Dùng trí tuệ nhân tạo dự báo tội phạm

Các lực lượng an ninh của Argentina vừa thông báo kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo hành vi phạm tội.

Kế hoạch này được công bố sau khi Tổng thống Javier Milei trong tuần qua thành lập Đơn vị An ninh ứng dụng AI, với nhiệm vụ "ngăn ngừa, phát hiện, điều tra và truy tố tội ác".

Theo kế hoạch trên, "các thuật toán học máy sẽ được ứng dụng để phân tích dữ liệu hồ sơ phạm tội, từ đó dự báo về các tội ác có thể xảy ra và hỗ trợ ngăn ngừa".

Các phần mềm nhận biết khuôn mặt cũng có thể được sử dụng để nhận dạng "những người bị truy nã", kiểm tra mạng xã hội và phân tích cảnh quay thời gian thực của camera an ninh nhằm phát hiện các hành động đáng nghi.

Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Argentina (PFA) trong một hoạt động an ninh Ảnh: INTERPOL

Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Argentina (PFA) trong một hoạt động an ninh Ảnh: INTERPOL

Sau khi lên nắm quyền vào cuối năm ngoái, Tổng thống Milei đã cam kết phản ứng mạnh tay để trấn áp tội phạm. Trang The Guardian dẫn tuyên bố của Bộ An ninh Argentina khẳng định đơn vị mới sẽ hỗ trợ phát hiện những mối đe dọa tiềm tàng, nhận biết hoạt động của các băng đảng tội phạm hoặc các nguồn gây bất ổn.

Theo Bộ An ninh Argentina, Mỹ, Trung Quốc, Israel và một số nước khác đã đi tiên phong ứng dụng AI trong các chiến dịch an ninh.

Nguồn tin của Bộ An ninh Argentina tiết lộ đơn vị mới sẽ hoạt động trong khuôn khổ pháp lý hiện tại, bao gồm Luật Bảo vệ thông tin cá nhân. Đơn vị mới sẽ tập trung ứng dụng AI, các phân tích dữ liệu và học máy để tìm ra mô hình và xu hướng phạm tội dựa trên kho cơ sở dữ liệu của Bộ An ninh Argentina.

Dù vậy, nhiều tổ chức nhân quyền và chuyên gia tại Argentina bày tỏ lo ngại việc giám sát quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do biểu đạt. Họ cũng e ngại một số nhóm nhất định trong xã hội sẽ bị giám sát quá mức bằng công nghệ nêu trên, đồng thời thắc mắc những ai, hoặc bao nhiêu lực lượng an ninh, được tiếp cận thông tin nhạy cảm.

Hải Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dung-tri-tue-nhan-tao-du-bao-toi-pham-196240804193305818.htm