Đừng thờ ơ trước dịch HIV/AIDS
Dịch HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội và tương lai của giống nòi dân tộc. Do đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được khẳng định là một nhiệm vụ phức tạp, phải được tiến hành thường xuyên và lâu dài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của toàn xã hội và của tất cả chúng ta.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có 11 huyện, thị xã, thành phố và 109 xã, phường, thị trấn được phát hiện người nhiễm HIV. Tỷ lệ phát hiện nhiễm HIV còn sống trong cộng đồng dân cư của tỉnh là 108 ca/100.000 dân. Tính đến ngày 30-9-2019, tỉnh ta đã phát hiện được 4.150 người nhiễm HIV, trong đó, số người nhiễm HIV còn sống là 2.579 người, số người nhiễm HIV đã tử vong là 1.571 người.
Tham gia tích cực hơn nữa các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS là một biện pháp hiệu quả để phòng ngừa HIV/AIDS hiện nay. Ảnh: KGT
Với hành trình hơn 20 năm phòng, chống đại dịch HIV/AIDS, Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên các mặt trận truyền thông; ở các chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy, mại dâm; an toàn truyền máu; dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Đặc biệt, sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng được tăng cường; mở rộng và đa dạng dịch vụ xét nghiệm HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp tục được duy trì và đổi mới; điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm triển khai tốt; điều trị ARV tiếp tục được mở rộng với chất lượng điều trị rất tốt, phác đồ điều trị liên tục được cập nhật; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử, tăng khả năng tiếp cận của người dân đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; chuyển đổi thành công điều trị ARV từ viện trợ sang bảo hiểm y tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức như: tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan rộng HIV trong cộng đồng; việc tham gia xét nghiệm HIV, tham gia điều trị ARV, tham gia bảo hiểm y tế của người dân, người bệnh chưa cao. Khó khăn về nhân sự, về trang thiết bị và phương tiện trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở y tế các tuyến. Hạn chế kinh phí hoạt động do nguồn tài trợ của các dự án từ nước ngoài ngày càng giảm đi. Công tác nghiên cứu, giám sát phòng ngừa… đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của cả hệ thống chính trị các cấp và của toàn xã hội.
Tại lễ mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1-12-2019, bác sĩ Trần Văn Khải - Phó Giám đốc Sở Y tế kêu gọi: “Mọi người hãy đừng thờ ơ, im lặng trước những nguy cơ, tác hại to lớn của đại dịch này; trước những số phận bất hạnh của những người nhiễm HIV/AIDS và những người chịu sự tác động bởi HIV/AIDS. Chúng ta hãy biến sự quan tâm, lo lắng của bản thân thành những hành động cụ thể để cùng nhau cam kết tham gia tích cực hơn nữa các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS - đây là một biện pháp hiệu quả để phòng ngừa HIV/AIDS hiện nay; tiếp tục hỗ trợ ngày một thiết thực và hiệu quả hơn cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh; góp phần đảm bảo cho sự phát triển ổn định, phồn vinh và hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của toàn xã hội. Chúng ta hãy cùng cảm thông, chia sẻ và không kỳ thị, không phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS”.
Bác sĩ Trần Văn Khải cho biết thêm: “Với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”, tháng hành động năm nay diễn ra từ ngày 10-11 đến ngày 10-12-2019 nhằm thực hiện được các mục tiêu 90-90-90 (90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp) và các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu 90-90-90, chỉ cam kết không là không đủ mà cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa của mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Nó cũng đòi hỏi chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới để đạt được mục tiêu 90-90-90. Đây là những mục tiêu hết sức quan trọng và rất thách thức. Tuy nhiên, nếu đạt được những mục tiêu này, không chỉ là bảo vệ sức khỏe, bảo vệ tính mạng của con người mà còn là sự ổn định và phát triển của quốc gia, trong đó có tỉnh Sóc Trăng chúng ta”.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/dung-tho-o-truoc-dich-hiv-aids-33577.html