Dùng thực phẩm thừa làm giấy truyền thống

Tận dụng nguồn thực phẩm dư thừa, doanh nghiệp Nhật Bản Igarashi Seishi ở TP Echizen thuộc tỉnh Fukui, miền Trung Nhật Bản, đã cho ra đời sản phẩm giấy washi truyền thống với giá thành phải chăng và thân thiện với môi trường.

Nghệ nhân Masumi Igarashi sản xuất giấy washi

Nghệ nhân Masumi Igarashi sản xuất giấy washi

Washi là một loại giấy truyền thống được sản xuất thủ công theo công nghệ rất đặc biệt của Nhật Bản. Giấy có ưu điểm nhẹ, dai và chịu ẩm cực kỳ tốt nên được sử dụng rộng rãi ở đất nước mặt trời mọc. Washi là chất liệu giấy lý tưởng cho tranh in, quang khắc, in dập nổi, chạm nổi và in kỹ thuật số. Trong thiết kế nội thất, giấy washi được đánh giá cao trong thiết kế đèn bàn, cửa trong nhà, và gần đây làm cửa chớp và màn che…

Những năm gần đây, nhu cầu đối với giấy washi đang có xu hướng giảm do sản phẩm này đắt hơn nhiều so với giấy thông thường và sự xuất hiện của nhiều loại vật liệu mới. Điều đó đã đặt ra không ít thách thức cho các cơ sở sản xuất giấy washi. Tuy nhiên, Công ty Igarashi Seishi đã có cách làm khá sáng tạo để vượt qua các khó khăn đó.

Igarashi Seishi được thành lập vào năm 1919, là một trong những cơ sở sản xuất giấy washi lâu đời nhất ở Echizen. Công ty chủ yếu sản xuất giấy fusuma với độ dày, kích thước và hoa văn khá đa dạng. Igarashi Seishi cũng sở hữu các kỹ thuật tiên tiến để tạo ra các hoa văn nổi trên giấy washi. Nhờ vậy, các sản phẩm của công ty không chỉ được bày bán ở Nhật Bản mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều cơ sở sản xuất giấy washi khác ở Echizen, trong những năm qua, Igarashi Seishi gặp không ít khó khăn do sự khan hiếm của nguyên liệu đầu vào đã đẩy giá thành sản xuất lên rất cao, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu đối với loại giấy này. Nghệ nhân Masumi Igarashi, Giám đốc Công ty Igarashi Seishi, cho biết, việc thu hoạch kozo (vỏ cây dâu tằm) - một trong 3 nguyên liệu chính để sản xuất giấy washi - đã giảm mạnh xuống chỉ bằng khoảng 1,2% so với mức đỉnh.

Vậy nhưng, điều bất ngờ đã diễn ra từ chính Yuto, con trai của nghệ nhân Masumi Igarashi, đang học lớp 4. Yuto đã thử nghiệm để xem liệu có thể làm giấy từ những thực phẩm quen thuộc như trái cây và rau trong vườn, hay đậu phộng. Yuto tự tạo ra nhiều bản nghiên cứu chứa các thành phẩm giấy đã thực hiện thông qua thử nghiệm. Cậu bé không chỉ làm giấy mà còn mở rộng sang nghiên cứu màu sắc, khả năng thấm hút nước và độ bền của giấy. Hiện Yuto đang học THCS và vẫn tiếp tục hỗ trợ nghệ nhân Masumi Igarashi sản xuất giấy washi.

Từ thử nghiệm của Yuto, Igarashi Seishi đã nghiên cứu sử dụng trái cây và rau củ quả dư thừa, kết hợp với các nguyên liệu truyền thống để sản xuất thành công loại giấy washi mới với thương hiệu Food Paper (giấy thực phẩm). Sự kết hợp sáng tạo giữa các nguyên liệu truyền thống với trái cây và rau củ quả không chỉ giúp tạo ra một loại giấy washi mới, có kết cấu khá độc đáo, mà còn giúp cắt giảm đáng kể giá thành sản phẩm. Với giá bán tương tự như giấy washi truyền thống, Food Paper đã giúp Igarashi Seishi tăng lợi nhuận. Việc tận dụng được nguồn rác thải thực phẩm giúp Food Paper có giá thành sản xuất thấp hơn nhiều so với giấy washi truyền thống. Vì vậy, theo bà Masumi Igarashi, về mặt chi phí, đây là sản phẩm tốt.

Hiện nay, Igarashi Seishi vẫn lấy rau củ quả và trái cây thừa từ các cơ sở kinh doanh thực phẩm để sản xuất Food Paper, sau đó lại bán giấy washi cho các cơ sở này. Đây là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi khi Igarashi Seishi có thể cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất, trong khi các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng giải quyết được bài toán rác thải.

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dung-thuc-pham-thua-lam-giay-truyen-thong-post683831.html