Dùng thuốc tùy tiện, người bệnh trả giá
Mua thuốc không theo đơn của bác sĩ: Hậu quả khôn lường
(HNM) - Thuốc tân dược vốn là “con dao hai lưỡi”, không thể tùy tiện sử dụng. Thế nhưng, không ở đâu việc mua, bán thuốc lại diễn ra tự do như ở nước ta. Cứ có bệnh, người dân lại tự ý mua thuốc về điều trị, để rồi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Các cơ quan chức năng cần kiểm soát những cửa hàng bán thuốc không theo đơn của bác sĩ.
Ốm là mua kháng sinh
Bệnh viện Nhi trung ương vừa điều trị cho bệnh nhi T.V.D. (2 tuổi ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) bị suy gan, sau khi ngộ độc thuốc hạ sốt paracetamol. Trước khi nhập viện, gia đình đã cho bé uống paracetamol 4 viên/ngày để hạ sốt và sau 4 ngày, bé đã bị ngộ độc thuốc.
Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, ngộ độc paracetamol không phải là hiếm gặp. Bệnh viện Nhi trung ương từng tiếp nhận nhiều trường hợp nặng, thậm chí đã có trẻ tử vong. Mặc dù paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt khá an toàn, nhưng khi sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ, vì nếu dùng quá liều sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Thế nhưng, nhiều phụ huynh cứ thấy con ốm là tự ý mua thuốc cho sử dụng.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, có khoảng 80-90% bệnh nhi tìm đến bác sĩ, sau khi đã sử dụng kháng sinh ở nhà không hiệu quả. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, có trẻ mới chỉ 2-3 tuổi, bị viêm phổi nhưng đã “làm khó” các bác sĩ khi phải dùng đến kháng sinh thế hệ 2, 3 (loại mạnh) mới khỏi. Có bệnh nhi 8 tháng tuổi bị viêm màng não mủ phải trải qua 2 tháng điều trị với phác đồ kháng sinh liều cao mới thoát khỏi tử thần. Những trường hợp này là hậu quả của việc nhiều cha mẹ cứ thấy con có biểu hiệu ốm là đến ngay cửa hàng thuốc, nhờ nhân viên tư vấn, rồi mua thuốc, bất kể đó là thuốc gì... "Nếu không tập trung cảnh báo và quản lý việc sử dụng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh thì rất nguy hiểm, dẫn đến gia tăng tình trạng kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị. Không những vậy, chi phí điều trị cũng đội lên hàng chục lần" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bệnh nhi T.V.D. (2 tuổi ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) bị ngộ độc thuốc paracetamol, được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Chỉ bác sĩ mới có thể nắm bắt được tình trạng bệnh và chỉ định sử dụng thuốc phù hợp cho bệnh nhân, nhất là với các thuốc có tính độc cao, nhóm thuốc phải kê đơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, người dân tự mua thuốc, người bán thuốc tự kê đơn đang diễn ra phổ biến, rất khó kiểm soát. Trong vai bà mẹ có con ốm, phóng viên Báo Hànôịmới đã đến một cửa hàng thuốc trên đường Giải Phóng (quận Hai Bà Trưng). Tiếp đón khách hàng là một phụ nữ không mặc áo blu, không đeo bảng tên dược sĩ. Tại đây, người bán thuốc chỉ hỏi khách hàng về triệu chứng bệnh mà không hỏi về việc đã đi khám bệnh và có đơn thuốc không?
Quan sát thêm những khách hàng khác, hầu hết những người đến đây đều kể triệu chứng để người bán thuốc bắt bệnh, bán thuốc. Thậm chí, cả những bệnh như đái tháo đường, đau dạ dày cũng được bán thuốc mà không có đơn thuốc. Khi chúng tôi băn khoăn về việc người bán thuốc có phải dược sĩ không và ngỏ ý muốn xem bằng cấp để chứng minh, thì người phụ nữ này nổi cáu: “Không phải dược sĩ thì đứng đây làm gì...!”.
Sẽ rút giấy phép nếu bán thuốc không theo đơn
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 7.728 cơ sở hành nghề dược, trong đó có khoảng 6.000 nhà thuốc và quầy thuốc, còn lại là cơ sở bán buôn thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Mới đây, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội đã khảo sát 4 nhà thuốc. Tại thời điểm khảo sát, cả 4/4 nhà thuốc đều không có mặt dược sĩ phụ trách chuyên môn. Nhân viên đứng quầy kiêm luôn dược sĩ và bác sĩ, sẵn sàng kê đơn, bốc thuốc cho người bệnh.
Qua giám sát cho thấy, có tình trạng một dược sĩ đứng tên từ 2 đến 3 nhà thuốc, người đứng quầy bán thuốc không phải là dược sĩ. Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) thừa nhận, hiện tượng cho thuê bằng dược sĩ để mở cửa hàng thuốc khá phổ biến. Chỉ cần bỏ ra số tiền thuê bằng khoảng 10 triệu đồng/tháng, một người không có chuyên môn cũng có thể đứng quầy kê thuốc, chữa bệnh cho người dân.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, không ở đâu mọc lên nhiều nhà thuốc như ở Việt Nam. Ở vùng ngoại thành, nhà thuốc không phép len lỏi vào các thôn, xóm, rất khó kiểm soát. Theo quy định, bán lẻ thuốc mà không có đơn là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế do số lượng nhà thuốc quá lớn, trong khi lực lượng quản lý còn mỏng. Hơn nữa, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ví như, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc chỉ bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng... Chính vì vậy, khi bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, các nhà thuốc sẵn sàng nộp phạt và sau đó lại tái phạm…
Để đưa hoạt động mua, bán thuốc vào nền nếp, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện Sở đang phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết nối liên thông tại nhà thuốc, quầy thuốc. Qua kiểm tra, nếu phát hiện nhà thuốc nào không kết nối mạng và bán thuốc không có đơn thuốc sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; đồng thời, các nhà thuốc phải lưu giữ thông tin về đơn thuốc và dữ liệu bệnh nhân để truy xuất khi cần thiết. Cùng với đó, người dân nên bỏ thói quen tự ý mua thuốc khi không có chỉ định của thầy thuốc, để tránh những hậu quả đáng tiếc.