bác sĩ Hảo khuyến cáo người dân muốn tham gia marathon cần kiểm tra sức khỏe toàn diện trước khi đăng ký.

"Những người đã biết mình bị bệnh lý tim mạch, vẫn phớt lờ để tham gia thi đấu, họ phải chấp nhận rủi ro sẽ đột tử bất cứ lúc nào", bác sĩ Hảo nhấn mạnh.

Không chỉ mặc áo, mang giày là chạy

Chia sẻ với Tri thức - Znews, TS.BS Đinh Huỳnh Linh, Viện tim mạch Quốc gia Việt Nam, vận động viên marathon lâu năm kiêm Giám đốc đường chạy Giải marathon Quốc tế Di sản Hà Nội khẳng định không phải ai cũng có thể tham gia các giải chạy.

“Cự ly thi đấu ở giải chạy có thể kéo dài từ 5km, 10km, 21km, 42km, thậm chí dài hơn như 70km, hay 100km, 160km… là những thách thức không phải người bình thường nào cũng có thể chinh phục”, bác sĩ Linh nói.

 TS.BS Đinh Huỳnh Linh tham gia một giải chạy marathon chuyên nghiệp. Ảnh: BSCC.

TS.BS Đinh Huỳnh Linh tham gia một giải chạy marathon chuyên nghiệp. Ảnh: BSCC.

Để đáp ứng điều kiện tham gia các giải này, mọi người nên tập luyện và chuẩn bị kỹ lưỡng,tìm hiểu các điều kiện của đường đua, như thời tiết, địa hình, sự bố trí các điểm tiếp nước… Tuyệt đối không thể chỉ mới tập chạy vài buổi mà tham gia ngay các giải thi đấu.

Bác sĩ Linh dẫn chứng số liệu từ New England Journal of Medicine, tạp chí y khoa uy tín hàng đầu thế giới. Theo đó, 90% các ca đột tử trên đường chạy là do nguyên nhân tim mạch, nếu đột tử ở lứa tuổi trẻ dưới 40 thì 99% là bệnh tim.

Vì vậy, trong lúc chạy, nếu thấy quá mệt, tim đập quá nhanh hoặc kiệt sức tới mức ảnh hưởng nhận thức, mọi người cần dừng lại ngay. Ngoài ra, nếu cảm thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường trước ngày thi đấu, mọi người nên tạm nghỉ ngơi.

Là Giám đốc đường chạy Giải marathon Quốc tế Di sản Hà Nội, bác sĩ Linh nhấn mạnh tất cả thành viên ban tổ chức cần thành thạo kỹ năng cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Khi gặp biến cố ngừng tim, 3 phút đầu tiên rất quan trọng. Lúc này, việc thành thạo kỹ năng cấp cứu có thể giúp cứu sống người bệnh. Ban tổ chức cũng cần có quy trình xử lý nhanh trong các trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, đội cấp cứu lưu động không chỉ cần có kỹ năng, kinh nghiệm, mà còn cần được trang bị các thiết bị cấp cứu ngừng tuần hoàn, như máy sốc điện, bộ dụng cụ đặt nội khí quản, các loại thuốc cấp cứu…

Theo số liệu từ các nghiên cứu, biến cố hay xuất hiện ở ¼ cuối của đường đua, khi vận động viên gắng sức tối đa trong khi nền tảng thể lực sụt giảm nhiều. Vì thế, mật độ các đội cấp cứu nên được bố trí tập trung ở khu vực này.

Mỗi vận động viên tham gia giải chạy cũng nên tự trang bị cho mình kỹ năng cấp cứu ngừng tim để sẵn sàng hỗ trợ nạn nhân trong trường hợp là người duy nhất gần đó.

“Chạy bộ là chuyện cả đời. Chúng ta có thể chạy bộ đến già nếu tập luyện một cách hợp lý”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Nguyễn Thuận - Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dung-thay-ban-than-khoe-manh-la-hang-hai-chay-marathon-post1470828.html