Dùng thuốc gì để trị sán?

Trước đây tôi có triệu chứng mệt mỏi chán ăn, hay ứa nước miếng, đau tức vùng gan kéo dài... nên đi khám ở bệnh viện huyện. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị sán lá gan và kê đơn thuốc chloroquin. Tôi uống hết đơn thuốc thì triệu chứng cũng hết, nhưng thời gian cần đây tôi xuất hiện triệu chứng như cũ. Xin cho biết tôi có dùng được đơn thuốc cũ không hoặc có thuốc gì để trị dứt bệnh?

Nguyễn Đức Hạnh (Thái Bình)

Sán là động vật ký sinh sống trong cơ thể con người. Tùy theo loài, sán sống trong hệ tiêu hóa (sán dây bò, sán dây lợn) hoặc có thể xuất hiện khắp nơi trong cơ thể (sán lá gan). Người bị nhiễm sán thường là người có thói quen hay ăn gỏi (tôm cá) hoặc ăn phải thịt bò sống có ấu trùng sán hoặc là các loại rau ngập nước (như rau ngổ) có nang ấu trùng sán.

Bạn đã đi khám bệnh và được kê đơn thuốc, nhưng xuất hiện lại triệu chứng. Mặc dù vậy không có nghĩa là bệnh giống nhau, vì biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, ứa nước miếng... là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau và nếu có bị nhiễm sán thì mỗi loại sán lại phải dùng thuốc khác nhau. Do đó, bạn không nên dùng đơn thuốc cũ mà nên đi khám tại chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán bệnh và kê đơn thuốc. Một số loại thuốc được dùng trong điều trị sán như:

Chloroquin hấp thu tốt qua đường uống, dùng điều trị sán lá gan và amip gan. Tác dụng không mong muốn hay gặp là rối loạn tiêu hóa, chán ăn, nhức đầu. Thuốc chống chỉ định dùng cho người mẫn cảm, người suy gan, phụ nữ có thai và cho con bú.

Thuốc praziquatel có hoạt phổ chống sán rộng, bao gồm sán lá, sán máng và sán dây, có tác dụng trên cả ấu trùng và sán trưởng thành. Liều dùng tùy thuộc vào loại sán đang mắc, tác dụng phụ chủ yếu là nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, thuốc được hấp thu nhanh khi uống.

Niclosamid tác dụng với loại sán dây, không có tác dụng với ấu trùng ở các mô ngoài ruột. Tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. liều dùng tùy theo tuổi và thể trọng.

Thuốc quinacrin có tác dụng với sán cả trong và ngoài ruột, thường dùng kèm thuốc tẩy muối, có thể kết hợp niclosamid.

Sử dụng thuốc điều trị sán chỉ là việc tiêu diệt sán chứ không có tác dụng phòng tránh nhiễm sán. Vì vậy cần hết sức chú ý thực hiện chế độ vệ sinh trong mọi mặt của cuộc sống, đặc biệt là không nên ăn thức ăn khi chưa được nấu chín kỹ hoặc ăn rau sống không đảm bảo.

ThS. Nguyễn Thị Thúy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-gi-de-tri-san-n181505.html