Dùng thuốc lá điện tử để cai nghiện thuốc lá truyền thống là sai lầm
Nhiều người hút thuốc lá điện tử để cai thuốc lá truyền thống với suy nghĩ thuốc lá điện tử ít nguy hại hơn. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn không đúng.
Tại Hà Tĩnh, không quá khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ hút thuốc lá điện tử tại quán café, quán nhậu hay các quầy bar, club... Một số trường học trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã xuất hiện tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử.
Theo các chuyên gia, hiện nay, nhiều bạn trẻ nghĩ rằng thuốc lá điện tử là vô hại, không gây nghiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá điếu truyền thống. Tuy nhiên, thực tế và khoa học lại chứng minh điều ngược lại. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn bị các đối tượng trộn ma túy và nhiều chất cấm khác, gây ngộ độc cho nhiều người sử dụng.
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận bệnh nhân nam, 63 tuổi, nhập viện trong tình trạng hai chân không thể tự di chuyển. Bệnh nhân tên là L.C.T. có tiền sử hút thuốc nhiều năm liền (từ khi còn rất trẻ). Bệnh nhân đau chân khoảng một tháng nay, 3 ngày trước khi vào viện, tình trạng đau tăng lên. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu chi bán cấp tính khá rõ ràng.
Vào tháng 8/2023, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam 19 tuổi, nhập viện trong tình trạng xuất hiện cơn đau tức ngực. Bệnh nhân này có sử dụng thuốc lá điện tử. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm màng ngoài tim và viêm phổi.
Trước đó (tháng 7/2023), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 44 tuổi, nhập viện với biểu hiện kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn do ngộ độc thuốc lá điện tử.
Ngày 26/6, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng đã tiếp nhận bệnh nhân D.V.T (31 tuổi) có tiền sử hút thuốc lá 10 năm liên tục, mỗi ngày, anh T. hút từ nửa bao đến 1 bao thuốc lá. Anh T. bị nhồi máu cơ tim nguy kịch. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời.
Dù thuốc lá điện tử mới ra đời khoảng 10 năm trở lại đây nhưng rất nhiều nghiên cứu cho thấy những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là hô hấp và tim mạch. Vì vậy, việc dùng thuốc lá điện tử để cai nghiện thuốc lá truyền thống là sai lầm.
Hiện nay, thuốc lá điện tử được lưu hành rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Có khá nhiều thành phần trong thuốc lá điện tử, trong đó thành phần chính bao gồm:
- Nicotine: Là chất gây nghiện có trong thuốc lá thường. Với thuốc lá điện tử, người ta đưa vào một lượng thấp hơn nicotine (3-36 mg/mL) so với thuốc lá truyền thống, tuy nhiên cũng có những loại có nồng độ nicotine cao tương tự thuốc lá truyền thống
- Dung dịch tạo khói, gồm: nước, Propylene Glycol và Glycerin. Khi được làm nóng, nước sẽ bay hơi kết hợp với các chất còn lại tạo nên sản phẩm giống như khói để người hút cảm giác giống như đang hút thuốc. Mặc dù các chất như Propylene Glycol và Glycerin đã được FDA cho phép sử dụng trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, tuy nhiên những chất này khi bị đốt cháy có thể tạo ra những sản phẩm nguy hại cho cơ thể như Formaldehyde, Acetaldehyde, Acrolein.
- Chất tạo mùi: là các hóa chất hương liệu tạo ra những mùi vị khác nhau (hoa quả, chocolate, vanium, mùi khói thuốc lá,...)
Thuốc lá điện tử hay thuốc lá truyền thống đều gây hại cho sức khỏe người hút trực tiếp cũng như người hút thụ động.
Các chất độc hại với cơ thể do thuốc lá điện tử sinh ra phần lớn đến từ các sản phẩm dạng hóa chất của chất tạo khói và tạo mùi, tiếp xúc trong thời gian càng dài thì ảnh hưởng tới sức khỏe càng nhiều. Vì vậy, ai tiếp xúc nhiều hơn thì ảnh hưởng nhiều hơn, kể cả người hút chủ động và thụ động.
Các hóa chất sinh ra từ quá trình tạo khói và đốt cháy chất tạo mùi có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cơ quan hô hấp và tim mạch. Những ảnh hưởng lâu dài có thể gây độc tế bào và nguy cơ phát triển ung thư.
Để hạn chế việc hút thuốc lá truyền thống hay thuốc lá điện tử thực sự không hề đơn giản, kể cả với các quốc gia phát triển. Với thanh thiếu niên, vai trò của nhà trường và gia đình là rất quan trọng để giúp trẻ không hút thuốc, kể cả thuốc lá điện tử. Việc trang bị các kiến thức để các bạn trẻ hiểu về tác hại trực tiếp và gián tiếp của thuốc lá đối với cá nhân, gia đình và xã hội sẽ giúp giảm bớt tỷ lệ hút thuốc nói chung.
P.V
(tổng hợp)