Dùng thuốc kích thích miễn dịch đúng cách không dễ

Trong tình hình nhiều dịch bệnh đe dọa cùng với thay đổi thời tiết gây ra nhiều bệnh cúm theo mùa, các chuyên gia y tế vẫn khuyên người dân nên nâng cao sức đề kháng miễn dịch. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ các thuốc kích thích miễn dịch là gì, dùng khi nào và như thế nào cho đúng?

Thuốc kích thích miễn dịch là gì?

Miễn dịch là khả năng phản ứng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập. Khi hệ miễn dịch tiếp xúc với các kháng nguyên lạ như vi khuẩn, virus, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để tiêu diệt chúng. Kháng thể được sinh ra do tự nhiên (cơ thể tự sinh ra hay từ mẹ truyền sang cho trẻ sơ sinh) hoặc do thu được (tiêm vắc-xin là kháng nguyên hay đưa kháng thể vào cơ thể).

Các chất kích thích miễn dịch giúp nâng cao đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các tác nhân như bệnh nhiễm trùng, ung thư, suy giảm miễn dịch (AIDS) và đưa các kháng thể vào cơ thể. Bên cạnh các thuốc kích thích miễn dịch (immunostimulators), còn có các chất bổ sung tăng cường miễn dịch (immunosubstitutions như vitamin, khoáng chất, thảo dược). Các thuốc kích thích miễn dịch khi đưa vào cơ thể sẽ hoạt hóa các đại thực bào, các tế bào lympho, mono, các cytokine để sinh kháng thể tiêu diệt các tác nhân gây bệnh.

Chỉ được dùng các thuốc kích thích miễn dịch theo chỉ định của bác sĩ.

Chỉ được dùng các thuốc kích thích miễn dịch theo chỉ định của bác sĩ.

Các loại thuốc kích thích

miễn dịch

Các nhà khoa học chia các chất kích thích miễn dịch thành 2 loại: Thuốc kích thích miễn dịch và chất dinh dưỡng tăng cường miễn dịch.

Các thuốc kích thích miễn dịch: Bao gồm các thuốc tạo miễn dịch đặc hiệu (vắc-xin, BCG, globulin miễn dịch) và miễn dịch không đặc hiệu (levamisol, các cytokin như interferon, interleukin).

Vắc-xin: Là những kháng nguyên được tạo ra từ vi khuẩn, virus có tác dụng kích thích cơ thể sống sinh ra kháng thể dịch thể và tế bào nhằm chống lại các nhóm kháng nguyên của yếu tố gây bệnh. Trong lâm sàng hay dùng vắc-xin BCG. Vắc-xin BCG có tác dụng tăng cường sự tương tác giữa tế bào lympho T và đại thực bào (macrophage) và làm tăng tiết IL-1.

Interferon (IFN): Là những chất cytokine có cấu trúc glycoprotein. Có tác dụng chung là chống virus, kích thích miễn dịch thông qua sự tăng cường chức năng của bạch cầu hạt và đại thực bào.

Các chất dinh dưỡng tăng cường miễn dịch:Gồm các vi chất như các vitamin (vitamin C, A, D, B...), khoáng chất (selen, kẽm) hay các loại thảo dược (curcumin, tỏi...) có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể phòng chống các bệnh do nhiễm virus cúm, vi khuẩn đường ruột...

Đâu là cách dùng đúng?

Các chuyên gia cho biết, các thuốc kích thích miễn dịch chỉ được dùng trong các trường hợp suy giảm miễn dịch như: Tình trạng suy giảm miễn dịch trong nhiễm HIV/AIDS, viêm gan virus, ung thư, viêm khớp dạng thấp, các bệnh tạo keo...; nhiễm khuẩn cấp tính (cúm, sởi, viêm não...) và mạn tính (đặc biệt trong viêm đường hô hấp ở trẻ em)... Các vi chất dùng bổ trợ nâng cao miễn dịch cho người bệnh, đặc biệt trong các bệnh lý nhiễm khuẩn.

Các thuốc kích thích miễn dịch có rất nhiều ứng dụng trong dự phòng và điều trị các bệnh lý nhiễm trùng, ung thư, suy giảm miễn dịch hay bệnh hệ thống. Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc khác, sử dụng thuốc đúng mục đích sẽ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh. Ngược lại, thuốc là con dao hai lưỡi, có thể gây những phiền toái cho sức khỏe. Mặc dù rất ít gặp tác dụng không mong muốn nhưng nếu dùng với liều quá cao có thể gặp tác dụng bất lợi. Một số tác dụng phụ có thể gặp: Rối loạn tiêu hóa (khô miệng, chán ăn, thay đổi vị giác, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy...); Rối loạn thần kinh (nhức đầu, mất ngủ, choáng váng, giảm tập trung chú ý, lẫn lộn, trầm cảm, đau cơ, đau khớp, chuột rút...); Rối loạn tim mạch (rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp...); Độc với gan, thận, máu, tổn thương da; Hội chứng giả cúm (levamisol).

Để nâng cao sức đề kháng cho bản thân, tốt nhất nên tăng cường luyện tập thể dục thể thao, bổ sung các vi chất từ thức ăn hằng ngày kết hợp với lối sống khoa học, lành mạnh. Việc sử dụng thuốc kích thích miễn dịch phải theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa được tư vấn từ bác sĩ (kể cả các loại vitamin và khoáng chất), có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

ThS. BS. Hồ Mỹ Dung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-kich-thich-mien-dich-dung-cach-khong-de-n182872.html