Dùng thuốc chống đột quỵ - Chuyên gia mách bạn những lưu ý không thể bỏ qua

Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là một trong những bệnh lý vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Vậy thuốc chống đột quỵ nên hiểu như thế nào cho đúng?

Thuốc chống đột quỵ là các thuốc có tác dụng điều trị các bệnh lý - nguyên nhân gây ra đột quỵ não. Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng cho biết, các loại thuốc này cần dùng theo chỉ định của bác sĩ, thậm chí nhằm phòng ngừa tái phát ở những người đã gặp tình trạng này trước đó.

Các loại thuốc được sử dụng trong trường hợp này bao gồm:

Các thuốc điều trị bệnh nền giúp kiểm soát huyết áp, kiểm soát đường máu, mỡ máu…;
Các thuốc làm hạn chế tình trạng xơ vữa mạch máu;
Và các thuốc chống ngưng kết tiểu cầu, thuốc hạn chế tình trạng tăng đông máu...

Ngoài ra, cần kiểm soát stress bằng cách tập thể dục đều đặn và có thể dùng các an thần nhẹ dạng thảo dược để bớt căng thẳng như củ bình vôi, vông nem, lạc tiên, tâm sen…

Người dân không nên tin vào những lời quảng cáo về các loại thuốc có tác dụng chống đột quỵ không được kiểm định, chưa được chứng minh hiệu quả và an toàn khi sử dụng.

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Đột quỵ là một trong những bệnh lý vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Đột quỵ là một trong những bệnh lý vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

1. Thuốc điều trị bệnh nền Đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu...

- Cần kiểm soát tốt đường máu, duy trì chỉ số HbA1C ở mức 6,0-6,5% bằng các loại thuốc uống, có thể kết hợp thêm insulin nếu bác sĩ thấy cần thiết. Hiện tại có khá nhiều loại thuốc điều trị đái tháo đường có 2 thành phần kết hợp (có 1 thành phần là metformin) rất tiện lợi.

- Kiểm soát huyết áp ở mức dưới 130/80 mmHg bằng các nhóm thuốc như nhóm ức chế men chuyển/ức thế thụ thể angiotensin II, nhóm lợi tiểu, nhóm ức chế kênh calci, nhóm ức thế thụ thể beta…

- Kiểm soát mỡ máu bằng các thuốc nhóm statin hoặc fibrat...

2. Các thuốc hạn chế tình trạng xơ vữa mạch máu

Xơ vữa mạch máu là do tình trạng lão hóa của cơ thể, ảnh hưởng của các bệnh nền kết hợp với sự quá tải các gốc tự do trong cơ thể, do ảnh hưởng của sự ô nhiễm môi trường, các chất độc hại và trạng thái căng thẳng, stress.

Vì vậy, ngoài việc kiểm soát tốt bệnh nền, có thể bổ sung omega-3, các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chống gốc tự do, kết hợp với việc tập luyện thể dục đều đặn, ăn ngủ nghỉ hợp lý.

Việc sử dụng một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe như rutin (hoa hòe), ginkgo biloba (lá bạch quả), nattokinase (đậu nành lên men)... cũng có tác dụng tốt trong việc duy trì sự dẻo dai, đàn hồi của mạch máu.

Để kiểm tra tình trạng xơ vữa mạch, có thể siêu âm mạch máu não, động mạch cảnh/đốt sống, động mạch và tĩnh mạch chi, chụp động mạch vành… định kỳ để kịp thời có hướng xử trí.

3. Các thuốc chống đông máu chống kết tập tiểu cầu

Có 2 nhóm bệnh khiến cơ thể dễ hình thành các cục máu đông:

- Nhóm thứ nhất là các bệnh van tim hoặc rung tâm nhĩ dễ tạo nên cục huyết khối trong các buồng tim, cần dùng các thuốc kháng vitamin K (acenocoumarol, dicoumarol…) hoặc thuốc chống đông thế hệ mới (ức chế yếu tố Xa) hoặc heparin, heparin TLPT thấp;

- Nhóm thứ hai là hội chứng tăng đông ở người thừa cân, béo phì, ít vận động; người bị các bệnh nền đặc biệt là đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… do đó cần dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin hàm lượng thấp (75-150mg mỗi ngày) và/hoặc clopidogrel, ticagrelor, ticlopidine…

Lưu ý là cần xét nghiệm định kỳ các chỉ số đông máu để kịp thời điều chỉnh thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Lưu ý, các loại thuốc này đều có thể gây những tác dụng phụ không mong muốn, vì vậy người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

Dùng thuốc theo chỉ định, không tự ý đổi loại thuốc, tăng hay giảm liều lượng hoặc ngừng sử dụng thuốc.
Nếu gặp phải triệu chứng nào nghi ngờ do tác dụng phụ của thuốc gây ra, cần báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn.
Hạn chế vận động mạnh hoặc các mối nguy cơ khác làm tăng rủi ro chấn thương, chảy máu khi đang dùng thuốc chống đông máu.

Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc chống đột quỵ mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc chống đột quỵ mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Duy trì một lối sống khoa học, lành mạnh là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa đột quỵ. Bạn có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa sau đây:

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu…, từ đó ngăn ngừa đột quỵ xảy ra. Bạn nên ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc, thịt trắng, hải sản và trứng để bổ sung protein thiết yếu cho cơ thể. Nên hạn chế ăn các loại thịt đỏ, thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường...
Tập thể dục hàng ngày: Vận động thường xuyên có thể mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Hãy dành thời gian cho việc tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
Giữ ấm cơ thể: Khi trời lạnh, việc cơ thể nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Do đó bạn cần chú ý giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.
Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá chủ động hay thụ động đều gây ra những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, hãy bỏ thuốc lá vì chính bản thân mình và những người xung quanh.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Việc thăm khám thường xuyên sẽ giúp sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ, chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả. Với những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu, việc khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh lại càng cần thiết, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-chong-dot-quy-chuyen-gia-mach-ban-nhung-luu-y-khong-the-bo-qua-169230310154107451.htm